Nhà vườn tranh thủ chốt đơn dù lời ít lời nhiều
Ngày 30-1, ông Nguyễn Văn Thành (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) ngao ngán nhìn vườn hoa giấy trổ bông rực rỡ ngoài vườn. Ông cho biết vừa chốt xong 3 điểm bán hoa tại TP.HCM, nâng tổng số điểm bán hoa lên 8 điểm để bán hoa Tết.
"Thường những năm trước thương lái mua phần nhiều, tôi chỉ chừa lại vài ngàn chậu để bán lẻ. Nhưng năm nay sát Tết vẫn không có ai đặt mua buộc tôi phải thay đổi cách làm", ông Thành nói.
Ông Bùi Thanh Liêm - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách - nhận định năm nay do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người về quê ăn Tết sớm nên thị trường tại các TP lớn sẽ nhỏ đi. Đặc biệt các nhà vườn trồng mai vàng, tắc kiểng, bông giấy mới năm nay bán rất chậm.
"Vì thế ngành nông nghiệp cũng sớm khuyến cáo các nhà vườn tranh thủ chốt đơn khi có thương lái mua dù lời ít lời nhiều chứ để càng sát Tết càng khó bán.
Thậm chí việc phải vận chuyển số lượng lớn lên các đô thị lớn để bán lẻ thì chi phí sẽ tăng, sức mua yếu lại tốn thêm chi phí chở hoa về", ông Liêm nói.
Gỡ khó bằng bán online, bán cho bạn bè
Khảo sát tại các vườn hoa trên đường tỉnh 848, xã Tân Khánh Đông (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), nhiều vườn mâm xôi vàng còn đầy, chỉ mới xuất được 1-2 giàn.
Thị trường hoa Tết trầm lắng, vắng bóng thương lái, nông dân tự xoay xở bằng cách gửi người quen đi chợ bán hoặc gửi các vườn lân cận bán giùm mong thu hồi vốn.
Trên các mạng xã hội, việc đăng bán các loại hoa đa dạng, kèm số điện thoại, giá cả có nơi niêm yết sẵn, có nơi để lại số điện thoại để khách hàng lựa chọn diễn ra khá sôi động, chẳng hạn fanpage Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) có hàng trăm lượt đăng tải bán hoa kiểng mỗi ngày.
Chị Nguyễn Hoàng Sương (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò) cho hay cơ sở cây cảnh Sa Đéc của chị tăng cường bán hàng bằng hình thức livestream khoảng 4-5 lần/tuần.
Trong khoảng thời gian từ 20h - 23h mỗi buổi có đơn hàng khá ổn định, trung bình chốt được 100 chậu hoa giấy/buổi.
Chị Sương còn cho biết có hỗ trợ cho khách sau khi nhận cây, chăm sóc khách hàng, hướng dẫn thêm cách chăm sóc hoa, sẵn sàng để khách trải nghiệm trước 1-2 chậu, sau đó khách nhận hàng ưng ý sẽ tin tưởng quay lại ủng hộ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc - trưởng Phòng kinh tế TP Sa Đéc - cho hay hiện có trên 60% hoa Tết ở Sa Đéc đã được tiêu thụ, giá bán trung bình tương đương so với năm 2023.
"Những nhà vườn trồng ít, đạt chất lượng hoa đẹp đã bán hết, còn một số vườn hoa không đạt nên tiêu thụ chậm", bà Ngọc nói.
Hoa Đà Lạt: giao hàng trước, nhận tiền sau
Vụ hoa Tết năm nay Đà Lạt có khoảng 7 triệu chậu, 1,5 tỉ cành hoa được đưa ra thị trường, không giảm so với những năm trước.
Tuy nhiên, đến nay sức mua còn rất chậm. Theo ghi nhận, con đường Hùng Vương dẫn đến làng hoa Thái Phiên và Trại Mát mọi năm xe tải đậu từng đoàn chờ lấy hoa thì năm nay khá vắng vẻ.
Ông Nguyễn Đức Cứ (nông dân phường 11, TP Đà Lạt) cho biết thương lái không đặt mua. "Họ bảo nếu nóng ruột thì họ sẽ chuyển hàng đi chợ đầu mối cho nhưng qua Tết mới được thanh toán, chợ bán được nhiêu thì thu bấy nhiêu", ông Cứ nói.
Theo ông Cứ, đây là dạng bán hàng ký gửi, 10 năm nay Đà Lạt không áp dụng cách bán hàng này vì rủi ro dồn về cho nông dân, khả năng giựt nợ sau Tết rất cao. Tuy nhiên, năm nay chắc phải "nhắm mắt đưa chân" còn hơn bỏ ở vườn chờ đốt bỏ.
Bà Sĩ Lâm, chủ trang trại Sĩ Lâm (phường 11, TP Đà Lạt), cho biết tình hình kinh doanh có khá hơn các vườn khác trong vùng nhờ bán các giống hoa mới, có nguồn giống từ nước ngoài như hoa chuông, hoa vivian, cúc mẫu đơn, hoa thúy châu, cúc tana...
"Không còn cảnh có người đặt cọc, thanh toán trước, nay tôi chào bán thẳng cho chợ đầu mối. Nhờ là hoa mới lạ nên được ưu ái thanh toán gối đầu đơn hàng", bà Sĩ Lâm chia sẻ.
Tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (khu vực trồng hoa lay ơn lớn nhất tỉnh Lâm Đồng), không khí mua bán hoa lại khác hẳn.
"Hàng bán rất chạy, chất hàng lên xe là nhận tiền thanh toán. Hoa lay ơn giá rẻ, kinh tế khó khăn nên bà con lựa chọn. Mấy năm gần đây những giống hoa cũ như lay ơn cũng được chuộng hơn, người chơi hoa không còn nghĩ hoa này là hoa cúng mà còn dùng để trang trí phòng khách. Nhờ đó nhà vườn dễ xuất bán", chị Lê Thị Vân (nông dân xã Hiệp An) cho biết.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, từ đầu vụ hoa đã khuyến cáo nông dân giảm diện tích gieo trồng và chỉ trồng những giống hoa có thể bán được trước và sau Tết nhưng vẫn chưa thay đổi được tập quán bà con.
Hiện các cơ quan chức năng đang tìm thêm điểm bán, giới thiệu các vựa mới ở khu vực miền Trung. Cũng theo sở này, hoa Đà Lạt có đặc tính kinh doanh với số lượng lớn nên kênh thương mại điện tử không đáp ứng được, giao dịch chủ yếu vẫn là kênh truyền thống.
Cũng như các nhà vườn, người kinh doanh cây cảnh Tết bị phụ thuộc vào thời tiết, rét quá cũng lo mà nắng quá cũng lo, chỉ mong một vụ buôn bán suôn sẻ.