Tại quốc lộ 50 (hướng về miền Tây), dòng người về quê cùng với người đi tảo mộ ở nghĩa trang Đa Phước khiến giao thông ùn ứ từ sáng tới chiều.
Từ 8h30, dòng xe trên quốc lộ 50, hướng huyện Bình Chánh (TP.HCM) đi tỉnh Long An bắt đầu đông đúc.
Dần về trưa, tình hình giao thông càng trở nên căng thẳng hơn và có lúc kẹt xe kéo dài, đặc biệt đối với làn ô tô. Mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt tại các giao lộ quan trọng để phân luồng từ sớm, nhưng do lượng xe quá đông nên vẫn ùn ứ đến chiều.
Tại quốc lộ 1, hướng quận Bình Tân đi các tỉnh miền Tây cũng xảy ra ùn ứ một vài lúc.
Tình trạng này căng thẳng nhất tại hai đoạn nút "thắt cổ chai" gần vòng xoay Tân Tạo và cầu Bình Điền. Còn tại đường dẫn Bình Thuận - Chợ Đệm hướng từ Long An đi TP.HCM (gần cầu vượt nút giao Bình Thuận), dòng ô tô nối đuôi chạy chậm vào 9h sáng và từ 16h dần về tối.
Có cảnh sát giao thông tình hình ổn định nhanh
Trong khi đó, khác với ngày 3-2, ngày 4-2 khu vực cửa ngõ phía Đông TP.HCM (phà Cát Lái và nút giao An Phú đi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) có phần thông thoáng hơn.
Theo ghi nhận, từ sáng sớm 4-2 ở các ngã ba, ngã tư khu vực trung tâm TP.HCM và các cửa ngõ TP.HCM, lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt sẵn sàng ứng phó với tình trạng ùn ứ xảy ra bất cứ lúc nào.
Một số khu vực như quốc lộ 1 (đoạn cầu Bình Điền), quốc lộ 50, nút giao thông An Phú dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... xảy ra tắc nghẽn mấy ngày qua luôn có cảnh sát giao thông túc trực điều tiết.
Tại nút giao An Phú, một trong những nút giao thông phức tạp do có nhiều dòng xe giao cắt, lượng xe máy, ô tô, xe container... rất đông, liên tục đổ dồn vào nút từ 5h sáng.
Một lúc sau thì khu vực này ken đặc xe cộ đổ về hướng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Khi cảnh sát giao thông chưa đến, các dòng xe chạy loạn xạ, nhiều người đi xe máy còn vượt đèn vàng nối đuôi nhau từ đường Lương Định Của băng qua đường song hành cao tốc "không ai chịu nhường ai".
Giữa đường, dòng xe này nhanh chóng bị đứng khựng cản trở giao thông do đèn ở trục chính đường Mai Chí Thọ đã chuyển xanh.
Không chỉ vậy, vì sợ chờ đợi lâu, không ít xe máy leo lên lề đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của... để chạy nhanh hơn một chút. Những điều này khiến giao thông tại nút giao càng thêm bất ổn, kẹt xe bắt đầu lan từ nút giao An Phú vào nút giao đường song hành cao tốc - Nguyễn Thị Định.
Sau đó, cảnh sát giao thông nhanh chóng đến hai nút giao thông này điều tiết. Cứ như vậy, tình trạng căng thẳng nhanh chóng hạ nhiệt dần chỉ sau vài vòng đèn tín hiệu.
Rõ ràng, khi thấy cảnh sát giao thông, người lái xe tuân thủ luật lệ và hướng dẫn điều tiết hơn chứ không dám rướn qua vượt đèn vàng, đèn đỏ, leo lề... Điều này cũng góp phần lớn giảm giao cắt, ùn tắc giao thông, đường sá dễ thở hơn vào những ngày cuối năm.
Phải linh hoạt, đừng quá tin vào Google Map
Trung tá Hoàng Xuân Ân, đội trưởng đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Đội 6) thuộc Phòng 6 Cục Cảnh sát giao thông (C08) Bộ Công an, cho biết đã có giải pháp hiệu quả cho nút giao thông An Phú (giao lộ Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP Thủ Đức).
