Đà tăng trưởng lợi nhuận của khối ngân hàng năm ngoái chậm hẳn so với các năm trước trong bối cảnh nợ xấu tăng, tín dụng khó giải ngân. Tuy nhiên, nhiều nhà băng top đầu năm qua vẫn đảm bảo được tăng trưởng lợi nhuận, nhất là nhóm ngân hàng quốc doanh.
Danh sách lợi nhuận tỷ USD (gần 25.000 tỷ đồng, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank) có 5 cái tên, trong đó gồm 4 ngân hàng quốc doanh và một nhà băng tư nhân là MB.
Năm qua, ngân hàng quốc doanh áp đảo so với nhóm tư nhân trên bảng xếp hạng lợi nhuận, nhờ vào xu hướng thận trọng trích lập dự phòng tín dụng trong các năm trước.
Quán quân lợi nhuận ngành vẫn là Vietcombank với mức lãi trước thuế hợp nhất hơn 41.200 tỷ đồng, tăng 10%. Xếp sau là BIDV với mức lãi hơn 27.600 tỷ, tăng hơn 20% so với năm trước.
Tuy nhiên, nguồn thu từ hoạt động cốt lõi là tín dụng của hai "ông lớn" này năm qua đều không tăng trưởng được. Tại Vietcombank, tăng trưởng lợi nhuận là nhờ giảm một nửa chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Còn tại BIDV, bên cạnh việc giảm chi phí dự phòng, nguồn thu ngoài tín dụng như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư là động lực giúp lợi nhuận cao hơn năm trước.
Trong nhóm "Big 4", VietinBank là nhà băng ít bị ảnh hưởng về tín dụng hơn. Nhà băng này đạt lợi nhuận 25.000 tỷ, tăng gần 20%, nhờ vào thu nhập tín dụng tăng nhẹ và nguồn thu ngoài lãi tăng tốt. Đồng thời, VietinBank cũng là số ít nhà băng giảm được tỷ lệ nợ xấu so với đầu năm.
"Big 4" còn lại là Agribank cũng đạt mức lợi nhuận xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, vượt 5-6% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lãnh đạo cho biết nhà băng cũng phải rất nỗ lực hoàn thành mục tiêu lợi nhuận để được tăng vốn điều lệ, có dư địa mở rộng dư nợ cho vay.
Tại nhóm tư nhân, MB đang dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế 26.300 tỷ đồng, tăng trưởng gần 16%. Năm qua, nhà băng này đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 28%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Trong đó, MB đẩy mạnh giải ngân cho vay lĩnh vực bất động sản. Dư nợ cho vay chủ đầu tư kinh doanh bất động sản tăng gấp đôi so với đầu năm, từ 21.300 tỷ đồng lên 43.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hai nhà băng tư nhân khác là Techcombank và ACB năm qua cũng đạt được lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng.
Sau gần thập kỷ tăng trưởng liên tiếp, Techcombank báo lãi giảm 10% trong năm 2023, do thu nhập tín dụng giảm trong khi phải tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng. Với mức lợi nhuận gần 22.900 tỷ, Techcombank nằm ngoài top 5 lợi nhuận cao nhất 2023, song vẫn duy trì được lợi nhuận xấp xỉ tỷ USD.
Năm qua, ACB lần đầu tiên đạt con số lợi nhuận 20.000 tỷ đồng, nhờ vào nguồn thu tín dụng tăng trưởng và khoản lãi đột biến hơn 2.600 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư. Đặc biệt trong quý IV, nhà băng này cũng tiết giảm chi phí hoạt động cả nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ 2022.
Trong khi đó, VPBank vốn nằm trong top đầu lợi nhuận, năm qua cũng tuột hạng mạnh và rời khỏi danh sách lãi xấp xỉ tỷ USD khi lãi trước thuế giảm tới một nửa. Không còn ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ ký kết hợp đồng bảo hiểm, thu nhập tín dụng sụt giảm, nợ xấu tăng mạnh vì cho vay tiêu dùng gặp khó khiến VPBank trải qua một năm biến động mạnh.
Quỳnh Trang