Sau 15 tháng chạp, nhiều lò bánh ở Đại An Khê (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bước vào vụ Tết. Dịp này, sản lượng tăng gấp đôi, các lò làm không kịp cung ứng.
Bánh chưng xanh như ngọc
Từ 18 đến 28 tháng chạp, lò bánh chưng xanh của bà Lê Thị Vinh vào vụ Tết. Từ 4h sáng hằng ngày, 15 nhân công có mặt để kịp gói bánh phục vụ đơn hàng dài dằng dặc. Mỗi ngày, lò bà Vinh gói 800 - 1.000 bánh chưng xanh và bánh tét, tương đương 250 - 300kg nếp. Bánh chưng được gửi đi khắp cả nước, từ Hà Nội vào đến TP.HCM.
Gói đến đâu, bánh được nấu chín đến đó rồi tập hợp để đưa ra quốc lộ gửi xe khách giao hàng. Đến 16h chiều, các nhân công về hết, riêng 5 người trong nhà vẫn tiếp tục nấu bánh, dọn dẹp và chuẩn bị cho ngày hôm sau đến tối muộn mới nghỉ.
Từ nhiều năm qua, bánh chưng xanh Đại An Khê nức tiếng cả nước vì vị thơm ngon, có màu xanh như ngọc lạ mắt. Bà Vinh tiết lộ bí quyết là dùng lá ngót xay nhuyễn, lấy nước trộn vào nếp để thành phẩm có màu xanh như ngọc. Bánh làm từ nếp, nhân đậu xanh và thịt heo.
"Nhu cầu bánh rất lớn nhưng khả năng cung ứng của tôi có hạn nên chỉ nhận số lượng vừa đủ. Số bánh cũng chia đều cho các mối ở khắp tỉnh để ai cũng có bánh bán", bà Vinh chia sẻ.
Dịp này, lượng hàng tăng 50% so với ngày thường, bà Vinh phải thuê thêm nhiều nhân công thời vụ. "Dịp Tết, công gói tăng từ 2.500 đồng lên 3.000 đồng/cái. Bình quân, mỗi người làm công thu nhập 600.000 đồng/ngày, cao điểm có thể đạt 700.000 - 800.000 đồng/ngày", bà Vinh cho hay.
Bánh chưng thành phẩm có giá 45.000 - 50.000 đồng/cái, nặng từ 1 - 1,1kg/cái. Bà Vinh còn cung cấp sản phẩm hút chân không, có thể bảo quản 10 - 15 ngày.
Không nhận thêm đơn hàng nữa
Làng Đại An Khê sản xuất cả bánh tét và bánh chưng, nhưng sản lượng bánh chưng luôn cao hơn. Ngày trước, người dân nấu bánh chưng xanh chỉ sử dụng trong ngày Tết. Sau này khách đến chơi thấy màu bánh lạ mắt, vị thơm ngon nên giới thiệu rộng khắp, dần dần bánh thành hàng hóa tiêu thụ quanh năm.
Bà Hoàng Thị Kim Cúc, kế toán Tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê, cho hay tổ có 23 thành viên. "Ngày Tết, các cơ sở đều kín đơn, làm hết công suất nên đến nay nhiều cơ sở không nhận đặt bánh nữa. Vụ Tết nên sản lượng tăng 50 - 100% tùy cơ sở", bà Cúc cho biết thêm.
Tuy nhiên, việc gói bánh phần nhiều làm thủ công nên để tăng năng suất là rất khó. Gần đây, tổ hợp tác đưa nồi điện vào nấu bánh nhằm giảm phần nào công sức lao động, tăng năng suất. Tuy vậy, do lưới điện chưa đáp ứng đủ công suất nên một số lò vẫn phải "nổi lửa".
Hằng năm, làng Đại An Khê có doanh thu 11 tỉ đồng từ bánh chưng xanh, tạo việc làm thường xuyên cho 80 - 110 lao động với mức thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.
Sát Tết Nguyên đán, hơn 130 hộ dân ở làng nghề Mỹ Chánh thức dậy từ 3-4h sáng để làm mứt gừng, bánh lọc phục vụ nhu cầu tăng cao dịp Tết.