Ngày 1-2, chúng tôi ghi nhận bên trong sảnh chờ bến xe Miền Đông mới và khu vực xuất bến đều vắng. Thỉnh thoảng vài người khách mới tìm đến quầy mua vé về miền Trung đón Tết ở bến xe được đầu tư lớn, hiện đại này.
Trong vắng, ngoài đông
Đến nay, bến vẫn còn hơn 30.000 vé xe Tết. Một nhân viên bán vé xe cho biết đã quá quen với khung cảnh ế ẩm này mấy năm nay. Nhân viên không còn bận bịu tư vấn, bán vé… liên tục như khi còn ở bến cũ tại quận Bình Thạnh.
Ngược lại với tình trạng này, "xe dù" nườm nượp đưa rước khách xung quanh bến xe mới, bất chấp việc lực lượng chức năng siết xử lý thời gian qua.
Trong tối 31-1, phóng viên Tuổi Trẻ quan sát ngay cổng bến xe mới hàng chục chiếc "xe dù" dừng đỗ, đón trả khách.
Xe khách Cúc Tùng đang chạy thì bất ngờ dừng lại, sau đó một người đàn ông nhanh chóng vẫy gọi khách cất hành lý vào gầm xe rồi đưa người này lên xe, khách vừa lên thì tài xế cho xe lập tức chuyển bánh về hướng cầu Đồng Nai. Một lúc sau xe khách giường nằm, có dán tên Quốc Gia, cũng tấp vào vỉa hè trước cổng bến đón khách đi.
Trong vòng 1 giờ đồng hồ có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận ít nhất 15 chiếc xe khách khác (loại giường nằm) liên tục tấp đột ngột vào cổng bến để đón khách nhưng không vào bến. Tình trạng này cũng sôi nổi ở tuyến đường D400, Nguyễn Xiển… lân cận bến xe mới, nhất là khung giờ chiều tối.
Không chỉ vậy, "xe dù, bến cóc" cũng tràn lan gần bến xe Miền Đông cũ, xe khách đón trả khách ngay trên đường, thậm chí vào giờ cao điểm khi dòng xe đang tấp nập và ùn ứ. Một số nhà xe khác chọn cách hẹn hành khách đứng trước các cây xăng để lên xe vờ như đi đổ xăng.
Đầu tư bến nhưng khách vẫn ít
Ông Nguyễn Hoàng Huy - giám đốc Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (quản lý bến xe Miền Đông mới) - cho biết bến xe cũng rất đau đầu với nạn "xe dù, bến cóc".
Mặc dù các cơ quan chức năng đã làm nhiều biện pháp và tăng cường kiểm tra, tuy nhiên tình trạng "bến cóc, xe dù" và "xe trá hình" rải dài từ các quận trung tâm, dọc các tuyến quốc lộ, về bến xe Miền Đông mới vẫn còn phức tạp.
Một số đơn vị chuyển sang đăng ký hoạt động loại hình xe hợp đồng nhưng trá hình xe tuyến cố định.
Lý do hành khách chưa mặn mà với bến xe Miền Đông mới là vì các tuyến giao thông trước và xung quanh bến xe chưa hoàn thành, bến xe nằm xa trung tâm thành phố, đồng thời xe kết nối chưa nhiều như các tuyến xe buýt kết nối về Bình Dương…
"Để thu hút khách đến nhiều hơn, hiện trong bến đã nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ như phát triển đầy đủ nhiều tiện ích dịch vụ để thu hút khách như WiFi miễn phí, máy lạnh, sạc pin điện thoại, các quầy hàng ăn uống… nhưng lượng khách vẫn chưa được như kỳ vọng", ông Huy cho hay.
Trước đó, Tổng công ty Samco đã phối hợp, bố trí 40 xe tiếp chuyển hành khách miễn phí đi đến bến xe Miền Đông mới từ các quận, huyện và sau đó bổ sung thêm 20 xe, nhưng do tâm lý e ngại nên số lượng đơn vị vận tải dùng dịch vụ chưa cao.
Ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng Phòng quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM - cho biết sở phối hợp nhiều đơn vị chức năng đang tập trung kiểm tra xử lý, nhất là ở khu vực cửa ngõ và xung quanh các bến xe, sân bay, trong đó có khu vực quanh bến xe Miền Đông mới. Sở cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương vào cuộc, không để bãi xe, trạm xăng thành "bến cóc".
Tuy nhiên những ngày cận Tết này, "xe dù" vẫn tấp nập, nhiều hành khách vẫn chọn "xe dù" vì cho rằng tiện lợi hơn so với đi xe tại bến xe Miền Đông mới.
Cận kề Tết Nguyên đán 2024, cũng là thời điểm nóng của nạn 'xe dù, bến cóc' tại TP.HCM. Đặc biệt quanh các bến xe lớn, tình trạng này xuất hiện nhan nhản gây mất trật tự an toàn giao thông.