Tại nút giao này, vào những ngày lễ Tết, cứ đến hẹn lại kẹt, lượng xe cộ tăng đột biến sẽ xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài từ đường Mai Chí Thọ đến trạm thu phí Long Phước trên cao tốc (TP Thủ Đức), nếu có tai nạn trên cao tốc thì tình hình giao thông sẽ căng thẳng hơn.
Vì thế, Đội 6 đã bàn phương án với Đội cảnh sát giao thông Cát Lái thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM cho xe từ đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của vào cao tốc "nhỏ giọt" và đóng mở cao tốc linh động, tránh ùn ứ trên tuyến cao tốc và đường Mai Chí Thọ.
Cách này góp phần giảm tải áp lực giao thông cho tuyến cao tốc, nếu trên cao tốc xảy ra ùn ứ hoặc tai nạn giao thông thì tránh trường hợp xe lên cao tốc quá đông sẽ kẹt xe.
Người dân thường chọn lộ trình đi đến nút giao An Phú là điểm đầu cao tốc rồi cho xe lên cao tốc để về các tỉnh miền Trung.
Thay vào đó, nếu nhận thấy ùn ứ tại nút giao An Phú, người dân có thể chọn đi vào đường song hành cao tốc để ra đường Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh rồi lên cao tốc.
Hoặc đi vào đường Nguyễn Duy Trinh, Võ Chí Công để ra vòng xoay Phú Hữu (TP Thủ Đức) rồi lên cao tốc, tránh ùn ứ.
Một cán bộ Đội cảnh sát giao thông Cát Lái cho biết hiện nay đường song hành cao tốc khá vắng, người dân có thể chọn đi đường này sau đó ra vòng xoay Phú Hữu để lên cao tốc thì sẽ tránh ùn ứ.
"Do đoạn đường song hành cao tốc còn mới nên nhiều người dân không để ý, đến nút giao An Phú chọn đi lên cao tốc theo thói quen hoặc nhiều người đi theo Google Map được chỉ dẫn lên cao tốc luôn nên sẽ bị ùn ứ khu vực nút giao An Phú nếu cao tốc có sự cố, còn đường song hành cao tốc thì thông thoáng", cán bộ cảnh sát giao thông Cát Lái chia sẻ.
Theo thượng tá Đoàn Văn Quới - phó trưởng PC08, kế hoạch những ngày tới sẽ tăng cường 100% quân số các đội/trạm thuộc phòng túc trực tại các tuyến đảm trách, phân luồng giao thông để đảm bảo thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi để người dân về quê đón Tết.
Cảnh sát dự đoán tình hình giao thông trước, trong và sau Tết còn căng thẳng, nhất là các cửa ngõ phía Đông và phía Tây, nơi có lượng xe cộ tăng đột biến vào dịp cuối năm.
Chuẩn bị thêm xe tăng cường
Các bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) cũng đông đúc người dân đến mua vé về quê.
Ông Đỗ Phú Đạt, phó giám đốc bến xe Miền Đông, cho biết dự báo tổng lượng khách 20 ngày trước và sau Tết đạt khoảng 180.000 người, lượt xe khoảng 9.500 chuyến (tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái).
Theo báo cáo từ các đơn vị vận tải, lượng vé hành khách đặt chỗ các ngày 26, 27 và 28 tháng chạp ước khoảng 99%, riêng các ngày khác ước khoảng 95% theo kế hoạch đề ra.
Có 30/73 đơn vị vận tải đã chuẩn bị xe tăng cường để đáp ứng nhu cầu của hành khách, tăng cường xe vào các ngày 2 đến 7-2 (23 - 28 tháng chạp).
Lộ trình thay thế nếu kẹt xe
Thượng tá Đoàn Văn Quới - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM - cho hay trường hợp xảy ra ùn tắc, cảnh sát giao thông khuyến cáo người dân chọn lộ trình thích hợp để tránh. Cụ thể:
* Khi xảy ra ùn ứ, ùn tắc tại vòng xoay Bình Phước:
- Xe đi trên quốc lộ 13 hướng từ đường Hiệp Bình về vòng xoay Bình Phước có thể rẽ phải về đường Hiệp Bình - Phạm Văn Đồng - vòng xoay Linh Xuân ra quốc lộ 1 hoặc quốc lộ 1K.
