Cục Hàng không Việt Nam cho biết như vậy khi báo cáo Bộ Giao thông vận tải về cập nhật ảnh hưởng tác động của lệnh triệu hồi động cơ PW 1100 G trên máy bay A321 NEO tại Việt Nam.
Theo Cục Hàng không, đến ngày 31-1, Cục Hàng không Mỹ (FAA) và Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) chưa ban hành chỉ lệnh khả phi bắt buộc (Airworthiness Directive) phải thực hiện lệnh triệu hồi động cơ PW 1100 G bị lỗi trên các máy bay Airbus A320, A321 NEO.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cao nhất với hoạt động khai thác máy bay Airbus A321 NEO lắp động cơ PW 1100 G, Cục Hàng không đã đánh giá, phân tích tác động của lệnh triệu hồi động cơ của nhà chế tạo động cơ Pratt & Whitney (Mỹ).
Trên cơ sở đó, ngày 30-1, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành chỉ thị yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam phải tuyệt đối tuân thủ và thực hiện ngay toàn bộ các nội dung theo yêu cầu của nhà chế tạo động cơ Pratt & Whitney, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2024.
Cục Hàng không cũng thường xuyên trao đổi với nhà chế tạo động cơ Pratt & Whitney và các hãng hàng không Việt Nam để cập nhật thông tin và đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn.
Tính đến ngày 31-1, có 44 máy bay Airbus A321 NEO của các hãng hàng không Việt Nam bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng chỉ thị của Cục Hàng không cũng như yêu cầu của nhà chế tạo động cơ Pratt & Whitney. Trong đó 8 máy bay Airbus A321 NEO của Vietnam Airlines đã dừng bay để tháo động cơ gửi đi cơ sở bảo dưỡng.
Theo Cục Hàng không, các hãng có máy bay phải triệu hồi động cơ bị lỗi đã áp dụng phương án tối ưu thời gian khai thác, tháo, lắp động cơ có cùng thời gian triệu hồi lên máy bay để giảm thiểu tối đa máy bay dừng phải bay tại cùng thời điểm nhằm duy trì đội máy bay đảm bảo cung ứng nhu cầu vận chuyển hàng không.
Với máy bay tạm dừng khai thác do tháo động cơ để kiểm tra, Cục Hàng không đã chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trong quá trình bảo quản theo các chỉ thị được cục ban hành trong giai đoạn dịch COVID-19 nhằm đảm bảo sẵn sàng đưa máy bay trở lại khai thác ngay sau khi động cơ hoàn thành công việc bảo dưỡng theo yêu cầu của nhà chế tạo động cơ.
Tất cả máy bay dừng bay đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sắp xếp bảo quản tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất ở các vị trí được rà soát nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến năng lực khai thác của sân bay, đặc biệt giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2024.
Các hãng đã thuê 15 máy bay để khai thác dịp Tết
Nhằm duy trì đội máy bay đáp ứng nhu cầu vận chuyển giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2024 và chuẩn bị cho các đợt cao điểm tiếp theo (nghỉ lễ 30-4 và 1-5, cao điểm hè, quốc khánh 2-9), Cục Hàng không đã tạo điều kiện và hỗ trợ các hãng bổ sung máy bay vào khai thác bao gồm bổ sung máy bay mới và thuê ướt máy bay (thuê cả máy bay và tổ bay).
Đến ngày 31-1, các hãng hàng không Việt Nam đã thuê ướt 15 máy bay, bổ sung vào đội máy bay để phục vụ nhu cầu vận chuyển giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2024.
Cục Hàng không Việt Nam nhận định với số lượng máy bay được bổ sung cùng việc tối ưu thời gian khai thác, các hãng hàng không Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2024.
Cục Hàng không, các cảng vụ hàng không đã chỉ đạo và tăng cường công tác giám sát an toàn đối với các hãng hàng không Việt Nam, các hãng cho thuê máy bay và công tác bảo dưỡng, bảo quản dừng bay.
Thông tin đó được đưa ra trong tuyên bố của Airbus về chuyến bay JAL 516 của Japan Airlines gặp tai nạn tại sân bay Haneda (Tokyo) ngày 2-1.