Hôm 30-1, ba nước Đức, Hà Lan và Ba Lan đã ký một thỏa thuận nhằm giảm rào cản trong việc di chuyển quân đội và vũ khí xuyên biên giới. Động thái này được xem như một cách củng cố mạn sườn phía đông của châu Âu và NATO trước cái mà họ nhìn nhận là "mối đe dọa" từ Nga.
Chuẩn bị cho kịch bản xấu
Hà Lan, Đức và Ba Lan nằm trên một tuyến đường ở Biển Bắc, nối từ phía tây sang phần phía đông châu Âu. Thỏa thuận trên cho phép ba nước đưa quân và vũ khí qua các cảng Biển Bắc tới mặt trận phía đông.
Phát biểu tại một sự kiện của Cơ quan Phòng vệ châu Âu (EDA) ở Brussels (Bỉ) về thỏa thuận trên, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nhấn mạnh nhu cầu tập trung tạo điều
"Vị trí địa lý vốn đã vậy. Điều đó nghĩa là bạn phải có khả năng di chuyển nhanh chóng từ Hà Lan qua Đức đến Ba Lan", bà Ollongren nói.
NATO đã cảnh báo các thành viên của mình rằng quá nhiều thủ tục quan liêu đang cản trở việc di chuyển quân khắp châu Âu - một vấn đề có thể gây ra sự chậm trễ lớn nếu xung đột với Nga nổ ra.
"Chúng ta sắp hết thời gian. Những gì chúng ta không làm trong thời bình sẽ không sẵn sàng trong trường hợp khủng hoảng hoặc chiến tranh" - người đứng đầu cơ quan chỉ huy hậu cần JSEC của NATO Alexander Sollfrank nói với Reuters trước đó.
Hà Lan, Đức và Ba Lan cũng chào đón thêm nhiều nước tham gia thỏa thuận này, diễn tả việc NATO đang triển khai nhiều hơn các động thái chuẩn bị ứng phó với kịch bản chiến tranh.
Trước đó, NATO đã khởi động cuộc tập trận Hộ vệ kiên định 2024 (Steadfast Defender 2024) - cuộc tập trận quân sự lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh với sự tham gia của khoảng 90.000 binh sĩ.
Giảm lệ thuộc vào Mỹ
Đã có một sự thay đổi lớn của NATO và châu Âu về chiến tranh. Cho đến trước ngày Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine (tháng 2-2022), đa số không nghĩ tới chuyện có một cuộc chiến lớn giữa lòng châu Âu thời hiện đại.
Nhưng trong suốt thời gian qua, NATO đã không ngần ngại bàn về kịch bản chiến tranh toàn diện với Nga. Nhiều ý kiến thậm chí nói thẳng về lo ngại Nga sẽ tấn công một nước thành viên NATO trong vòng 10 năm tới.
Một số nhà phân tích cũng dự báo chiến tranh với Nga có thể xảy ra trong 5 năm từ thời điểm chuyện Ukraine xong xuôi, vì đó là thời gian đủ để Nga tái xây dựng lực lượng.
Tướng Veiko-Vello Palm, chỉ huy lực lượng tác chiến trên bộ của lục quân Estonia, khẳng định Nga là "mối đe dọa đang tồn tại duy nhất" mà Estonia đang đối mặt.
Ông cảnh báo về nhận thức của NATO: "Vài năm qua cũng cho thấy rất rõ rằng NATO, dưới tư cách một liên minh quân sự với nhiều nước tham gia, đang không sẵn sàng triển khai các hoạt động quy mô lớn. Tức là, nói đơn giản, nhiều lực lượng trong NATO không sẵn sàng chiến đấu với Nga".
Thực tế, sau khi trải qua giai đoạn hòa bình dài nhất trong nhiều thế kỷ gần đây, đã có nhiều ý kiến nhấn mạnh việc châu Âu không sẵn sàng và thậm chí ít quan tâm tới việc ứng phó chiến tranh. Điều này thể hiện qua việc không nhiều thành viên NATO đáp ứng cam kết dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quân sự.
Với châu Âu, câu chuyện tranh cãi về việc xây dựng quân đội riêng cũng được bàn nhiều năm và một số ý tưởng như thỏa thuận Cấu trúc hợp tác thường trực (PESCO) nhanh chóng bị quên lãng, cho tới khi Đức góp phần thúc đẩy sự "hồi sinh" của nó năm 2017 - thời điểm ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ.
Câu chuyện PESCO nói lên hai điểm về nỗ lực của châu Âu và NATO hiện nay.
Thứ nhất, để thoát khỏi sự trì trệ trong việc tìm thấy đồng thuận ở các tổ chức như NATO hay Liên minh châu Âu (EU), thỏa thuận của Hà Lan, Đức và Ba Lan mới đây là một ví dụ về giải pháp cho vấn đề: một vài nước đóng vai trò tiên phong hình thành một thỏa thuận gì đó để kết nạp các nước khác sau này.
Thứ hai, hành động của ba nước trên ít nhiều phản ánh tính cấp thiết hiện tại, giữa bối cảnh nhiều người dự đoán ông Trump sẽ quay lại vị trí tổng thống Mỹ. Từ giữa năm 2023, một số phân tích trên tạp chí Foreign Affairs đã đề cập tới khả năng ông Trump đắc cử 2024 và rút bớt vai trò của Mỹ đối với NATO hay EU.
Cũng theo các phân tích trên, kể cả khi người đứng đầu Nhà Trắng không phải Trump, quan điểm của ông cũng ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại tổng thể của Mỹ. EU sẽ có thêm lý do để lo lắng khi Mỹ xem Ukraine là vấn đề của riêng EU, trong lúc xét về NATO thì Ukraine thậm chí không phải đồng minh chính thức.
Quan chức Mỹ tới Ukraine
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã tới Ukraine hôm 31-1 để thảo luận về cam kết của Mỹ với Ukraine.
Trên mạng xã hội X, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink cho biết phía Mỹ gặp gỡ các lãnh đạo chính phủ, cựu chiến binh và tổ chức dân sự để nhấn mạnh cam kết chung nhằm giúp Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của Nga.
Chuyến đi của quan chức cấp cao Mỹ diễn ra giữa lúc nhiều dấu hỏi đặt vào khả năng Mỹ duy trì viện trợ cho Ukraine.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây được cho có ý nghĩa quan trọng đối với kịch bản Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine như thế nào. Trong khi đó, Ukraine lệ thuộc nhiều vào Mỹ và đồng minh phương Tây trong cuộc xung đột với Nga.
Ngày 23-1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đề nghị kết nạp Thụy Điển vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), giúp Stockholm tiến thêm một bước đến việc gia nhập khối liên minh quân sự này.