vĐồng tin tức tài chính 365

Rạng danh nước Việt: Chuyện về phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan

2024-02-01 09:23

Nhân dịp chương trình Xuân quê hương diễn ra ngày 1 - 2.2 tại TP.HCM với chủ đề "TP.HCM - Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng", Báo Thanh Niên giới thiệu những câu chuyện của kiều bào tiêu biểu, đại diện cho cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

PHỐ CỦA NGƯỜI VIỆT

Ngày 9.12.2023 được cộng đồng người Việt ở tỉnh Udon Thani nhắc đến như ngày ra đời của Phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan cũng như trên toàn thế giới.

Rạng danh nước Việt: Chuyện về phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan- Ảnh 1.

Phố Việt Nam ở tỉnh Udon Thani (Thái Lan) giới thiệu các món ăn đặc trưng của đất nước đến khách du lịch và người dân sở tại

X.H

Cảm giác tự hào là điều mà ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani và là Phó chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan, nhắc đến liên tục trong cuộc trò chuyện với PV Thanh Niên. Năm nay, ông Hòa về nước sớm để tham gia các hoạt động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ở Hà Nội, rồi bay vào TP.HCM để dự chương trình Xuân quê hương.

Ông Hòa viện dẫn nhiều tài liệu lịch sử ghi lại rằng người Việt Nam có mặt ở Thái Lan từ hàng trăm năm trước, từ trước cả thời vua Gia Long thiết lập quan hệ ngoại giao với triều đình phong kiến tại quốc gia này. Đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan có khoảng 100.000 người, riêng ở tỉnh Udon Thani là hơn 60.000 người. Ông Hòa đánh giá vị thế của người Việt Nam không thua kém gì những cộng đồng ngoại kiều khác.

Rạng danh nước Việt: Chuyện về phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan- Ảnh 2.

"Khu phố bán đồ ăn từ sáng đến trưa, khách du lịch đến rất đông, có cửa hàng bán đến 9 giờ sáng đã hết", ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani và là Phó chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan, kể

Ở tỉnh Udon Thani thuộc khu vực đông bắc Thái Lan, ông Hòa chia sẻ người Việt được chính quyền địa phương ghi nhận là cộng đồng có nhiều đóng góp, giúp cho tỉnh phát triển phồn vinh, kinh tế tốt lên. Người Việt sống tuân thủ pháp luật, sinh sống hòa thuận với các cộng đồng khác, là nguồn lực trong phát triển KT-XH của chính quyền địa phương.

Riêng ở ngõ 2 đường Srisuk, thành phố Udon Thani có hơn 90% là người Việt sinh sống, làm ăn, buôn bán. Thấy cộng đồng người Việt đông đúc, ông Hòa ấp ủ ý tưởng hình thành một khu phố của người Việt Nam và lấy tên là Phố Việt Nam. Khi mang ý tưởng này trao đổi với Đại sứ Phan Chí Thành (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan), ông nhận được sự ủng hộ nhiệt thành. Bên cạnh đó, tỉnh trưởng Udon Thani cũng đồng tình với đề xuất lập Phố Việt Nam.

Dù vậy, ban đầu việc lập khu phố cũng gặp nhiều trắc trở, bao gồm cả một số ý kiến không đồng thuận từ chính những người Việt đang sinh sống ở đây. Họ dè dặt, băn khoăn lấy tiền đâu làm, rồi quản lý vận hành như thế nào... Trước những lo ngại đó, ông Hòa cùng Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani quyết tâm làm bằng được và giải đáp từng câu hỏi của mọi người.

Khó nhất là vận động kinh phí khi ước tính cần tới 1 triệu USD (khoảng 23 tỉ đồng) để hoàn thiện khu phố. May mắn là ý tưởng này nhận được nhiều sự ủng hộ của doanh nghiệp tại Việt Nam. Hồi cuối năm 2022, đoàn công tác của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) qua thăm và làm việc tại tỉnh Udon Thani, ông Hòa trao đổi và được hỗ trợ 1 tỉ đồng làm 2 cổng chào. Bên cạnh đó, Tập đoàn Sovico cũng giúp 4 tỉ đồng để sơn lại toàn bộ khu phố với những hình ảnh đặc trưng của đất nước Việt Nam. Còn chính quyền địa phương thì hỗ trợ thông qua việc làm lại vỉa hè, lòng đường (ước tính kinh phí khoảng 3 tỉ đồng) để thuận tiện buôn bán.

