Như một truyền thống tốt đẹp, năm hết Tết đến, mọi người đều tranh thủ khoảng thời gian chộn rộn này để tân trang, dọn dẹp nhà cửa đón Tết hay đơn giản chỉ sắm sửa, bày biện vài món đồ trang trí cho ngôi nhà rộn ràng sắc xuân.
Phù hợp cho mọi không gian sống, từ truyền thống đến những ý tưởng sáng tạo, có nhiều cách trang trí Tết đơn giản nhưng vẫn mang lại không khí ấm cúng và may mắn cho gia đình.
Đào, mai ngày Tết
Hoa đào tượng trưng cho sự phồn thịnh, hoa mai mang ý nghĩa phát tài. Với người Việt Nam, đào và mai là hai loại hoa truyền thống được sử dụng trưng bày, trang trí nhiều nhất trong dịp Tết.
Không có cây đào thắm đỏ hay "mai vàng trước ngõ", để ngôi nhà thêm rực rỡ và tràn ngập sắc xuân, người thành thị ngày nay vẫn chọn một cành đào/mai để đặt ở phòng khách hoặc những vị trí trang trọng nhất trong nhà.
Tô điểm thêm vài tấm thiệp, bao lì xì hoặc vài món đồ trang trí nho nhỏ, bạn đã thấy Tết hiện diện trong nhà.
Màu của Tết
Năm mới đến cùng những hy vọng và niềm tin nên nói tới Tết ai cũng hình dung đến các không gian rực trong sắc đỏ - sắc màu của sự may mắn.
Không chỉ đèn lồng, những tờ nguyện ước, vài phong bao lì xì đỏ thắm đôi khi cũng đủ làm món trang trí đắt giá cho góc nhà ngày Tết.
Vì vậy, nếu muốn một chút rộn ràng, một góc Tết đơn giàn với một tấm khăn trải bàn, một chậu cây cảnh màu đỏ cũng được nhiều chủ nhà lựa chọn.
Góc tâm linh
Với người Việt, không gian thờ phượng luôn chiếm vị trí quan trọng trong nhà. Vì thế mỗi độ Tết về, đây cũng là nơi mọi người dành nhiều thời gian và công sức để tân trang, sửa soạn.
Ở những không gian sống hiện đại, các căn hộ chung cư, bạn vẫn có thể tranh thủ dành một góc phòng hay chiếc kệ, tủ... để làm góc tâm linh cho nhà.
Có nhiều món đồ nội thất đơn giản nhưng mang đậm hồn Việt, thêm một chút bài trí với chân đèn, bình hoa, khung ảnh... bạn đã có một nơi chốn để khấn vái, thắp nén hương cho ông bà và người thân đã khuất...
Rộn ràng sắc xuân
Không chỉ hoa đào, hoa mai, những sắc màu Tết với những chậu cúc vàng rực, những bụi vạn thọ no tròn, mào gà thắm đỏ hay thủy tiên, thược dược yêu kiều… vẫn giữ nguyên trong ký ức những người con nước Việt.
Vì vậy những ngày cuối năm bận rộn, tranh thủ đi ngắm chợ hoa rồi hồ hởi mang về mấy cặp cúc đại đóa, cúc mâm xôi hay mào gà là đã thấy Tết rộn ràng trước cửa nhà.
Rồi cơ man nào lan, hướng dương… hay những loại hoa thời thượng tuyết mai, thanh liễu… Tất cả hòa quyện tạo không khí Tết đầm ấm, tạo thành một cảm giác hạnh phúc và sum vầy.
Mùi Tết
Mùa xuân cũng có hương vị riêng và mùi Tết là thứ mùi tổng hợp của những nỗi nhớ, những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, những mùi hương chạm tới tâm hồn.
Mùi hương trầm ấm nồng nơi bàn thờ, mâm bánh chưng/bánh tét còn nghi ngút mùi thơm của lá, mùi hoa quả xen lẫn mùi mứt, một chậu quất/tắc thơm lừng hay bó mùi già với hương thơm nồng nàn, ấm áp trong thời khắc giao thừa…
Tất cả sẽ biến các không gian sống trong nhà thêm nồng nàn, ấm cúng.
Và bấy nhiêu thôi đã thấy sắc màu Tết, mùi Tết, vị Tết rộn ràng bung tỏa khắp nhà…
Táo bạo, tràn đầy năng lượng hoặc ấm cúng với màu đỏ hoàn hảo - sắc màu ai cũng muốn thấy trong ngày Tết.