- Xe đi trên quốc lộ 13 hướng từ cầu Vĩnh Bình về vòng xoay Bình Phước có thể rẽ phải về quốc lộ 13 cũ để di chuyển ra quốc lộ 1.
* Khi ùn tắc trên quốc lộ 1, từ vòng xoay An Lạc về cầu Bình Điền:
- Tại giao lộ quốc lộ 1 - Dương Đình Cúc: các xe rẽ phải vào Dương Đình Cúc - Nguyễn Cửu Phú.
- Tại giao lộ quốc lộ 1 - Hưng Nhơn: các xe rẽ phải vào Hưng Nhơn - Nguyễn Cửu Phú, tới ngã ba Nguyễn Cửu Phú - Hưng Nhơn rẽ trái về cầu Chợ Đệm.
- Tại giao lộ quốc lộ 1 - Trần Đại Nghĩa: các xe rẽ phải vào Trần Đại Nghĩa - Võ Trần Chí và rẽ trái về ngã ba Bình Thuận - Chợ Đệm để lên cao tốc.
* Khi ùn tắc tại chân cầu vượt An Sương và tuyến quốc lộ 22, đoạn từ vòng xoay An Sương đến giao lộ quốc lộ 22 - Nguyễn Văn Bứa:
- Người dân từ trung tâm TP.HCM đi về hướng Tây Ninh có thể đi theo tuyến Quang Trung - Tô Ký - Lê Thị Hà - song hành quốc lộ 22 - Lê Lợi để ra quốc lộ 22 về Tây Ninh. Xe máy có thể theo lộ trình Trường Chinh - Phan Văn Hớn - Nguyễn Văn Bứa - Đặng Công Bỉnh - dạ cầu An Hạ - quốc lộ 22.
- Về các tỉnh miền Tây: các xe đi thẳng theo lộ trình quốc lộ 1 - Tô Ký - Lý Thường Kiệt - Nguyễn Văn Bứa - về tuyến N2 đi các tỉnh miền Tây.
* Khi xảy ra ùn tắc trên tuyến Võ Nguyên Giáp:
- Hướng cầu Rạch Chiếc về cầu Sài Gòn: các xe từ ngã tư MK đi về đường Đỗ Xuân Hợp đi hướng khác hoặc đi đường Nguyễn Văn Bá - đường số 2 - Phạm Văn Đồng.
- Hướng từ cầu Sài Gòn về cầu Rạch Chiếc: các xe từ đường Điện Biên Phủ quay đầu gầm cầu Sài Gòn đường Nguyễn Hữu Cảnh đi hướng khác, tại vòng xoay Hàng Xanh các xe rẽ trái vào Xô Viết Nghệ Tĩnh để ra Phạm Văn Đồng hoặc tại vòng xoay Hàng Xanh rẽ phải vào Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Văn Lạc - Ngô Tất Tố - cầu Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc - Đỗ Xuân Hợp ra đường Võ Nguyên Giáp hoặc đi thẳng đến Võ Chí Công - qua Khu công nghệ cao để ra Võ Nguyên Giáp.
* Khi xảy ra ùn tắc phà Cát Lái:
- Hướng từ cảng Cát Lái về đường Mai Chí Thọ: các xe đi Võ Chí Công để đi hướng khác.
- Hướng từ đường Mai Chí Thọ về cảng Cát Lái: các xe từ Võ Nguyên Giáp không vào đường Mai Chí Thọ mà đi thẳng xa lộ Hà Nội để đi hướng khác.
* Khi xảy ra ùn tắc tại nút giao An Phú:
- Hướng từ hầm Thủ Thiêm đi cao tốc: người dân có thể rẽ vào đi đường song hành cao tốc đến vòng xoay Phú Hữu vào cao tốc hoặc đi đường Nguyễn Duy Trinh đến vòng xoay Phú Hữu lên cao tốc.
- Người dân có thể đi thẳng ra đường Võ Nguyên Giáp để rẽ vào đường Đỗ Xuân Hợp rồi rẽ vào Nguyễn Duy Trinh để lên cao tốc.
Ngày 3-2, nhiều gia đình bắt đầu hành trình về quê ăn Tết cùng với việc người dân đổ đi mua sắm Tết khiến tình hình giao thông tại TP.HCM khá căng thẳng.