vĐồng tin tức tài chính 365

Phân cấp, phân quyền tối đa cho TP.HCM

2024-02-04 08:10

Vẫn còn "trên nóng, dưới lạnh"

Sáng 3.2, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Ban chỉ đạo), chủ trì phiên họp lần 2 của Ban chỉ đạo. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần 2 của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 Ảnh: Nguyên Vũ

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần 2 của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98

Nguyên Vũ

Trong 13 nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo diễn ra ngày 26.11.2023, đến nay mới có 2 nhiệm vụ hoàn thành, 10 nhiệm vụ đang thực hiện và 1 nhiệm vụ đang thống nhất quan điểm chỉ đạo.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, tuy kết quả thực hiện Nghị quyết 98 chỉ mới bước đầu nhưng khối lượng công việc bằng cả một nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội (cũng về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM). Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, nhiều bộ, ngành vẫn chưa quyết liệt khi đụng đến các vấn đề mới, chưa có quy định nên tiến độ còn chậm.

Trong số các đầu việc được giao cho Bộ Nội vụ, có dự thảo nghị định về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM thay thế Nghị định 93/2001 phải trình Chính phủ trong tháng 1.2024. Nghị định này dự kiến phân cấp cho TP.HCM quản lý trên 9 lĩnh vực và được kỳ vọng giúp địa phương chủ động giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng. Tại phiên họp, Thủ tướng hỏi Bộ Nội vụ đã chuẩn bị tới đâu và bao giờ xong. Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho hay dự thảo nghị định đã được xây dựng xong, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến 13 bộ, ngành liên quan, nhưng còn 6 bộ chưa trả lời (gồm Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Bộ TN-MT và Bộ KH-CN).

Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ chỉ lấy ý kiến bộ nào liên quan trực tiếp chứ không "xin cả làng". Thủ tướng khẳng định, những gì thuộc quyền của Thủ tướng sẽ phân cấp hết và đề nghị các bộ, ngành mạnh dạn phân cấp cho TP.HCM. "Cứ ôm vào làm gì, ôm vào tạo cơ chế xin - cho, tạo ra môi trường tiêu cực, rồi phải thanh tra, điều tra, mất cán bộ, mất thời gian", Thủ tướng nói.

SỐT RUỘT VỚI DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Ở lĩnh vực giao thông, nhiều dự án cấp bách như mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn đang còn tắc ở khâu thủ tục. Đơn cử như dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhưng hiện đang vướng cơ chế tài sản công, luật Đầu tư công và luật Giao thông đường bộ.

Nêu giải pháp cho dự án này, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT mời cơ quan thanh tra, kiểm toán vào đánh giá, xác định giá trị tài sản công rồi để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện. Thủ tướng khẳng định, nếu không tham ô, tham nhũng thì không có gì phải sợ.

Liên quan dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho rằng đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, Bộ TN-MT đề nghị cân nhắc kỹ việc xem xét, quyết định chuyển đổi hơn 80 ha đất rừng tự nhiên. Do đó, UBND TP.HCM cần làm rõ các nội dung liên quan đến việc sử dụng đất, bao gồm sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đảm bảo điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất.

Trao đổi thêm về việc này, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi khẳng định, dự án thực hiện ở vùng đệm, và TP.HCM đã có kế hoạch trồng rừng thay thế với diện tích 250 ha ở cùng H.Cần Giờ, gấp 3 lần diện tích chuyển đổi.

Trong khi đó, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn MSC đang rất sốt ruột. Tập đoàn này đang đầu tư cảng Singapore và chính phủ Singapore đang đưa ra những điều khoản hết sức hấp dẫn để giữ chân doanh nghiệp. Để khởi công dự án vào năm 2025, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt chủ trương đầu tư và cho phép triển khai theo trình tự thủ tục rút gọn trong 60 ngày, bởi nếu làm theo quy trình thông thường mất khoảng 360 ngày sẽ không còn hấp dẫn nhà đầu tư.

