Những ngày cận Tết Nguyên đán 2024, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận đông đảo bệnh nhân là kiều bào về nước khám các bệnh lý về hô hấp. Trong số này, nhiều người vỡ òa hạnh phúc khi được điều trị thuyên giảm sau nhiều năm sống chung với bệnh tật nơi xứ người.
Gian nan hành trình chữa bệnh nơi xứ người
Trải nghiệm khám hô hấp tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sau nhiều năm ở xứ người, anh N.T.V. (46 tuổi, Mỹ) chia sẻ: "Ở Mỹ, gặp bác sĩ gia đình cũng hẹn cả tháng. Sau 5-6 lần khám mà chưa ổn thì mới có cơ may được chuyển đến chuyên gia. Ở Việt Nam, tôi được khám ngay với chuyên gia mà lại còn được chọn bác sĩ nữa".
Bên cạnh khó khăn trong việc tiếp cận bệnh viện chuyên khoa, kiều bào còn đối mặt với rào cản ngôn ngữ trong suốt quá trình thăm khám.
Nhiều bệnh nhân lớn tuổi không biết tiếng Anh tại Mỹ phải nhờ sự giúp đỡ của phiên dịch, kèm theo cảm giác ngại ngùng khi phải chia sẻ tình trạng bệnh của mình với người lạ.
Bệnh nhân kể đã gặp bác sĩ gia đình ở Mỹ nhiều lần nhưng cũng không được giải thích bệnh rõ ràng. Họ thường được cho một bình thuốc xịt màu xanh để dùng khi khó thở.
Một số bệnh nhân Việt kiều khác đã được chẩn đoán hen suyễn nhưng không được làm các xét nghiệm hô hấp và chỉ được cho sử dụng một loại corticosteroid dạng hít thường được sử dụng trong điều trị hen nhẹ.
Khi cấp cứu, họ được cấp thêm một bình xịt để dùng và dự phòng một bình oxy trong xe hơi. Mỗi lần bị lên cơn hen cấp, bệnh nhân sẽ tự gọi điện thoại nhờ người thân đưa đi cấp cứu, điều này rất nguy hiểm đến tính mạng.
Không thua kém thế giới
Với kinh nghiệm điều trị và cơ hội làm việc với nhiều chuyên gia hô hấp trên thế giới, có thể khẳng định bác sĩ hô hấp Việt Nam có trình độ chuyên môn không thua kém bác sĩ nước ngoài. Bên cạnh đó, với sự phát triển của cơ sở vật chất khám chữa bệnh ở Việt Nam đã giúp nâng cao chất lượng thăm khám các bệnh lý hô hấp trong những năm gần đây.
Các cuộc thăm khám hô hấp cho kiều bào đều diễn ra bài bản và đúng quy trình. Điển hình như trường hợp anh N.T.V. được bác sĩ hỏi tiền sử bệnh, tiền căn gia đình, các thuốc đã dùng cũng như tiền sử đợt cấp, các yếu tố khởi phát cơn khó thở và tình trạng hiện tại. Sau đó, bệnh nhân được khám lâm sàng, chụp X-quang và thực hiện hô hấp ký để xác định chẩn đoán.
Các bác sĩ gia đình ở Mỹ rất ít người có khả năng thực hiện hô hấp ký mà phải gửi lên các tuyến chuyên khoa.
Sau khi bệnh nhân được thăm khám kỹ lưỡng, chụp X-quang ngực, thăm dò chức năng hô hấp thì việc kê toa sẽ được cân nhắc sao cho phù hợp nhất cho từng bệnh nhân dựa trên chẩn đoán đã được xác lập cẩn thận.
Kết quả tái khám sau 4 tuần, hầu hết các bệnh nhân hô hấp Việt kiều đều rất vui mừng vì triệu chứng khó thở đã giảm nhiều. Một bệnh nhân hào hứng chia sẻ trong một lần tái khám: "Chuyến này quay lại Mỹ, tôi sẽ thu xếp mọi chuyện rồi trở về lại sống ở Việt Nam luôn. Ở Việt Nam chữa bệnh tốt quá!".
Hiện điều trị nha khoa, làm răng sứ, răng thẩm mỹ, các dịch vụ làm đẹp như chăm sóc da, phẫu thuật thẩm mỹ... là dịch vụ được nhiều Việt kiều ưa chuộng và chọn sử dụng khi có dịp về nước.
Ông Trần Cao Bính - giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương Hà Nội - cho biết sau dịch COVID-19, số lượng người nước ngoài và Việt kiều đến Việt Nam chăm sóc nha khoa gia tăng rất mạnh.
Một trong những lý do quan trọng theo ông Bính là chi phí điều trị bệnh răng miệng tại Việt Nam rẻ hơn ở nước ngoài 5-10 lần, cá biệt có dịch vụ rẻ hơn 20 lần, trong khi về kỹ thuật và tay nghề y bác sĩ lại không thua kém gì so với các nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định thành phố đang tập trung đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực để trở thành một trong những điểm đến du lịch y tế của khu vực.