Rạng danh nước Việt: Chuyện về phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan- Ảnh 3.

Khu phố Việt Nam có đủ món ăn đặc trưng của Việt Nam từ bánh chưng, bánh xèo, bánh đa, bánh đúc, bún chả, phở, hủ tiếu, bún bò, bún mọc...

Hy vọng sẽ có thêm nhiều Phố Việt Nam

Ngày 9.12.2023, Phố Việt Nam tại Udon Thani chính thức ra mắt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự lễ cắt băng khánh thành. Khu phố dài khoảng 300 m, trong giai đoạn đầu chỉ bán vào buổi sáng thứ bảy và chủ nhật. Nơi đây có đủ món ăn đặc trưng của Việt Nam từ bánh chưng, bánh xèo, bánh đa, bánh đúc, bún chả, phở, hủ tiếu, bún bò, bún mọc... "Khu phố bán đồ ăn từ sáng đến trưa, khách du lịch đến rất đông, có cửa hàng bán đến 9 giờ sáng đã hết", ông Hòa kể, đồng thời cho biết không chỉ người Thái, người Hoa mà còn cả khách du lịch từ Âu, Mỹ cũng ghé thăm, thưởng thức. Du khách thích thú với những món ăn Việt vì nhiều rau xanh, ít dầu mỡ.

Rạng danh nước Việt: Chuyện về phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan- Ảnh 4.

Mô hình Phố Việt Nam đầu tiên sẽ giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thêm niềm tin và kinh nghiệm trong tổ chức vận hành

Càng tự hào hơn khi sự hiện diện của Phố Việt Nam tại địa phương sớm hơn các cộng đồng ngoại kiều khác. Hơn 100 căn nhà trong khu vực trước đây chỉ để ở, một vài cửa hàng buôn bán thì nay tấp nập, nhộn nhịp. Khu phố ra đời cũng giúp đời sống bà con người Việt tăng lên đáng kể. Người nào biết kinh doanh thì tự mở quán ăn để buôn bán, còn không thì cho thuê mặt bằng. Khi giá nhà đất tăng lên, mọi người đều được hưởng lợi. "Buổi chiều bà con ngồi trên vỉa hè trước nhà bàn những câu chuyện làm ăn, buôn bán trên Phố Việt Nam", ông Hòa nói.

Khi chứng kiến sự thay đổi tích cực, những ý kiến lo ngại trước đây tan biến, thay vào đó là sự ủng hộ. Sắp tới, Phố Việt Nam sẽ mở rộng thời gian bán từ sáng đến chiều, thậm chí cả buổi tối và mở cửa tất cả ngày trong tuần. "Tôi muốn đưa thêm hàng hóa Việt Nam chất lượng cao qua đây bán cho người Thái và ngoại kiều khác sử dụng. Ở đây cũng sẽ làm thêm bảo tàng cà phê Việt Nam", ông Hòa nói về kế hoạch mới. Ngõ 2 đường Srisuk, nơi tổ chức Phố Việt Nam cũng được dự kiến đổi tên thành Vietnam Town và tiếp tục mở rộng, hoàn thiện các hạng mục khác.

Mong ước nơi nào có cộng đồng người Việt thì mở Phố Việt Nam ở đó là nguyện vọng chính đáng và cháy bỏng. Để làm được điều đó, theo Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani, phải hội tụ đủ 2 điều kiện. Đầu tiên là cộng đồng người Việt phải chiếm từ 70% trở lên. Thứ hai, chính quyền địa phương ủng hộ và cộng đồng người bản địa, ngoại kiều khác không phản đối.

"Như ở Phố Việt Nam, chủ tịch Hội người Hoa và nhiều đại gia ở khu vực ghé thăm ủng hộ thì mới thành công", ông Hòa nói. Mô hình Phố Việt Nam đầu tiên sẽ giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thêm niềm tin và kinh nghiệm trong tổ chức vận hành.

