Ở huyện Chợ Mới (An Giang) quê tôi, năm nay thậm chí tiếng nổ còn nghe sớm hơn. Cách nay một tháng, giữa ban ngày tôi giật mình vì một tiếng nổ rất lớn, trong đầu bỗng nghĩ ngay đến hình ảnh những vụ tai nạn chế pháo thảm khốc vừa đọc trên báo.
Bởi việc mua bán tiền chất chế pháo cũng đang diễn ra khiến những "quả bom nổ chậm" có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu.
Chạy ra sân nghe ngóng thì được biết rằng tiếng nổ phát ra từ dụng cụ tạo tiếng pháo bởi những thanh thiếu niên nghịch ngợm trong xóm. Lát sau, lại có thêm nhiều tiếng nổ lớn giống như vậy vang lên.
Chập tối đó, như bắt chước nhau hay ganh nhau… tiếng pháo, trong xóm bắt đầu có những tiếng pháo nổ lẻ tẻ. Việc này kéo dài thêm mấy ngày.
Tiếng pháo nổ không chỉ gây náo động sự yên bình của xóm làng mà còn thể hiện hành vi bất chấp pháp luật. Nguy hại hơn, thấy riết quen mắt, nghe riết quen tai khiến người ta thậm chí không thấy việc làm là sai khi việc sai quá phổ biến.
Những năm trước, tôi thấy cũng có những người lớn chơi pháo nổ Tết, xem con cháu chơi pháo nổ Tết. Nên hỏi sao chính quyền khó có thể dẹp được vấn nạn này và vẫn còn nhiều tai nạn thương tâm với trẻ em liên quan đến pháo.
Sau những tiếng pháo tháng trước, tôi không còn nghe tiếng pháo nổ tương tự như vậy nữa. Có lẽ từ khi các gia đình đều nhận được một "thư kêu gọi" vận động giao nộp vật liệu nổ, trong đó có pháo từ công an huyện.
Trong đó, công an nhấn mạnh đến việc chấp hành quy định pháp luật, kêu gọi tố giác, cung cấp thông tin và tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu gây nổ, pháo trái phép… Đồng thời kèm theo các phương thức liên lạc để người dân tố giác hành vi.
Một biện pháp phòng ngừa và răn đe thấy có vẻ có sức nặng ngay trước Tết với vấn đề nóng như vật liệu nổ, pháo nổ trái phép.
Một người bạn tôi sống ở TP.HCM đã thật sự khó chịu với tiếng pháo ở phường nhà chị. Một tiệc tất niên có karaoke kèm ba đợt pháo sáng bùm chéo ồn ào giữa xóm, trẻ con thò đầu ra xem, người lớn thì lo lắng vì pháo nổ quá gần.
Một vụ đốt pháo gần nơi tổ chức hội chợ xuân với hàng trăm gian hàng và rất đông người đi mua sắm vào buổi tối. Khi các anh dân quân phường đến nơi thì pháo đã ngưng. Thật khó xử lý những người cố ý đốt pháo kiểu này.
Muốn ngăn tiếng pháo, mỗi người cần có ý thức đầy đủ về tác hại của pháo nổ và về việc chấp hành quy định của pháp luật rất quan trọng. Chơi pháo nổ để rồi (có thể) bị phạt hoặc gây nguy hiểm cho mình và cho người khác thì có còn vui không?
Nhắc nhau cùng tránh xa pháo nổ cũng là việc nên làm khi xuân về Tết đến. Trong đó gồm cả việc tích cực hợp tác cùng cơ quan chức năng nếu thấy vi phạm, nguy cơ vi phạm xảy ra…
Những tiếng pháo nổ gây bất an nhưng có thể kích thích thêm nhiều vụ đốt pháo nổ sau đó. Ở nhiều địa phương, việc đốt pháo diễn ra trong rất nhiều năm và khó giải quyết. Và thường người ta đốt pháo nổ vào những ngày sát Tết nhất cho đến khoảng mùng 5, mùng 6 mới dứt.
Đỉnh điểm của sự vi phạm pháp luật về pháo nổ chính là tiếng pháo đồng loạt khắp xóm làng vào đêm giao thừa.
Cứ đến gần Tết Nguyên đán lại xảy ra các vụ tai nạn có liên quan tới pháo nổ. Nhiều nạn nhân tuổi học trò thương vong khi tự chế và đốt pháo nổ.