"Khi nghĩ về nơi khởi đầu và kết thúc của những vầng sáng đẹp. Tôi nói rằng đó là nơi của những người bạn tôi", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trích thơ của đại thi hào người Ireland William Butler Yeats khi tiếp Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam vào tháng 9-2023.
Tháng 12 cùng năm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì tiệc trà khi tiếp Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội. Đưa thơ và trà vào các hoạt động ngoại giao cho thấy sự tinh tế "biết mình, biết người" của nhà lãnh đạo Việt Nam khi tiếp đón lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Việc Tổng bí thư trích thơ của ông William Yeats khiến Tổng thống Biden ngạc nhiên và thích thú vì nhà lãnh đạo Mỹ có tổ tiên là người Ireland.
Đây cũng là cách nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đáp từ Phó tổng thống Biden từng "lẩy" hai câu Kiều "Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời" để nói về tương lai tươi sáng của quan hệ hai nước, khi chủ trì tiệc chiêu đãi tiếp đón ông thăm Mỹ vào tháng 7-2015.
Đối với chuyến thăm của Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm ngoái, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khéo léo giới thiệu văn hóa trà đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Trà không chỉ là biểu tượng của văn hóa và lòng hiếu khách của người Trung Quốc mà còn là thức uống thể hiện sự hiếu khách và tinh tế của Việt Nam, như câu ngạn ngữ: "Khách đến nhà không trà cũng bánh".
"Dùng thơ đáp thơ, trà đáp trà" chính là hai ví dụ trong chuỗi các hoạt động ngoại giao văn hóa gây ấn tượng với dư luận trong nước và thế giới của Việt Nam trong thời gian qua.
Trong năm Quý Mão, có thể thấy rõ Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh việc đưa nội hàm ngoại giao văn hóa vào các chương trình hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo cấp cao.
Như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cùng nhau làm gốm tại làng nghề gốm Chu Đậu (tháng 8-2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng đạp xe dạo phố Hà Nội (tháng 11-2023), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng sách cho Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernández (tháng 4-2023).
Mới nhất, vào tháng 1-2024, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr thưởng thức phong vị Tết Việt ở Hoàng thành Thăng Long, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier uống cà phê trong ngõ Hà Nội…
Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa được xác định là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam thời kỳ hội nhập toàn cầu. Điều đó cho thấy ngoại giao không chỉ là xây dựng quan hệ chính trị và kinh tế mà còn cần giao lưu văn hóa.
Những hình ảnh lãnh đạo cấp cao các nước thong thả dạo bước trên đường phố Hà Nội với sự chứng kiến của đông đảo người dân đã giúp Việt Nam lan tỏa thông điệp về một đất nước Việt Nam giàu lòng hiếu khách, một điểm đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn.
Việc thiết kế cho lãnh đạo cấp cao các nước trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng như uống cà phê, dạo phố, làm gốm Chu Đậu, thưởng thức phong vị Tết cổ truyền… đã góp phần quảng bá hiệu quả nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Điều quan trọng nhất chính là mỗi ý tưởng, mỗi sự kiện ngoại giao văn hóa được Việt Nam tổ chức trong thời gian qua đều xuất phát từ niềm tự hào về văn hóa dân tộc.
Khi sự tự hào văn hóa dân tộc này được nhân rộng trong nhiều tầng lớp xã hội và mỗi người là một sứ giả văn hóa, nó sẽ tạo ra một sức mạnh to lớn để nâng cao vị thế Việt Nam, giúp thắt chặt tình hữu nghị với các nước và tạo dựng môi trường hòa bình phục vụ phát triển.
Trong gần 1 tiếng tham quan, hai vị nguyên thủ Việt Nam và Philippines không chỉ cảm nhận phong vị Tết cổ truyền của người Việt trên ba miền Tổ quốc, mà còn lắng đọng với những dấu ấn thời gian tại trái tim của Thăng Long xưa.