Ngày 3-2, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này đã phóng thử tên lửa hành trình và một tên lửa phòng không loại mới trong ngày 2-2.
Trước đó, phía Hàn Quốc tố Bình Nhưỡng bắn nhiều đạn pháo ra khu vực biển phía tây bán đảo Triều Tiên trong những ngày đầu tháng 2.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn thông báo của Cơ quan tên lửa Triều Tiên xác nhận nước này đã tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa ở biển tây bán đảo Triều Tiên trong ngày 2-2.
KCNA dẫn thông báo của Cơ quan tên lửa Triều Tiên nói rõ các vụ thử được tiến hành nhằm thử nghiệm “việc phát triển nhanh các công nghệ trong nhiều khía cạnh khác nhau như chức năng, khả năng và hoạt động của các hệ thống vũ khí mới”.
Cũng theo thông báo trên, đây là một trong các hoạt động bình thường của Triều Tiên.
Theo Đài ACB News, đây là đợt phóng thử loại vũ khí này lần thứ tư trong năm 2024.
Các bức ảnh chụp vụ thử vũ khí của Triều Tiên cho thấy một tên lửa hành trình bay thấp tấn công vào các mục tiêu được xây dựng sẵn trên bờ biển, trong khi một quả đạn khác bay trong không trung sau khi được phóng lên từ mặt đất.
Liệu có mang vũ khí hạt nhân?
Khi công bố phát triển đầu đạn có kích thước lớn hơn cho tên lửa hành trình, Triều Tiên có thể đang cố gắng nhấn mạnh rằng những tên lửa này nhằm mục đích trang bị vũ khí hạt nhân.
KCNA không nêu rõ số lượng tên lửa được thử nghiệm cũng như chi tiết về hiệu suất của những tên lửa này.
Tuy nhiên theo các chuyên gia Hàn Quốc, tầm bắn của tên lửa mới này ngắn hơn tầm bắn của tên lửa Hwasal-2 mà Bình Nhưỡng phóng hôm 30-1.
Nguyên nhân do kích thước đầu đạn của tên lửa mới lớn hơn so với đầu đạn của tên lửa hành trình cũ.
“Đây là nỗ lực nhằm chứng tỏ nước này có thể sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bằng cách phát triển các đầu đạn của tên lửa”, ông Hong Min, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, phân tích.
Một số chuyên gia khác cũng như giới chức Triều Tiên lại nói rằng đây chỉ là những vụ thử vũ khí thông thường chứ không phải là tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Ông Lee Sang Gyu, nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định Triều Tiên - quốc gia thường phô trương về những vụ thử vũ khí hạt nhân - lần này không đề cập đến vũ khí hạt nhân thì chắc hẳn họ chỉ tiến hành thử nghiệm bắn các mục tiêu trên đất liền bằng tên lửa hành trình thông thường.
Có sự giúp sức của Nga?
Cũng theo Hãng thông tấn Yonhap, có ý kiến cho rằng các vụ thử nghiệm tên lửa đất đối không mới có sự giúp đỡ từ Nga.
Một quan chức tên Hong trong Quốc hội Hàn Quốc cho biết: “Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa phòng không KN-05 và KN-06, và nếu chúng là những tên lửa mới được phát triển, chúng có thể đã được cải tiến”.
“Đây là những bản sao của tên lửa đất đối không tầm xa S300 và S400 của Nga. Chúng ta cần hết sức chú ý đến thực tế là các tên lửa như thế này đã xuất hiện trên đất Triều Tiên”, ông Hong nói thêm.
Việc Triều Tiên tuyên bố thử tên lửa đất đối không mới được ngầm hiểu nằm trong những nỗ lực nhằm duy trì sự căng thẳng, vốn đã leo thang kể từ đầu năm 2024 trên bán đảo Triều Tiên.
Bình Nhưỡng khẳng định họ đang đa dạng hóa hệ thống vũ khí và tên lửa để đối đầu trực tiếp với Hàn Quốc.
Bán đảo Triều Tiên lại nóng lên sau khi Bình Nhưỡng phóng nhiều tên lửa hành trình sáng nay 2-2, là vụ phóng tên lửa thứ tư trong một tuần qua.