(còn tiếp)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân chủ trì nhiều hoạt động ý nghĩa

Hôm nay (1.2), chương trình Xuân quê hương 2024 chính thức khai mạc và sẽ diễn ra trong 2 ngày tại TP.HCM. Đây là lần thứ ba chương trình được tổ chức tại TP.HCM, 2 lần trước vào các năm 2014 và 2017. Trong khuôn khổ chương trình Xuân quê hương năm 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân sẽ chủ trì nhiều hoạt động ý nghĩa cùng bà con kiều bào như: lễ dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng; nghi thức thả cá chép truyền thống. Tối 2.2 sẽ diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề "TP.HCM - Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng" tại Hội trường Thống Nhất (Q.1).

Học tiếng Việt trong chùa Việt

Ông Lương Xuân Hòa cho biết có 25 chùa và 6 nhà thờ Việt Nam trên lãnh thổ Thái Lan. Các chùa này có nguồn gốc từ Việt Nam, tên chùa đọc theo tiếng Việt, tụng kinh theo Phật giáo Việt Nam nhưng ban đầu chưa có bảng tên viết bằng tiếng Việt.

Bản thân ông Hòa ban đầu cũng không biết đây là chùa của người Việt Nam, mãi sau này gặp trụ trì chùa Khánh An (tỉnh Udon Thani) và được nhà sư phân tích cặn kẽ lịch sử thì ông mới biết. Sau đó, ông Hòa trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan về việc gắn bảng tên tiếng Việt cho những ngôi chùa này. Đến tháng 2.2016, chùa Khánh An được gắn bảng tên tiếng Việt, tiếp đó là các ngôi chùa khác như Cảnh Phước, Khánh Vân, Khánh Thọ, Long Sơn… Trong đó, chùa Khánh An là địa điểm sinh hoạt văn hóa thường xuyên của cộng đồng người Việt Nam tại địa phương.

Rạng danh nước Việt: Chuyện về phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan- Ảnh 5.

Lớp dạy tiếng Việt trong chùa Khánh An ở tỉnh Udon Thani

X.H.

Rạng danh nước Việt: Chuyện về phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan- Ảnh 6.

Lớp dạy tiếng Việt trong chùa Khánh An ở tỉnh Udon Thani

X.H.

Rạng danh nước Việt: Chuyện về phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan- Ảnh 7.

Lớp dạy tiếng Việt trong chùa Khánh An ở tỉnh Udon Thani

X.H.

Hiểu được tầm quan trọng của tiếng Việt, ông Hòa xin phép trụ trì chùa Khánh An xây dựng dãy nhà bên trong chùa làm nơi sinh hoạt, đồng thời mở lớp dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào. "Mình phải làm lớp học để con cháu mình biết tiếng Việt nữa. Nếu không biết tiếng Việt, lớn lên sẽ bị mất gốc, quên mất nguồn cội", ông Hòa nói.

Đề xuất này được Hòa thượng Thích Thiện Thật, trụ trì chùa Khánh An, đồng ý. Thế là lớp dạy tiếng Việt đầu tiên tại Thái Lan ra đời, khóa học đầu tiên tổ chức ngày 24.1.2017. Hiện có 8 lớp học với khoảng 100 học viên, độ tuổi từ 6 - 60 tuổi, bao gồm cả nhà sư.

"Nhiều người lớn tuổi dẫn con cháu đi học rồi ở lại học luôn", ông Hòa kể. Việc dạy tiếng Việt hoàn toàn miễn phí, giáo viên cũng không nhận lương. Bên cạnh đó, trụ sở Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani cũng được xây dựng mới khang trang với tổng kinh phí khoảng 10 tỉ đồng do chính kiều bào đóng góp.

Xem thêm: mth.913044122131042581-nal-iaht-o-neit-uad-man-teiv-ohp-ev-neyuhc-teiv-coun-hnad-gnar/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Rạng danh nước Việt: Chuyện về phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools