Cách đây 2 năm, anh Michael Bai là một du học sinh Trung Quốc ở Scotland, thuộc gia đình giàu có. Bố mẹ anh Bai kinh doanh, đầu tư trên mọi lĩnh vực, từ khách sạn, truyền thông cho đến bất động sản ở Thâm Quyến.
Thế nhưng khi Bai bước vào kỳ thi năm học đầu tiên thì nhận được tin dữ từ chính người cha: Gia đình họ đã phá sản do nền kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản gặp khó, khiến nhiều dự án đổ bể.
"Con sẽ phải cố vay mượn tiền của bạn bè mà đóng học thôi", cha của anh Bai nói với đứa con du học sinh của mình.
Vậy là anh Bai, từ một "cậu ấm cô chiêu" chẳng phải lo nghĩ gì buộc phải từ bỏ cuộc sống xa hoa tại Scotland để đi giao hàng thực phẩm, rửa chén bát ở nhà hàng và làm phục vụ bồi bàn để có tiền ăn học.
"Không có một nhà hàng Trung Quốc nào ở thành phố này mà tôi chưa từng làm phục vụ qua", anh Bai, du học sinh của trường đại học Glasgow ngậm ngùi nói.
Anh Michael Bai
Thế nhưng câu chuyện của Bai chỉ là một trong số rất nhiều du học sinh Trung Quốc, vốn được bố mẹ giàu có cho theo học tự túc bằng tiền của gia đình hơn là vì học bổng hay thực lực.
Mong muốn ban đầu của các gia đình này là muốn con cái họ có bằng cấp và nhận được nền giáo dục tốt hơn trong nước, qua đó đảm bảo sự nghiệp hoặc kế thừa được việc kinh doanh của cha mẹ sau này.
Thuy nhiên sự giảm tốc của nền kinh tế cũng như khó khăn của thị trường chứng khoán hậu đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả.
Số liệu của Bộ giáo dục Trung Quốc cho thấy nước này có hơn 700.000 du học sinh tại nước ngoài năm 2019, nhiều gấp 18 lần so với năm 2000.
Tuy nhiên tiền học phí vốn dễ dàng với nhiều bạn du học sinh cách đây vài năm thì hiện nay lại làm khó các "cậu ấm cô chiêu".
Lên voi xuống hố
Kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc có cuộc cải cách mở cửa vào thập niên 1980, rất nhiều bạn trẻ đã du học ở nước ngoài qua con đường học bổng hoặc tự túc như một lối đi đảm bảo cho sự nghiệp tương lai.
Tuy nhiên khi mức sống của người dân tăng lên, GDP bình quân đầu người từ chưa đến 1.150 USD năm 2002 lên đến 12.740 USD năm 2022 thì ngày càng nhiều gia đình có điều kiện cho con du học tự túc.
Thậm chí, du học đã trở thành một xu thế tại Trung Quốc nhằm thể hiện sự khá giả và "đẳng cấp" trong xã hội, bên cạnh vấn đề đảm bảo sự nghiệp và tương lai cho thế hệ kế cận.
Chính điều này đã dẫn đến hình ảnh các du học sinh Trung Quốc nhà giàu, mua nhà cửa, xe sang và ăn chơi xa xỉ tại nhiều nước trên thế giới từ tiền của gia đình.
Nguồn thu chính của những nhà giàu mới nổi này chủ yếu đến từ bất động sản khi thị trường này là động lực chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc vài thập niên trở lại đây.
"Các hộ gia đình trung lưu chỉ cần bán một căn hộ là thừa tiền cho con đi du học", Tổng thư ký Maybel Lu Mial của Trung tâm toàn cầu hóa Trung Quốc (CCG) tại Bắc Kinh nhận định.
Theo CCG, hơn 90% số du học sinh Trung Quốc trong 10 năm qua là đi bằng đường tự túc thay vì học bổng. Thế nhưng khoảng 70% tài sản của các gia đình ở nước này lại gắn liền với bất động sản.
Hậu quả là khi thị trường khó khăn do chính phủ siết chặt quản lý vốn cũng như nguồn cầu yếu, các gia đình trên không thể bán bất động sản của mình kể cả với giá rẻ.
Đó là chưa kể đến thị trường chứng khoán rung lắc cũng khiến nhiều gia đình thua lỗ khi đầu tư vào đây.
Trong khi đó, nhiều tập đoàn lớn ở mảng bất động sản, công nghệ, giáo dục cũng đua nhau sa thải lao động kể cả với chuyên gia hay quản lý cấp cao. Hàng chục nghìn công việc bị cắt giảm đã ảnh hưởng đến nguồn thu nhiều bậc cha mẹ có con du học.
Chính những nguyên nhân này đã khiến các du học sinh Trung Quốc từng nổi tiếng về độ ăn chơi của mình buộc phải gánh hậu quả.
Giấc mộng phù hoa
Các chuyên gia kinh tế cho rằng giấc mộng thế hệ sau sẽ có sự nghiệp tốt hơn nhờ nền giáo dục tốt hơn của các bậc phụ huynh Trung Quốc đã đổ bể.
Nguyên nhân chính là đà tăng trưởng nóng hàng thập kỷ khiến nhiều gia đình lâm vào ảo tưởng giàu sang mà quên đi rằng phần lớn tài sản của họ nằm trong các kênh đầu tư có tính rủi ro nhất định.
Sự mất cảnh giác về đảm bảo an toàn tài chính khiến nhiều gia đình không đa dạng hóa các kênh đầu tư cũng như trú ẩn tài sản.
"Những gia đình giàu có thật sự có rất nhiều kênh thu nhập, đầu tư để dựa vào. Trong khi đó những người giàu nổi thường chỉ có vài kênh kiếm ra tiền chủ lực", giáo sư Yasheng Huang của trường đại học MIT-Mỹ đánh giá.
Theo hãng tư vấn du học Cheersyou ở New York, tình hình này đã khiến 10% số du học sinh Trung Quốc phải thay đổi kế hoạch học tập, ví dụ như chuyển sang nước khác rẻ hơn.
Một ví dụ cụ thể là cô Emily Xiong, du học sinh Trung Quốc tại Birmingham-Anh thừa nhận mình rất muốn tiếp tục tại đây nhưng nếu gia đình không đủ điều kiện thì cô sẽ phải chuyển sang Malaysia, nơi có học phí rẻ hơn.
Gia đình cô đã phải bán bớt tài sản do kinh doanh thua lỗ, trong khi người cha bị bệnh cần tiền điều trị nên người mẹ đề nghị cô Xiong chuyển đến Malaysia.
Tương tự cô Li Lin, du học sinh ở Michigan-Mỹ cho biết tiền gửi hàng tháng từ gia đình cạn dần sau khi công việc kinh doanh spa lẫn massage của cha mẹ chịu ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19.
Thế là Li Lin buộc phải thay đổi cách sống, từ một du học sinh nhà giàu đến cảnh đi làm thuê trông trẻ, gia sư dạy thêm và thậm chí là vay nợ bạn bè.
"Nếu tôi biết gia đình mình sẽ khó khăn như thế này thì tôi đã tiết kiệm tiền sớm hơn. Sự biến đổi này đã hoàn toàn thay đổi con người tôi", anh Bai thú nhận khi đang phải đi làm nhân viên bán xe hơi để kiếm tiền học.
Hết thời
Tờ Nikkei Asian Review cho hay du học sinh Trung Quốc đang dần hết thời khi chính phủ nước ngoài siết chặt quản lý lao động nhập cư để bảo vệ công dân, trong khi về nước thì lại mất giá.
Ví dụ Singapore gần đây đã áp dụng hệ thống tính điểm mới cho visa lao động hạng EP, vốn thường được cấp cho các chuyên gia nước ngoài.
Theo đó dù là chuyên gia nước ngoài, du học sinh hệ tiến sĩ nếu muốn làm việc tại đây phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe để được tính điểm cấp visa. Hệ thống này có hiệu lực từ đầu tháng 9/2023.
Tương tự, Anh cũng đã nâng lệ phí làm visa cho lao động nước ngoài có tay nghề cao từ 25.600 Bảng lên 26.200 Bảng. Động thái này sẽ khiến các nhà tuyển dụng phải thanh toán nhiều chi phí hơn nếu muốn thuê lao động nước ngoài.
"Có rất nhiều công dân Anh không tìm được việc làm, vậy tại sao họ lại phải thuê những người như chúng tôi", thạc sĩ Yang Han tốt nghiệp thạc sĩ trường đại học kinh tế và khoa học chính trị London năm 2023 ngán ngẩm nói.
Tờ Nikkei cho hay những chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại Mỹ khi các doanh nghiệp tuyên bố rõ ràng rằng chỉ tuyển dụng người địa phương hoặc đang có thẻ xanh. Thậm chí nhiều công ty còn rút lại lời mời tuyển dụng với các sinh viên quốc tế.
Ở nước ngoài đã khó khăn như vậy thì về nước còn khó khăn hơn khi du học sinh Trung Quốc phải cạnh tranh với 11,6 triệu cử nhân tốt nghiệp nội địa.
Khảo sát của Zhaopin Ltd cho thấy gần 1/3 số nhân viên văn phòng Trung Quốc bị giảm lương trong năm 2023, mức cao nhất 6 năm nay. Điều này khiến nhiều du học sinh về nước buộc phải hạ mức kỳ vọng của mình.
Theo Nikkei, ngày càng nhiều nhà tuyển dụng lẫn du học sinh nhận ra bằng cấp nước ngoài đã mất đi tính cạnh tranh ở Trung Quốc. Ưu thế lớn nhất về mặt ngoại ngữ hiện nay đã bị suy yếu khi Internet làm xóa nhòa rào cản học tập trực tuyến.
Trong khi đó, các du học sinh thường thiếu kinh nghiệm thực tập trong nước, không phù hợp chuyên ngành, kinh nghiệm và môi trường địa phương hay thiếu các mối quan hệ đã khiến bằng cấp nước ngoài của họ chẳng khác gì tờ giấy vô giá trị.
Thậm chí nhiều nhà tuyển dụng Trung Quốc còn có thành kiến với du học sinh khi cho rằng việc đi nước ngoài là do không thi nổi đại học top đầu trong nước, bị gia đình "đuổi" đi du học vì quá hư hỏng hay tâm lý du học sinh là "cậu ấm cô chiêu" hay đua đòi.
Trả lời Nikkei, rất nhiều nhà tuyển dụng cho hay họ không hài lòng hoặc không muốn dính vào du học sinh bởi đối tượng này khó quản lý hơn, có nhiều ý tưởng kỳ lạ hơn và "chảnh" hơn những cử nhân trong nước.
Ngay cả ở mảng kỹ thuật, nhiều cử nhân tốt nghiệp trường đại học Trung Quốc có tay nghề và trình độ không hề thua kém quốc tế, thậm chí có phần trội hơn nhờ quen thuộc với phong cách và thị trường nội địa.
Đồ thừa
Tháng 4/2023, du học sinh Gan Zipping tốt nghiệp trường Meiji University tại Nhật Bản đã quay về Trung Quốc tìm việc.
Thế nhưng cho đến tận tháng 10 cùng năm, cử nhân này vẫn chẳng thể kiếm nổi một cuộc phỏng vấn tử tế dù đã gửi đi hàng trăm bản hồ sơ.
"Tôi thậm chí còn chẳng kiếm được một lời mời phỏng vấn tuyển dụng nào", cậu Gan buồn bã nói với Nikkei khi cho biết những du học sinh như mình cũng đang lâm vào cảnh thất nghiệp tương tự.
Anh Gan không phải duy nhất khi số liệu của 51job Inc cho thấy hơn 1,2 triệu du học sinh nước ngoài đã trở về Trung Quốc tìm việc trong năm nay, phá kỷ lục 1,05 triệu người trở về năm 2021 theo báo cáo của Bộ giáo dục, và rất nhiều trong số du học sinh về nước thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm như ý.
Vào tháng 3/2023, truyền thông địa phương cho hay có khoảng 285.000 sinh viên tốt nghiệp ở Bắc Kinh trong năm nay. Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử, số người tốt nghiệp thạc sỹ cao hơn cử nhân.
Về phía người tuyển dụng, các doanh nghiệp đã phải nâng cao tiêu chuẩn với du học sinh nước ngoài khi nguồn cung quá thừa.
Báo cáo của Tập đoàn công nghệ giáo dục Phương đông (NOETG) cho thấy hơn một nửa số nhà tuyển dụng hiện nay đòi hỏi các du học sinh phải có bằng thạc sỹ hoặc tiến sĩ mới chịu phỏng vấn.
Rõ ràng, du học sinh từ những "của quý" của thị trường lao động thì giờ đây đang dần trở thành "đồ thừa" ở Trung Quốc.
*Nguồn: Nikkei