Một người dùng Facebook có tên A.T. đăng bài viết chia sẻ chuyện tài khoản ngân hàng của anh bỗng dưng bị trừ mất hơn 43 triệu đồng vào việc mua thẻ cào điện thoại. Anh khẳng định không hề thực hiện giao dịch này và cho rằng tài khoản của mình đã bị hack.
Theo lời kể của anh A.T., sau khi làm việc với bên ngân hàng, anh được biết tài khoản ngân hàng của mình có liên kết với ví điện tử MoMo. Chi tiết này đã khiến rất nhiều thành viên khác đưa ra phỏng đoán và nghi ngờ ví điện tử này có thể là nguyên nhân khiến tài khoản anh A.T. bị cướp tiền.
Trước vụ việc đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng, nhất là dịp cận Tết, ngày 2-2, đại diện ví điện tử MoMo cho biết: "Bài đăng của khách hàng có đề cập đến MoMo với những thông tin dễ gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến uy tín của chúng tôi".
Trước những nghi vấn về việc thông tin người dùng của MoMo bị lộ lọt, đại diện ví điện tử này khẳng định: "MoMo không lưu trữ thông tin của khách hàng khi khách hàng thực hiện liên kết tài khoản ngân hàng với MoMo".
Cụ thể, để có thể thực hiện được giao dịch như anh A.T. đăng tải cần có hai thông tin gồm thông tin thẻ và mã xác thực SMS OTP. Tuy nhiên, MoMo không lưu trữ thông tin thẻ và cũng không thể tiếp cận được mã OTP được gửi qua tin nhắn SMS đến điện thoại của người dùng.
"Từ những cơ sở nêu trên, MoMo khẳng định không liên quan đến sự việc khách hàng có tài khoản Facebook A.T. phản ánh bị mất tiền", đại diện MoMo cho biết.
Nhận định nguyên nhân bỗng dưng mất tiền trong tài khoản ngân hàng, một chuyên gia bảo mật (đề nghị không nêu tên) cho rằng: "Nếu khách hàng không chủ động thực hiện giao dịch và phía ngân hàng cũng không nhận trách nhiệm thì cần cơ quan công an điều tra vụ việc mới xác định rõ nguyên nhân. Không thể suy đoán từ mô tả hiện tượng bên ngoài để kết luận được".
Thông tin thêm, ông Thái Trí Hùng, giám đốc công nghệ MoMo, cho biết ví điện tử hiện đang đáp ứng bộ tiêu chuẩn khắt khe nhất trong ngành tài chính ngân hàng quốc tế: Chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS (Payment Card Industry Data Security Standard) phiên bản 4.0 - cấp độ bảo mật chuẩn toàn cầu cao nhất hiện nay.
"Trong đó quy định rất chặt chẽ các điều kiện bảo mật thông tin trong quá trình xử lý thanh toán cho thẻ, đảm bảo sự an toàn cao nhất về thông tin khách hàng và dữ liệu giao dịch. Tiêu chuẩn này đảm bảo rằng dữ liệu thẻ (Payment card) sẽ không thể bị đánh cắp trong toàn bộ quá trình xử lý giao dịch", ông Hùng cho biết.
Đại diện MoMo cam kết việc cung cấp, vận hành dịch vụ trung gian thanh toán theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời ví điện tử này cũng khuyến cáo người dùng nâng cao cảnh giác để bảo vệ tài khoản và tài sản trong các giao dịch trên môi trường số. Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo của các đối tượng xấu, người dùng hạn chế cung cấp thông tin cá nhân ra ngoài khi không thực sự cần thiết, hạn chế cài đặt ứng dụng lạ hoặc nhấn vào các đường link không rõ nguồn gốc.
Không dễ hack ngân hàng, ví điện tử để chiếm tài khoản người dùng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Ngọc Sơn - giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS - cho rằng các hệ thống thanh toán điện tử, ví điện tử ở Việt Nam đều là những hệ thống đã trải qua nhiều giai đoạn nâng cấp, bổ sung các phương án an ninh, bảo mật, theo các chuẩn quốc tế.
Vì vậy nếu người dùng tuân thủ theo các khuyến cáo như không cài phần mềm không rõ nguồn gốc, không cung cấp mật khẩu OTP cho người khác, sử dụng xác thực sinh trắc học trong các giao dịch chuyển tiền thì rất khó để xảy ra trường hợp bị chiếm đoạt tài khoản, chiếm đoạt tiền.
"Tất nhiên vẫn có trường hợp hacker xâm nhập vào được bên trong hệ thống của ngân hàng, nhưng khả năng này thấp, và nếu xâm nhập được, thường hacker sẽ chiếm đoạt những khoản tiền rất lớn", ông Sơn cho biết.
Hai ví điện tử của doanh nghiệp trong nước là MoMo, ZaloPay đang dẫn đầu thị phần tại Việt Nam, cách khá xa các ứng dụng thanh toán còn lại.