Con trai bà, Phạm Ngọc Việt, 37 tuổi, bị TAND TP HCM đưa ra xét xử về tội Giết người, cuối tháng 1.
Bà Thặm trông già hơn so với tuổi, có mặt tại tòa từ sớm cùng vài người bạn và nhân viên cũ của con trai. Suốt thời gian chờ phiên xử bắt đầu, bà đứng lên ngồi xuống mấy bận, mắt dán về cửa phòng xử. Khi Việt được cảnh sát dẫn giải vào, nước mắt bà tuôn thành hàng.
Vợ của ông Vinh (bị hại) cùng ba người con trai có mặt sau đó. Họ mang theo di ảnh nạn nhân, lặng lẽ ngồi cách xa mẹ bị cáo.
Thu mình trước bục khai báo, Việt cúi đầu, hai tay đan chặt vào nhau. Quay người về phía gia đình ông Vinh, bị cáo cúi gập người, nói: "Con xin lỗi cô Loan, xin lỗi các anh".
Theo cáo trạng, Việt thuê nhà cách biệt thự của ông Vinh, 58 tuổi, trên đường 3A phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, khoảng vài trăm mét để mở tiệm bán mỹ phẩm. Hàng ngày, nam thanh niên tập thể dục ở công viên gần đó. Có lần đi ngang nhà ông Vinh, bị ông quét lá cây trúng chân. Ông Vinh không xin lỗi "còn tỏ thái độ khinh thường, nhổ nước bọt xuống đường". Những ngày sau, ông Vinh vẫn tỏ thái độ đó nên Việt nảy sinh ý định trả thù.
Sáng sớm 24/6/2022, anh ta mang chiếc balô đựng áo khoác của hãng xe công nghệ, nón bảo hiểm, giày thể thao, dao... đến giấu trong bụi cây gần biệt thự của ông Vinh. Sau vài vòng chạy quanh công viên gần đó, Việt quay lại nơi giấu balô lấy đồ rồi tiếp cận căn biệt thự. Khi ông Vinh thức dậy mở cổng, Việt xông vào chửi mắng rồi đâm nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong. Việt vứt dao tại hiện trường, bỏ trốn.
Trong lúc đại diện VKS công bố cáo trạng, bà Thặm luôn chắp tay khấn, nước mắt trực trào.
Trả lời HĐXX, Việt thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung cáo trạng, đầu vẫn cúi gằm.
Để làm rõ động cơ phạm tội của bị cáo, chủ tọa yêu cầu Việt nhìn thẳng vào HĐXX, hỏi: "Nếu sự việc chỉ như cáo trạng mô tả thì lý do bị cáo giết người rất đơn giản. Phải có khuất tất gì, hai bên đối thoại thế nào, mâu thuẫn thế nào mà đến mức đâm người ta chết?".
Việt lý nhí: "Những cử chỉ, ánh nhìn, thái độ của chú Vinh khiến bị cáo cảm nhận rằng chú nghĩ nhà chú giàu, mình nhìn vào nhà để thực hiện hành vi xấu. Bị cáo cảm thấy bị khiêu khích".
"Mâu thuẫn đơn giản chỉ là ánh nhìn, nếu không thích thì mình né đi chỗ khác, sao phải ra tay với bị hại như vậy?", chủ tọa chất vấn. Ngập ngừng, Việt đáp: "Bản thân bị cáo kinh doanh ở khu vực này đã 5 năm. Ai gặp bị cáo cũng có thể nhận ra và biết bị cáo sống thế nào".
Bị cáo cho rằng bản thân không có ý định đoạt mạng nạn nhân nhưng không lý giải được tại sao lại hành xử như vậy. Việt sau đó cho biết, có thể vì thời điểm đó có quá nhiều chuyện xảy ra với mình, công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn do Covid-19, một lô hàng lớn nhập về không thể thông quan... khiến bị cáo khủng hoảng tâm lý dẫn đến trầm cảm.
"Bị cáo có vợ là người Hàn Quốc, cuộc sống vợ chồng không có sự liên kết dẫn đến nhiều mâu thuẫn. Bị cáo từng cầm cố nhà để lấy tiền gửi sang Hàn Quốc cho mẹ vợ phẫu thuật nhưng bao nhiêu cũng không đủ. Vợ bị cáo ôm con về nước cắt đứt liên lạc. Bị cáo cảm thấy đơn độc", Việt nói, thêm rằng cảm thấy rất day dứt, không muốn khai thêm nữa để biện minh cho mình.
