Tàu vũ trụ Crew Dragon thuộc sứ mệnh Axiom 3 đã rời bệ phóng của Trung tâm vũ trụ Kennedy, để bay lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào ngày 18-1, chở theo 4 phi hành gia cùng một số mẫu vật đặc biệt.
Đó là những khối u nhỏ được nhóm nghiên cứu đến từ Đại học California San Diego tạo ra từ các tế bào của bệnh nhân ung thư.
Họ đã thử nghiệm nhiều loại thuốc điều trị ung thư khác nhau lên mẫu vật và tìm ra “công tắc tiêu diệt” căn bệnh quái ác này.
Tiến sĩ Catriona H.M. Jamieson, giáo sư y khoa tại Đại học California San Diego kiêm thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết họ gửi những khối u được điều trị bằng 2 loại thuốc chống ung thư khác nhau.
Cả 2 loại thuốc đều được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận. Chúng có khả năng ngăn chặn ADAR1 - một loại protein giúp kiểm soát phản ứng miễn dịch bẩm sinh, ức chế quá trình sao chép và lây lan của một số loại vi rút như HIV và viêm gan C.
Tuy nhiên khi ADAR1 hoạt động nhiều và dần mất kiểm soát, chúng tạo ra protein ác tính thúc đẩy tế bào ung thư phát triển.
Bị thu hút bởi kết quả ban đầu, nhóm của bà Jamieson tiếp tục thử nghiệm với loại thuốc mới tên rebecsinib. Họ phát hiện rebecsinib ức chế đáng kể sự phát triển của bệnh ung thư so với fedratinib - một loại thuốc điều trị ung thư phổ biến hiện nay.
“Về cơ bản, nó (rebecsinib) ngăn chặn tế bào ung thư vú tự nhân bản. Đây có thể là công tắc tiêu diệt bệnh ung thư”, bà Jamieson khẳng định.
Nhóm nghiên cứu dự định thử nghiệm lâm sàng loại thuốc này tại Trái đất vào cuối năm 2024.
“Đây không phải hy vọng viển vông, mà là kỳ vọng thực tế”, vị chuyên gia nói.
Đây không phải lần đầu tiên tiến sĩ Jamieson cùng đồng nghiệp gửi những mẫu vật kỳ lạ vào không gian. Trước đây, họ từng phóng tế bào gốc vào vũ trụ bằng phi thuyền của SpaceX, thuộc quyền sở hữu của công ty cùng tên do tỉ phú Elon Musk sáng lập.
Môi trường vi trọng lực (trọng lực yếu) ngoài Trái đất khiến các tế bào chịu áp lực đáng kể và nhanh chóng già đi. Hiện tượng này giúp các nhà khoa học quan sát tiến triển và hiệu quả điều trị của bệnh ung thư nhanh hơn gấp nhiều lần.
Trong những lần thử nghiệm trước, nhóm của bà Jamieson nhận thấy những khối u ngoài không gian tăng kích thước gấp 3 lần so với ban đầu chỉ sau 10 ngày.
Protein ADAR1 cũng sinh sôi nảy nở “dữ dội” trong các khối u này.
Phi hành gia người Nga Oleg Kononenko đã trải qua hơn 878 ngày trong không gian và hiện vẫn làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).