Năm 2023, Việt Nam chi 1,41 tỷ USD nhập khẩu phân bón các loại
Năm 2023 nhập khẩu phân bón đạt gần 4,12 triệu tấn, trị giá trên 1,41 tỷ USD, giá trung bình đạt 342,9 USD/tấn, tăng 21,3% về lượng, giảm 12,8% kim ngạch.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2023 cả nước nhập khẩu 446.560 tấn phân bón, tương đương 151,16 triệu USD, giá trung bình 338,5 USD/tấn, tăng 21,6% về lượng, tăng 8,8% kim ngạch nhưng giảm 10,5% về giá so với tháng 11/2023. So với tháng 12/2022 thì tăng 53,8% về lượng, nhưng giảm 2,7% kim ngạch và giảm 36,7% về giá.
Trong tháng 12/2023 nhập khẩu phân bón từ thị trường chủ đạo Trung Quốc tăng nhẹ 2,2% về lượng, nhưng giảm 21,2% kim ngạch và giảm 22,9% về giá so với tháng 11/2023, đạt 202.106 tấn, tương đương 62,54 triệu USD, giá 309,4 USD/tấn; so với tháng 12/2022 tăng 60,9% về lượng, nhưng giảm 1,6% kim ngạch và giảm 38,8% về giá.
Nhập khẩu từ thị trường Nga tháng 12/2023 tăng mạnh 76,4% về lượng, tăng 60% kim ngạch nhưng giảm 9,3% về giá so với tháng 11/2023, đạt 56.489 tấn, tương đương trên 23,5 triệu USD, giá 416 USD/tấn; so với tháng 12/2022 thì giảm 13,3% về lượng, giảm 50,4% kim ngạch và giảm 42,8% về giá.
Theo số liệu trên Công Thương, tính chung trong năm 2023 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 4,12 triệu tấn, trị giá trên 1,41 tỷ USD, giá trung bình đạt 342,9 USD/tấn, tăng 21,3% về khối lượng, nhưng giảm 12,8% về kim ngach và giảm 28% về giá so với năm 2022. Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm gần 50% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 2,4 triệu tấn, tương đương 662,46 triệu USD, giá trung bình 325,5 USD/tấn, tăng 19% về lượng, nhưng giảm 9,3% về kim ngạch và giảm 23,8% về giá so với năm 2022.
Tiếp đến thị trường Nga đứng thứ 2, chiếm 7% trong tổng lượng và chiếm 9,4% trong tổng kim ngạch, với 288.727 tấn, tương đương 132,12 triệu USD, giá trung bình 457,6 USD/tấn, tăng 2,5% về lượng, nhưng giảm 35% về kim ngạch và giảm 36,5% về giá so với năm 2022.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á đạt 470.755 tấn, tương đương 168,25 triệu USD, tăng 80,8% về lượng, tăng 6,5% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 11,4% trong tổng lượng và chiếm 11,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP đạt trên 3 triệu tấn, tương đương 930,46 triệu USD, tăng 22% về lượng, giảm 8% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 73% trong tổng lượng và chiếm 65,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA CPTTP đạt 504.801 tấn, tương đương 87,36 triệu USD, tăng 0,4% về lượng, giảm 41,3% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 12,3% trong tổng lượng và chiếm 6,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhìn chung, trong năm 2023 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường tăng khôi lượng nhưng giảm kim ngạch so với năm 2022.
Dự báo đáng mừng của ngành phân bón thế giới 2024
Theo Hiệp hội hân bón thế giới (IFA), tổng sản lượng phân bón thế giới năm 2023 kỳ vọng phục hồi tích cực 4% trong năm 2023, trước khi tăng tiếp 1,8% trong 2024. Trong khi, Rabobank dự báo có phần lạc quan hơn với mức tăng chung cho mảng phân bón toàn cầu năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 3% và 5%. Đây là cơ sở kỳ vọng cho triển vọng chung ngành phân bón thế giới sẽ cải thiện trong năm 2024.
Theo Bộ Tài chính, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón, với sản lượng khoảng 11 triệu tấn phân bón ở cả 2 dòng sản phẩm chính là phân bón vô cơ lẫn hữu cơ.
Việt Nam đang là quốc gia chuyển hóa nhanh từ sử dụng phân bón vô cơ nguồn gốc hóa học, sang hữu cơ theo nhịp phát triển chung của toàn thế giới. Theo Cục bảo vệ thực vật, tỷ trọng sản lượng phân bón hữu cơ & vi sinh đã tăng từ mức 6,3% (năm 2017) lên 23% (trong tháng 6/2022), với định hướng mục tiêu tỷ lệ sẽ tăng 25% vào năm 2025. Đây là định hướng phát triển chung trong dài hạn của ngành phân bón. Các doanh nghiệp nào tận dụng được việc chuyển đổi này sẽ được hưởng lợi trong dài hạn.
Thông tin trên Doanh Nghiệp Việt Nam, xét rủi ro tỷ giá, nhóm doanh nghiệp phân bón ít chịu áp lực vì dư nợ vay USD thấp. Thay vào đó, yếu tố giá urê trong nước và xuất khẩu có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Giá urê nội địa được nhận định sẽ có biến động tương quan với giá thế giới. Giá urê trên thị trường thế giới có diễn biến tăng kể từ ngày 7/9/2023, khi Nga và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê.
Trong bối cảnh đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành tại Việt Nam được dự báo sẽ cải thiện trong quý IV/2023 và năm 2024, nhất là khi nhà máy sản xuất urê hết khấu hao.
Trúc Chi (t/h)