Tết Đinh Hợi năm 1947 là một cái Tết đáng nhớ của dân Hàng Đường nói riêng và cả Hà Nội nói chung.
Lúc đó, tôi đang trong bụng mẹ nên không biết; nhưng sau này được nghe kể lại, thời điểm đó quân dân Hà Nội đang trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô ác liệt nên phố tôi không họp chợ.
Tuy nhiên, những gia đình làm bánh kẹo đã dự trữ sẵn bột nếp, bột tẻ, đường, sữa, mỡ... từ trước để Tết Đinh Hợi năm đó, phố Hàng Đường vẫn có đủ bánh kẹo cung cấp cho bà con, quân dân Hà Nội ngay trong những tình huống tưởng chừng không thể có Tết được.
Sang thời tạm chiếm (1947 - 1954), khu ngoại thành Hà Nội đâu đó vẫn còn tiếng súng nhưng khu nội thành có những cái Tết tương đối thanh bình.
Người dân Hà Nội vẫn sửa soạn và sinh hoạt theo nếp Tết cũ. Quanh khu Hồ Gươm ở phía nhà Thủy Tạ ngày nay thường tổ chức các hội chợ từ thiện.
Tôi nhớ có một năm, người ta còn nối một cây cầu hình con rồng từ bờ đi ra tháp Rùa. Thời đó, vẫn có những người nghèo gánh nước đi các phố vào đêm giao thừa.
Gia đình tôi hay gọi họ vô, đổ nước vào chum vào vại trong nhà (ngụ ý tiền vào như nước), sau đó gửi họ phong bao chúc mừng năm mới. Tiếc là tập tục đó bây giờ không còn.
Ngày 10-10-1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng nên Tết Ất Mùi 1955 lại có một phong vị khác. Người dân Hà Nội có một mùa xuân bình yên, rộn rã, nhiều hồ hởi. Bên cạnh những người từ chiến khu về sum họp với gia đình, cũng có những người nơi khác ăn Tết ở Hà Nội.
Nếu trước đây, vào đêm giao thừa, chỉ những ai (tuổi hợp với năm mới) được phân công đi chùa hái lộc rồi về xông đất cho nhà mình thì những người còn lại thường ở nhà. Song từ Tết Ất Mùi, có vẻ mọi thứ đã khác.
Lúc đó cộng đồng người miền Nam tập kết ra Bắc khá đông, thường sinh hoạt tại hội Khai Trí Tiến Đức (quán Lục Thủy ngày nay). Bà con hát bài chòi, đờn ca tài tử... Có nhiều người Nam không chịu được cái rét của miền Bắc nên quấn chăn dạ Nam Định lên bờ hồ gặp gỡ nhau.
Không biết còn nhiều người nhớ không? Một trong những sản phẩm nghệ thuật dân dụng ở Hà Nội rẻ tiền, được bày bán rất nhiều thời đó chính là bức tranh Bờ hồ với hình ảnh rất phổ biến: những cô gái miền Nam quấn khăn rằn, nhìn ra hồ Gươm, trên trời có con chim hòa bình đang bay, ngụ ý mơ ước ngày hòa bình, thống nhất.
Tôi không biết có một cuộc vận động nào không nhưng nghe nói lúc đó bà con phố Hàng Đường, Hàng Gai, Hàng Đào,... ra mời bà con miền Nam vào nhà mình để đón giao thừa cùng. Điều đó khác với quan điểm giao thừa ở trong nhà như trước đây.
Một cái Tết nữa cũng gây ấn tượng mạnh với thế hệ tôi là Tết Quý Sửu 1973 - cái Tết đầu tiên sau giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt. Chúng tôi đi sơ tán tít ở Bắc Ninh nhưng vẫn tìm cách về ăn Tết tại Hà Nội và chứng kiến tất cả khung cảnh 12 ngày đêm huyền thoại.
Tết Năm đó, Mỹ không ném bom nữa, bao người lại đổ về Hà Nội. Giao thừa Quý Sửu cũng là giao thừa đầu tiên Hà Nội bắn pháo hoa sau rất nhiều năm tạm ngưng vì bom đạn. Lúc đó, tôi chuẩn bị lấy vợ, hưởng trọn cái Tết hòa bình hiếm hoi và đặc biệt nhất.
Từ đó trở đi, Hà Nội chỉ toàn là những cái Tết hòa bình.
Sau đó nữa, đất nước bước sang thời bao cấp. Những cái Tết thời bao cấp, nghèo nhưng nghĩ lại cũng có cái sự tốt đẹp của nó. Tôi nhớ lúc đó nhà nào cũng như nhà nào nên người với người sống biết chia sẻ cho nhau.
Cũng bộ tem phiếu đó nhưng người Hà Nội vẫn háo hức xem năm nay trong túi hàng Tết có gì. Bánh kẹo, đường, sữa? Có mấy lạng thịt? Tùy theo tiêu chuẩn của mỗi người mà có cả bánh pháo, chai rượu Tết, xịn hơn có cả bao thuốc lá Điện Biên... Có thế thôi, mà vui!
Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, ba mẹ con chẳng ai bảo ai cùng hướng mắt ra phía cổng. Chúng tôi cùng đợi cha về… Đó là đêm giao thừa duy nhất không có cha ở cạnh.