Cậu trai từng nhòe nước mắt kể gia cảnh ba tâm thần, mẹ bị tai biến ngày nào giờ đã là kỹ sư vận hành máy tại Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất.
Biết trọn vẹn nghĩa tình, Thành quay trở lại gửi lời cảm ơn đến bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã cưu mang mình và được báo Tuổi Trẻ tiếp sức bước vào giảng đường. "Để có ngày hôm nay, tôi mang ơn rất nhiều người, đặc biệt là bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi và báo Tuổi Trẻ", Thành xúc động tâm tình.
Chuyện cảm động của Thành ngày giáp Tết
Những ngày Tết cổ truyền cận kề, biên phòng Quảng Ngãi tổ chức chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản" để sẻ chia với người dân khó khăn ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Những phần quà trao đi kèm thông điệp "không người dân nào bị bỏ lại phía sau" của các chiến sĩ biên phòng thật sự ấm áp.
Trong chương trình này còn có lễ trao học bổng "Nâng bước em đến trường" và lực lượng biên phòng nhận những học sinh khó khăn ở khu vực mình đóng quân làm con nuôi. Quân dân thắm tình, những người lính giúp những đứa trẻ kém may mắn vươn lên.
Để các cháu nhỏ không tự ti khó nghèo, cố gắng bước về phía trước, biên phòng đã mời kỹ sư Nguyễn Tấn Thành đến giao lưu trong chương trình.
Thiếu tá Cao Tấn Vương, phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, nói: "Thành của hôm nay là niềm hạnh phúc vô bờ của lính biên phòng. Ở đó, chúng ta bên cạnh em một đoạn dài trên ghế nhà trường, rồi tiếp tục kết nối đến báo Tuổi Trẻ và quý nhà hảo tâm của báo hỗ trợ Thành suốt bốn năm đại học".
Đưa tay vỗ vai Thành, thiếu tá Vương nhớ lại kỷ niệm hai chú cháu vào TP Quy Nhơn (Bình Định) làm khách mời học bổng "Tiếp sức đến trường".
Lúc ấy, người lính biên phòng đã kể lại câu chuyện cảm động của Thành - đứa trẻ nghèo làng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn có cuộc đời rất khó khăn. Cha tâm thần, mẹ bị tai biến và bệnh Parkinson nằm một chỗ, từ nhỏ Thành phải ra cảng xin cá về nấu ăn và đứa trẻ hiếu thảo ấy có chỗ dựa khi được người lính đỡ đầu.
Thành tiếp nối câu chuyện chính mình bằng câu nói nghĩa tình: "Tôi biết ơn mọi sự giúp đỡ, nhờ những yêu thương ấy mà hôm nay tôi ngồi đây".
Chàng trai trẻ kể những ngày Tết khủng khiếp từng trải qua, ở hiện tại nỗi ám ảnh ấy không lặp lại. "Bây giờ tôi đã là kỹ sư, có công việc và thu nhập ổn định để chăm sóc ba mẹ đau ốm và sắm Tết cho ngôi nhà nhỏ của mình", Thành tâm tình.
Câu chuyện của Thành khiến cả ngàn người tham dự chương trình im lặng, cảm động. Một số học sinh nghèo khó ở các làng biển đến nhận học bổng của người lính thấy chính mình trong câu chuyện đã rơm rớm nước mắt.
Không khí trầm lắng ấy được Thành xua tan khi trải lòng: "Tôi nghĩ chuyện của mình là động lực cho các bạn có hoàn cảnh tương tự. Sinh ra trong khốn khó, chỉ có nỗ lực học tập mới có thể thoát nghèo bền vững. Tôi làm được thì các bạn cũng làm được".
Buổi tối ngày cận Tết bên dải đất giáp biển, gió thổi từng cơn lạnh căm. Nhưng câu chuyện của Thành lại thật sự ấm áp. Trước khi kết thúc phần giao lưu, Thành đã trích nửa tháng lương (5 triệu đồng) của mình gửi đến học bổng "Nâng bước em đến trường" của những người lính biên phòng. Thành mong sẽ có thêm những học sinh khó nghèo thành công, quay trở lại giúp đỡ người khác.
"Năm nay tôi 24 tuổi. Cả đời tôi Tết nào cũng nhận, chỉ có Tết này là cho đi. Tôi cảm ơn và biết ơn tất cả", Thành trải lòng.
"Nhờ tiếp sức mà em bước đến hôm nay"
Rời khỏi sân khấu, Thành bước xuống ôm lấy phóng viên Tuổi Trẻ. chàng trai trẻ ngày nào đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Thành kể những năm tháng đại học của mình một cách điềm đạm. Nhận được học bổng "Tiếp sức đến trường", rồi được Công ty bất động sản Phát Đạt hỗ trợ tiền hằng tháng, nỗi lo tiền nhập học và tiền thuốc cho ba mẹ không còn, Thành vững tin rời khỏi căn nhà ọp ẹp nơi góc biển của mình.
Rời khỏi làng biển khi ở đáy đời, vậy nên bước đi nào của Thành cũng là bước đi lên. Thành khoe công việc hiện tại ở khu liên hợp sản xuất thép của Hòa Phát ở Khu kinh tế Dung Quất rất ổn. Hạnh phúc nhất là được làm việc tại Quảng Ngãi, sống cùng cha mẹ.
Đợt rồi, Thành đưa ông Nguyễn Thơ (54 tuổi, cha Thành) đến bệnh viện khám, bác sĩ cũng bất ngờ khi chứng tâm thần của ông ổn hơn trước rất nhiều. Ông Thơ bây giờ có thể nói chuyện với người khác dù ít ỏi. Những đợt ông lên cơn đập phá không còn dày đặc như trước.
Thành bảo: "Ba đã biết cười khi mọi người nói con mình là kỹ sư. Em nghĩ cơn bĩ cực dần đi qua ngôi nhà của mình rồi".
Còn bà Bùi Thị Trực (54 tuổi, mẹ Thành) sức khỏe đi xuống khi bệnh Parkinson và tai biến hành hạ nhiều năm. Nhưng bà rất hạnh phúc khi con đã thành người.
Cách đây một năm chúng tôi ghé thăm nhà, bà Trực run run nói: "Tôi không ngờ thằng Thành sắp thành kỹ sư rồi". Nước mắt bà cứ thế chảy dài, đứa con có tuổi thơ dông bão của bà đã lớn bằng nỗ lực và tình yêu thương của mọi người.
Lúc các chiến sĩ biên phòng trao học bổng và quà Tết cho người nghèo, Thành tâm sự: "Hôm nay em rất hạnh phúc khi được cho đi. Hãy nói với mọi người em đã không phụ sự giúp đỡ nghĩa tình. Tết này em đã tự lo được rồi".
Rất nhiều lần thiếu tá Vương tâm sự: "Nó học hết lớp 9 anh mừng một đoạn, hết lớp 12 anh mừng đoạn nữa và lo vì tiền đâu đi học. Nó đậu đại học, nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ rồi xin nhường lại cho bạn khác, quyết định ở nhà đi biển. Nó là đứa con chung của biên phòng Quảng Ngãi và báo Tuổi Trẻ".
12 năm trước, sản phụ người Xê Đăng ở vùng cao huyện Nam Trà My (Quảng Nam) bị băng huyết chết sau khi hạ sinh con trai. Người nhà và dân làng quyết chôn sống đứa bé theo mẹ vì hủ tục cho rằng đó là "cái chết xấu".