Từ nhỏ Xuân Quý đã thích vẽ và ước mơ sẽ trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp nên đã chọn theo học ngành mỹ thuật số. Hiện nay, ngoài việc phải uống thuốc chống thải ghép, Quý sinh hoạt và học hành như bao cô gái bình thường khác.
Nhìn con trưởng thành từng ngày với đầy sự biết ơn
Ngày cuối năm giáp Tết Nguyên đán, Xuân Quý nói vẫn thường cùng bạn bè đi đá banh, đánh cầu lông. Cô cũng yêu thích nhất là được vẽ nên nhiều hôm Quý dành cả ngày vẽ tranh.
Quý có thể ngồi vẽ tại nhà hoặc ở quán cà phê. Cô gái luôn có những người bạn, thậm chí kết bạn với các bạn nước ngoài để cùng trao đổi kỹ năng vẽ...
"Nhìn con lớn từng ngày, trở thành sinh viên đúng ngành học con yêu thích, trong lòng tôi thầm cảm ơn đội ngũ y bác sĩ ngày đó đã ghép gan, cứu sống con gái tôi.
Đáp lại công sức của các y bác sĩ, gia đình tôi cũng chăm sóc con cẩn thận, không phụ lòng cứu chữa của đội ngũ y bác sĩ tham gia ca ghép gan năm ấy" - anh Lê Văn Thuận, 54 tuổi, ba của Xuân Quý, chia sẻ.
"Năm nay đón mùa xuân mới, nhìn Quý khỏe mạnh, vui tươi, tôi không thể diễn tả hết được niềm vui người làm cha như tôi. Tôi nhớ từng gương mặt các y bác sĩ đã giúp con tôi thoát được lưỡi hái tử thần năm đó.
Sau này, gia đình tôi thường gọi GS Trần Đông A là "ông ngoại Đông A"; nhớ bác sĩ Tuyết, bác Trương Quang Định - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, bác Trần Thanh Trí - Bệnh viện Nhi Đồng 2…".
Anh Thuận nhớ lại những ngày mới sinh Quý cuối năm 2003 tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM. Khi mới sinh, bé bị vàng da. Trẻ vàng da sinh lý một tuần sau sẽ hết, còn bé Quý ngày càng nặng hơn.
Gia đình anh Thuận đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, được chẩn đoán theo dõi Kasai, mổ Kasai lúc 3 tháng tuổi. Sau phẫu thuật Kasai, bé bị nhiễm trùng đường mật tái phát nhiều lần.
Những ngày tháng ấy, thời gian Quý nằm viện nhiều hơn ở nhà. Bé tiếp tục bị vàng da và diễn tiến tới xơ gan. Cũng trong thời gian này, anh Thuận biết tin Bệnh viện Nhi đồng 2 chuẩn bị ghép gan ca đầu tiên. Gia đình anh khăn gói qua gặp GS Đông A, lúc đó là phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2.
"Tôi đã đi thử máu trước, tính cho con gái một phần gan của mình nhưng rất tiếc các chỉ số lại không phù hợp, mẹ bé đã đi thử và phù hợp hơn. Trong y khoa phẫu thuật nào cũng có nguy cơ bị biến chứng.
Nhưng gia đình có nhiều hy vọng khi con tôi được chọn là ca ghép gan đầu tiên tại phía Nam. Tôi cũng là bác sĩ (hiện đang công tác tại Bệnh viện Q.12) nên hiểu ghép gan là tấm vé cuối để cứu sống con gái.
Các bác sĩ đều cho biết nếu không được ghép gan con tôi không thể sống được quá 3 tuổi. Vì vậy, cả gia đình đều mong muốn, quyết tâm cho con gái được ghép gan" - anh Thuận kể lại những ngày tháng chuẩn bị được ghép gan đó.
Sau khi ca ghép gan thành công, Quý được xuất viện về nhà, anh Thuận đã làm cho con gái một phòng riêng, đảm bảo vô trùng nhất ở mức có thể.
"Tôi tuân thủ chính xác những thời gian cho bé uống thuốc, cũng như tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt cho bé. Hiện nay đã 21 tuổi, cao 1,6m, nặng 55kg", anh Thuận tự hào kể về cô con gái của mình.
Tương đương với nhiều trung tâm lớn trên thế giới
TS Trần Thanh Trí, trưởng khoa gan - mật - tụy Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh viện bắt đầu ghép gan từ năm 2005, đến nay hơn 25 bệnh nhi đã được ghép gan tại đây.
Mỗi năm ước tính có khoảng 95 bệnh nhi trong cả nước cần được ghép gan. Những năm trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 chỉ ghép được từ 1-2 ca/năm, có năm không được ca nào.
Hai năm gần đây từ khi chủ động ghép gan, bệnh viện đã thực hiện nhiều trường hợp ghép gan với số lượng bằng 15 năm trước đó gộp lại với nhân sự tại phía Nam và không cần có sự hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài như trước đó. Tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng hết được nhu cầu ghép gan hiện nay.
Kết quả ghép gan với tỉ lệ sống còn và biến chứng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 tương đương với nhiều trung tâm lớn trên thế giới.
Cụ thể, trên 25 trường hợp ghép gan, tỉ lệ sống còn tại năm đầu là 88%, 5 năm là 80%. Các tỉ lệ này là khá tốt khi so với các trung tâm trên thế giới. Ở các trung tâm trên thế giới, tỉ lệ thành công ở mức 91-96% trong năm đầu và khoảng 84-87% sau 5 năm.
"Kết quả triển khai an toàn, hiệu quả từ việc lấy và ghép gan trong giai đoạn gần đây với nhân sự tại chỗ sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện những kỹ thuật ghép tạng phức tạp và đa dạng sau này như ghép gan người cho chết não, đa tạng, ghép tụy, ghép phổi, ghép tim..." - bác sĩ Trí nêu thêm ý nghĩa của việc tự chủ được trong ghép gan.
TT - Hơn tám năm sau cuộc ghép gan sinh tử, bé Lê Ngọc Xuân Quý giờ đã trở thành cô bé xinh xắn, dễ thương, da trắng hồng và rất lí lắc. Bé đã có cuộc sống thật khỏe mạnh, hạnh phúc, vui tươi bên những người thân yêu.