Hãng chip Đức tuyển "hàng trăm" kỹ sư Việt Nam
Nhà sản xuất chip hàng đầu châu Âu Infineon (Đức) đang chạy đua tuyển nhân công lành nghề ở Ấn Độ và Việt Nam khi các khu vực này ngày càng trở nên quan trọng đối với chuỗi cung ứng công nghệ và bán dẫn của thế giới.
Chua Chee Seong, Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Infineon nói với Nikkei Asia rằng công ty đang tuyển dụng thêm nhân viên ở Ấn Độ, đồng thời cũng mở rộng đáng kể lực lượng lao động tại văn phòng mới của công ty ở Việt Nam với "hàng trăm" kỹ sư.
"Tôi nghĩ tầm quan trọng của Đông Nam Á và Nam Á xét về nguồn nhân tài trong ngành chip và chuỗi cung ứng chip sẽ tăng lên trong những năm tới. Khu vực này tương đối trung lập trong môi trường địa chính trị năng động, đồng thời cũng là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động hiệu quả", ông Chua Chee Seong nói.
Cuộc đua giành nhân tài chip đang nóng lên ở Đông Nam Á và Ấn Độ khi các nhà sản xuất chip và các công ty công nghệ khác tăng cường sự hiện diện trong khu vực, được thúc đẩy bởi mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc và xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn.
Ấn Độ đã thu hút những công ty lớn, bao gồm Intel, Qualcomm, AMD, Application Materials và Micron.
Trong khi đó, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm quan trọng cho các nhà phát triển chip. Nhà sản xuất phần mềm thiết kế chip hàng đầu của Mỹ Synopsys đã thành lập một nhóm R&D gồm 600 người tại đây. Các nhà phát triển chip hàng đầu của Mỹ là Nvidia và Marvell cũng đang mở rộng đội ngũ kỹ sư của họ tại quốc gia Đông Nam Á.
Hồi giữa năm ngoái, Infineon Technologies đã thành lập trung tâm nghiên cứu & phát triển (R&D) tại Việt Nam, chuyên về kiểm thử, tùy chỉnh mạch kỹ thuật số.
Về sự lựa chọn này, đại diện Infineon cho biết các trung tâm R&D thường được mở ra ở những nơi mà các công ty có thể tiếp cận tốt nhất nguồn nhân tài. Và Hà Nội có nhiều học viện, trường đại học và cơ sở đào tạo mạnh về khoa học kỹ thuật.
Trả lời truyền thông Việt Nam, Chủ tịch kiêm CEO Infineon Technologies châu Á - Thái Bình Dương Chua Chee Seong cho rằng Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành điện tử với các khoản đầu tư kỷ lục vào ngành sản xuất những năm gần đây.
Các công ty Mỹ sẵn sàng đổ tiền "ngay và luôn"
"15 công ty đã đến gặp chúng tôi và nói rằng họ sẵn sàng đầu tư 8 tỷ USD vào Việt Nam, không phải một thập niên sau, mà là ngay bây giờ, nếu được đảm bảo có thể dùng năng lượng tái tạo", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, môi trường và năng lượng Jose W. Fernandez phát biểu trong chuyến thăm đến Việt Nam cuối tháng 1/2024.
Chuyến thăm của ông Fernandez nhằm tiếp tục hiện thực hóa, triển khai cụ thể các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023.
"Chip bán dẫn là một trong những tâm điểm của chuyến thăm Việt Nam lần này của tôi. Có rất nhiều hứa hẹn", ông Fernandez nói.
Trước đó, tờ Nikkei Asia đưa tin, Mỹ sẽ phân bổ viện trợ nước ngoài theo Đạo luật CHIPS dựa trên các khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự kiến đưa ra vào tháng Hai. Nghiên cứu bao gồm việc tìm hiểu các công ty Việt Nam cần những gì để phát triển ngành bán dẫn, chẳng hạn như đào tạo - ông Fernandez cho biết.
"Chúng tôi đã xem qua danh sách các quốc gia mà chúng tôi cảm thấy có tiềm năng hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chúng tôi và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn với Nikkei.
Việt Nam là nước xuất khẩu hàng điện tử, quần áo và thực phẩm và là nút thắt quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm đa dạng chuỗi cung ứng.
Mỹ đặt mục tiêu xây dựng lại sự hiện diện của mình tại thị trường đất hiếm vốn do Trung Quốc thống trị trong nhiều thập kỷ. Mỹ đang khôi phục lại các mỏ của mình, ký thỏa thuận phối hợp hỗ trợ tài chính và ngoại giao về khoáng sản với 13 quốc gia và đề nghị giúp Việt Nam khảo sát trữ lượng.
Dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho thấy Việt Nam đứng thứ hai trên toàn cầu về trữ lượng kim loại đất hiếm, chỉ sau Trung Quốc.