Có truyền thống cúng ông Công ông Táo mỗi dịp Tết đến, chị Hạnh ở quận Tân Bình, cho biết năm nay mua cá chép rau câu thay vì cá sống như mọi năm.
"Tôi chọn loại 3 con nhỏ giá 70.000 đồng. Mua cá giả này vừa tiết kiệm lại có thể ăn được sau khi cúng", chị Hạnh nói.
Là cơ sở kinh doanh cá chép rau câu lâu năm, chị Hân ở TP HCM, cho biết mới đăng bán một ngày đã có 200 khách đặt mua. "Để hút khách, năm nay tôi chọn các dòng sản phẩm có kích cỡ vừa phải. Mỗi set cá chép kèm thỏi vàng chỉ 50.000 đồng, khách mua hai set còn 90.000 đồng", chị cho hay.
Nhận 350 đơn bao gồm xôi, bánh đậu xanh cá chép, chị Hoàng Anh ở thành phố Thủ Đức, cho biết loại bánh đậu xanh cá chép mini năm nay đắt hàng hơn hẳn loại lớn.
Trong số 100 khách mua, có đến 80% người tiêu dùng chọn mâm 10 con có chiều dài 5-7 cm thay vì 15 cm như trước đây. "Mỗi mâm có giá bán 90.000 đồng, giảm 18% so với năm ngoái", chị Anh nói.
Bên cạnh các loại cá chép "chay", thị trường còn có chả làm hình cá chép. Phía ngoài là một lớp chả lụa được đổ trong khuôn thành hình cá chép. Bên trong có nhân là jambon, trứng muối, nấm mèo,... Chả cá chép cũng được ưa chuộng khi nhiều cửa hàng bán hàng trăm đơn trong ngày cúng ông Công ông Táo.
Anh Thành, quận Bình Tân, cho biết loại này có hình thù đẹp mắt, sau khi cúng xong, gia đình có thể dùng với cơm rất ngon. Đặc biệt, các gia đình có em bé sẽ rất thích loại này vì chúng mềm, dễ ăn và bắt miệng.
"Mỗi kg chả cá chép có giá 150.000 đồng 2 con, tức khoảng 75.000 đồng một con. Giá này giảm 30% so với năm ngoái để hỗ trợ khách hàng trong thời buổi khó khăn", anh Thành nói.
Năm nay, ngoài cá chép giả "ăn được" hút khách, các loại bánh đồng tiền, hũ tiền, hũ vàng cũng được chuộng, mỗi set dao động 50.000-80.000 đồng một hộp, giảm 10% so với 2023.
Trong khi thị trường cá chép giả "sôi động", cá chép sống năm nay ế ẩm. Các loại thực phẩm trứng, thịt, rau xanh cũng giảm giá so với cùng kỳ nhưng sức mua giảm 30-40%.
Báo cáo của các chợ đầu mối ở hai thành phố lớn cho thấy lượng hàng nhập về chợ dồi dào nhưng sức mua không tăng so với ngày thường. "Chưa năm nào sức mua yếu như năm nay dù đã cận kề Tết", đại diện chợ đầu mối Hóc Môn nói.
Tình hình này cũng được ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc sở Công Thương TP HCM, đề cập tại phiên họp kinh tế - xã hội của thành phố sáng 1/2. "Giá hàng không biến động lớn, nhưng sức mua tại chợ truyền thống thấp", ông Vũ nói.
Bù lại, các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, thương mại điện tử sôi động hơn, nên theo Sở Công Thương "về tổng thể nhu cầu mua sắm của người dân vẫn tăng".
Thi Hà