Ngày 2-2, sau khi cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân thực hiện nghi thức thả cá chép "tiễn ông Công, ông Táo", hơn 100 kiều bào về quê hương dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã tham quan trụ sở UBND TP.HCM và gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo thành phố.
Choáng ngợp với kiến trúc tòa nhà UBND TP.HCM
Cũng trong buổi sáng, thành phố đón đoàn tham quan thứ 2 là 80 kiều bào Thái Lan đến tham quan nơi làm việc của lãnh đạo TP.HCM.
Đây là chuyến tham quan đặc biệt vì từ khi mở cửa đón khách định kỳ, tour tham quan tòa nhà UBND TP.HCM chỉ diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật cuối mỗi tháng.
Bà Nguyễn Thị Mùi, kiều bào Thái Lan, cho biết dù sinh ra và lớn lên, làm ăn sinh sống ở Thái Lan nhưng bà vẫn thường về Việt Nam kết nối giao thương. Trong những lần đó, bà có cơ hội đi ngang qua trụ sở UBND TP.HCM và đến hôm nay đã có dịp tham quan bên trong tòa nhà cổ hơn 100 năm này.
"Không gian thực sự choáng ngợp và đẹp hơn những gì chúng tôi hình dung. Về Việt Nam nhiều lần và mỗi lần tôi lại thêm bất ngờ với những thay đổi của TP", bà Mùi cho biết.
Góp ý với TP.HCM, ông Peter Hồng, chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, kiến nghị thành phố xem xét phát hành trái phiếu cho những đề án trọng điểm thực hiện nghị quyết 98.
"Chúng tôi sẽ vận động kiều bào mua trái phiếu để thành phố có vốn đầu tư", ông Peter Hồng nói và đề nghị thành phố có chương trình thu hút và sử dụng hiệu quả kiều hối.
Luôn đồng hành với kiều bào
Chia sẻ với 100 kiều bào tiêu biểu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM cùng với Bộ Ngoại giao tổ chức chương trình đón kiều bào về ăn Tết với nỗ lực làm sao để bà con về thành phố thực sự như về nhà, và toàn bộ hoạt động hai ngày qua đều hướng đến mục tiêu này.
Năm vừa rồi, thành phố đã thu ngân sách khoảng 446.000 tỉ đồng, nhưng điều quan trọng hơn là lượng kiều hối tại TP.HCM đạt gần 9,5 tỉ USD, tăng hơn 40% so với năm 2022, tương đương gần 50% tổng thu ngân sách của TP.HCM.
Điều này thể hiện sự đoàn kết, chia sẻ của kiều bào với người dân trong nước. Ông Hoan gửi lời cảm ơn kiều bào thời gian qua đã luôn hiến kế, hành động, kết nối trong và ngoài nước cũng như có nhiều dự án, công trình lớn cho thành phố.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề cập đến sự thay đổi trong chiến lược thu hút đầu tư của thành phố thời gian tới. Theo đó, thu hút đầu tư của thành phố đang chuyển đổi từ các công nghiệp truyền thống sang công nghiệp xanh, sạch, và công nghệ tiên tiến.
Trong lĩnh vực dịch vụ, TP.HCM đang mong muốn xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế và tập trung vào các dịch vụ cao cấp, sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Phó chủ tịch UBND TP gợi ý làm sao để dòng vốn từ kiều hối đổ về Việt Nam thực sự phát huy hiệu quả. Vì vậy, mong muốn kiều bào hướng dẫn người thân sử dụng nguồn lực kiều hối hiệu quả nhất để phát triển lâu dài.
"TP.HCM hiện là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nguồn từ kiều hối sẽ hỗ trợ lớp khởi nghiệp trẻ phát triển bền vững hơn.
Thứ hai nữa là thông qua kênh hiệp hội, hiệp hội doanh nghiệp, kiều bào ở nước ngoài có thêm thông tin, tự tin về nước đầu tư, mở những công ty, dự án… ở Việt Nam. TP.HCM luôn sẵn sàng cùng bà con tháo gỡ những vướng mắc nếu có", phó chủ tịch UBND TP cam kết.
Theo Ủy ban về người Việt ở nước ngoài TP.HCM, trong 100 kiều bào tham gia chương trình lần này, đại biểu trẻ tuổi nhất là anh Huỳnh Tấn Đạt, 26 tuổi, kiều bào tại Úc. Ngoài ra, có kiều bào tiêu biểu nhỏ tuổi nhất là bé Phạm Việt Hà, 8 tuổi, sinh sống tại Úc.
Tại cuộc gặp gỡ sáng nay 2-2, em Hà chia sẻ đã học tiếng Việt bằng cách đọc sách, mẹ dạy em học và em học thêm với thầy. Em cũng đã hát tặng bài "Việt Nam trong tôi là".
Đại biểu lớn tuổi nhất là ông Lê Văn Duyên, kiều bào tại Mỹ, 94 tuổi.
Sáng 1-2, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và UBND TP.HCM khởi động chương trình Xuân quê hương năm 2024 dành cho kiều bào tiêu biểu trên khắp thế giới.