Về việc khắc phục hậu quả, bị cáo cho biết đã uỷ quyền cho luật sư thương lượng với bên cầm cố, chuộc lại một phần giá trị căn nhà để lấy tiền bồi thường, bù đắp một phần mất mát cho gia đình nạn nhân.
Trình bày với tòa, con trai ông Vinh nói, đến giờ gia đình vẫn không thể hiểu được lý do Việt ra tay tàn nhẫn với cha mình. Về số tiền 200 triệu đồng mẹ bị cáo mới nộp thêm để khắc phục một phần thiệt hại, anh băn khoăn: "Nếu gia đình chúng tôi nhận, bị cáo có được hưởng tình tiết giảm nhẹ không?". Sau khi được chủ tọa phân tích, anh quyết định từ chối nhận bồi thường và đề nghị tòa "xử mức án nghiêm khắc nhất đối với bị cáo".
Được tòa gọi, bà Thặm hấp tấp bước lên, chắp tay trước ngực. Giọng run rẩy, bà nói: "Tôi không xin tội cho con. Nhưng tôi chỉ có một người con trai duy nhất, xin tòa mở lòng từ bi, xin gia đình nạn nhân tha thứ cho con tôi, cho con tôi một cơ hội được sống".
Bà bất ngờ quỳ sụp xuống, ngước gương mặt đầy nước mắt về HĐXX, rồi quay sang phía vợ và các con của ông Vinh liên tục lạy: "Tôi không biết nói gì hơn. Trăm nghìn lần xin chị và các cháu hãy tha thứ cho tội lỗi của con tôi. Hãy cho cháu cơ hội được sống, nếu có phải làm trâu ngựa gì tôi cũng sẵn lòng".
Cảnh sát bảo vệ phiên tòa đỡ bà Thẳm lên. Sau ít phút bình tâm, bà cho biết, lúc đầu gia đình ông Vinh có cho bà đến thắp nhang, nhưng sau đó từ chối gặp mặt. Sau khi xảy ra vụ án, gia đình bà đã nộp 50 triệu đồng và trước phiên tòa bà có khắc phục thêm 200 triệu. Gia đình bà sẽ cố gắng thu xếp tiền để bồi thường thêm.
Chủ tọa lần lượt hỏi ý kiến vợ và hai người con của bị hại, song họ đều từ chối. "Bị cáo quá tàn nhẫn, không thể chấp nhận được hành vi đó. Đề nghị tòa xử đúng người đúng tội. Chúng tôi không cần bồi thường", vợ ông Vinh nói.
Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKS đánh giá hành vi của Việt mang tính côn đồ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã khắc phục một phần thiệt hại, dù gia đình bị hại không nhận... nên đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo mức án tù chung thân.
Được nói lời sau cùng, Việt một lần nữa quay xuống xin lỗi gia đình nạn nhân và xin được tha thứ. Bị cáo nói sau hơn 19 tháng bị giam trong bốn bức tường đã hàng nghìn lần tự hỏi bản thân nhưng không lý giải được vì sao lại thực hiện hành vi như vậy.
"Hai ngày trước khi xảy ra vụ án cũng là ngày sinh nhật con gái bị cáo. Bị cáo gọi điện cho vợ kêu mang con về nhưng không được. Bị cáo từng nghĩ đến cái chết để giải thoát nhưng đã không đủ bản lĩnh. Chỉ trong giây phút tối tăm của cuộc sống, bị cáo đã không làm chủ được bản thân, gây ra tội ác", Việt phân trần.
Nhìn nhận hành vi của mình là "không xứng đáng được tha thứ", song Việt cầu xin: "Vì mẹ già và đứa con thơ của cháu, xin hãy cho cháu một cơ hội được làm lại cuộc đời. Cháu sẵn sàng làm mọi thứ có thể, nếu được phép, để bù đắp mất mát cho gia đình cô".
Giờ nghị án, bà Thặm tiến gần từng người nhà ông Vinh, một lần nữa xin họ tha thứ cho con trai. Đáp lại chỉ là sự im lặng.
Theo HĐXX, Việt có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục thiệt hại dù gia đình nạn nhân không nhận... Tuy nhiên, do tính chất và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, tòa tuyên phạt bị cáo mức án tử hình.
Bà Thặm khóc nấc, ngã quỵ. Gọi với theo Việt đang bị cảnh sát đưa ra xe về trại giam, giọng bà lạc đi: "Con ơi, nhớ kháng cáo".
Hải Duyên
Xem thêm: lmth.0468074-iol-iot-noc-aud-ohc-gnos-ioh-oc-nix-uac-em-iougn/ten.sserpxenv