Sau khi nghe các ý kiến, Thủ tướng giao Bộ TN-MT phối hợp TP.HCM và nhà khoa học phân tích, đánh giá tác động dự án với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng đơn thuần. Trong đó, bám sát luật Bảo vệ môi trường, có cơ sở khoa học, thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để tạo sự đồng thuận cao, không chỉ với tổ chức quốc tế mà còn dư luận trong nước. Việc này phải khẩn trương để trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương đầu tư trong quý 1/2024.

XÓA BỎ CƠ CHẾ XIN - CHO

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc triển khai Nghị quyết 98 có khối lượng công việc nhiều nhưng đạt tốc độ, chất lượng cao. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, mong muốn của TP.HCM và Chính phủ thì vẫn còn chậm. Do vậy, thời gian tới phải khắc phục, bù đắp sự chậm trễ trong thời gian vừa qua. Thủ tướng đề nghị mỗi thành viên Ban chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tự giác, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để đề xuất cơ chế, chủ trương, chính sách nhằm giải quyết kịp thời vướng mắc cho TP.HCM.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý cơ chế xin - cho dễ tạo ra môi trường tiêu cực và dễ tạo ra tiêu cực. "Cần phải xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, cơ chế xin - cho để tạo môi trường lành mạnh cho cán bộ dễ làm, không sợ sai, không sợ trách nhiệm. Tinh thần chung là phân cấp phân quyền, tăng cường trách nhiệm cá nhân, phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát", Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời giao Bộ Nội vụ hoàn thành hồ sơ nghị định phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM ngay trong tháng 2.2024.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công thương hoàn thành nghị định về mua bán điện trực tiếp trong quý 2/2024 để áp dụng trên phạm vi toàn quốc vì đây là vấn đề cấp bách. Cơ chế này khi được thông qua sẽ khuyến khích các cơ quan nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, phù hợp xu thế chung.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhanh chóng giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như: mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, triển khai cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Về đầu tư xây dựng hạ tầng tuyến đường sắt đô thị, Thủ tướng giao UBND TP.HCM khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư tổng thể, huy động nguồn lực đủ lớn trong và ngoài nước để thực hiện đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Ủng hộ tăng thêm nhân sự chuyên trách Nghị quyết 98

Trao đổi tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, việc triển khai Nghị quyết 98 có khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc mới nên cần đổi mới phương pháp và cách làm. Do vậy, rất cần có nhân sự nắm bắt, theo sát và tham mưu một cách đúng theo tinh thần Nghị quyết 98 là mang tính đột phá và vượt trội. Bí thư Nguyễn Văn Nên đề xuất Thủ tướng quan tâm đến bộ máy chuyên trách của Ban Chỉ đạo TP.HCM về triển khai Nghị quyết số 98, cụ thể là tăng một Phó chủ tịch UBND TP.HCM chuyên trách công việc này. "Cần phải có người làm chuyên sâu, chính danh, theo sát thì mới có thể đảm bảo được yêu cầu, nhiệm vụ được giao", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ có thêm người theo dõi, hỗ trợ Chủ tịch UBND TP.HCM trong việc thực hiện các mục tiêu lớn mà Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ giao phó. Tuy nhiên, do vượt thẩm quyền nên Chính phủ sẽ phối hợp Thành ủy TP.HCM trao đổi, xin ý kiến Ban Bí thư xem xét, quyết định.

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản VN (3.2.1930 - 3.2.2024) và đón tết cổ truyền dân tộc Giáp Thìn 2024, ngày 3.2, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng Phan Văn Khải và chúc tết gia đình các cố lãnh đạo.

TTXVN

Xem thêm: mth.33604112302042581-mchpt-ohc-ad-iot-neyuq-nahp-pac-nahp/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phân cấp, phân quyền tối đa cho TP.HCM”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools