Nhiều thành phần dinh dưỡng
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết trong y học cổ truyền, người xưa rất coi trọng mộc nhĩ trong việc cung cấp dinh dưỡng và phòng chống bệnh tật cho cơ thể. Nó được dùng nhiều dạng khác nhau như: xào nấu, sấy khô tán bột uống hoặc bôi đắp.
Mộc nhĩ đen là quả thể của nấm thực vật thuộc giống auricularia. Trong y học cổ truyền, mộc nhĩ đen có vị ngọt, tính bình, có công dụng lương huyết chỉ huyết, ích khí dưỡng huyết, nhuận phế ích vị, nhuận táo lợi tràng, là thực phẩm lý tưởng cho những người bị cao huyết áp, vữa xơ động mạch, thiểu năng tuần hoàn não, thiểu năng động mạch vành và ung thư…
Nghiên cứu hiện đại cho thấy trong 100g mộc nhĩ ăn được cung cấp 312 Kcal năng lượng, 11,4g nước, 10,6g protein, 0,2g lipit, 65,5g gluxit, 7,0g xenluloza, 63mg natri, 856mg kali, 375mg canxi, 201mg phốt pho, 56,1mg sắt và rất nhiều vitamin beta carote, B1, B2, PP…
Trong đó, hàm lượng protid tương đương với thịt, sắt cao gấp 10 lần so với thịt, canxi cao gấp 20 lần so với thịt, vitamin B2 cao gấp 10 lần so với rau. Đặc biệt, hàm lượng sắt rất cao so với nhiều loại thực phẩm giàu chất sắt khác như rau cần, vừng, gan lợn...
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy mộc nhĩ đen có khả năng ngăn cản sự hình thành các mảng vữa xơ trong lòng huyết quản, phòng chống tình trạng đông máu do nghẽn mạch, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu…
Đối với những người mắc bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch, các chức năng tuần hoàn não, động mạch vành… thì việc tăng cường sử dụng mộc nhĩ đen trong thực phẩm sẽ có tác dụng rất tốt.
Bên cạnh đó, chất keo thực vật trong mộc nhĩ đen sẽ có tác dụng gom các bụi đất, tạp chất còn tồn dư trong đường tiêu hóa để cơ thể đào thải ra ngoài dễ dàng, góp phần làm sạch dạ dày và bộ máy tiêu hóa. Không những thế, mộc nhĩ còn có tác dụng chống lão hóa, kháng khuẩn, chống phóng xạ và ức chế một số chủng tế bào ung thư.
Món ăn ngon, trị bệnh tốt
Theo bác sĩ Toàn, biết cách thay mộc nhĩ từ nguyên liệu phụ thành chính không chỉ là thực phẩm lý tưởng cho người bị loãng xương, cao huyết áp, tim mạch, mỡ máu, thiểu năng tuần hoàn não… mà còn phòng và chữa trị một số bệnh ung thư. Các món ăn này vừa ngon, vừa dễ chế biến.
- Cầm máu, phòng ung thư: Nấm hương 15g, mộc nhĩ đen 15g, hải sâm 100g, gừng, tỏi và gia vị vừa đủ. Xào qua hải sâm rồi cho nấm hương và mộc nhĩ vào, cho thêm tỏi giã nát, gừng tươi thái chỉ, gia vị, đun thêm vài phút là được.
Công dụng: Ích khí, bổ âm, cầm máu, tiêu viêm và phòng chống ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày.
- Xơ vữa động mạch: Mộc nhĩ 5g, đại táo 5 quả, gạo tẻ 100g, đường phèn vừa đủ. Hai thứ đem nấu với gạo thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: tư âm nhuận phế, kiện tỳ chỉ huyết, bổ não cường tim và kháng ung, dùng thích hợp cho những người bị ho lâu ngày cơ thể suy nhược, thổ huyết, kinh nguyệt không đều, tăng huyết áp, bệnh mạch vành tim, vữa xơ động mạch, ung thư...
- Huyết áp cao: Mộc nhĩ 10g rửa sạch, cho thêm nước bỏ vào nồi đun một giờ, sau đó cho thêm đường phèn vừa đủ, uống trước lúc đi ngủ. Hoặc mộc nhĩ 5g, đậu phụ 200g, hai thứ nấu thành canh ăn thường xuyên
- Xuất huyết tử cung: Mộc nhĩ 30g, đường đỏ 20g. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch, nấu nhừ rồi cho đường đỏ vào, đánh nhuyễn, chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: lương huyết chỉ huyết, giáng áp, dùng thích hợp cho những người bị xuất huyết tử cung cơ năng và cao huyết áp.
- Tiểu đường: Mộc nhĩ và biển đậu lượng bằng nhau, sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 9g. Công dụng: phòng chống bệnh tiểu đường.
- Bổ can thận: Mộc nhĩ 60g, vừng đen 15g. Mộc nhĩ một nửa sao cháy, một nửa sao khô, vừng đen sao thơm, tất cả tán vụn trộn đều, mỗi ngày lấy 6g hãm với 120ml nước sôi, uống thay trà. Công dụng: tư bổ can thận, kiện não ích trí, dùng lâu rất có lợi cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
- Động mạch vành tim: Mộc nhĩ 60g, vừng đen 15g. Mộc nhĩ một nửa sao cháy, một nửa sao khô, vừng đen sao thơm, tất cả tán vụn trộn đều, mỗi ngày lấy 6g hãm với 120 ml nước sôi, uống thay trà.
Công dụng: tư bổ can thận, kiện não ích trí, dùng lâu rất có lợi cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
- Táo bón: Mỗi ngày ăn thường xuyên từ 10-20g mộc nhĩ đen có thể phòng chống hữu hiệu tình trạng táo bón. Lưu ý: những người bị đi lỏng mạn tính do viêm đại tràng, hoặc viêm dạ dày mạn tính thì không nên ăn mộc nhĩ đen.
Dùng không đúng cách nguy cơ với sức khỏe
Bác sĩ Đinh Minh Trí (Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết trong dịp Tết, nhiều gia đình có thói quen ngâm mộc nhĩ từ đêm hôm trước để hôm sau sẵn sàng làm cỗ cúng.
Tuy nhiên, mộc nhĩ chỉ nên ngâm trong thời gian ngắn, ngâm trong nhiều ngày dễ biến chất và sinh ra aflatoxin - đây là một loại độc tố nấm mốc gây ung thư gan và làm tổn thương mô gan.
Mộc nhĩ không được ngâm quá 8 tiếng, nếu không các vi khuẩn sẽ sản sinh gấp nhiều lần. Đã từng có trường hợp tử vong vì ăn mộc nhĩ ngâm lâu nhiều ngày, nên mọi người cần phải hết sức lưu ý.
Hơn nữa, có rất nhiều người nhầm tưởng rằng mộc nhĩ dù ngâm trong nước nóng hay lạnh cũng đều không có sự khác biệt. Nhưng sự thực là mộc nhĩ ngâm trong nước nóng sẽ không có lợi cho cơ thể.
Sở dĩ mộc nhĩ cần ngâm trước khi chế biến là vì chúng thường mọc ở các thân cây khô, gỗ mục, ẩm ướt nên có tỉ lệ gặp nấm mốc rất cao. Quá trình ngâm sẽ giúp mộc nhĩ loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc.
Tuy nhiên, việc ngâm mộc nhĩ bằng nước nóng sẽ khiến chúng nở quá nhanh, dễ bị nhũn, dính, không ngon; đồng thời không có đủ thời gan để mộc nhĩ thẩm thấu dần như khi được ngâm bằng nước lạnh, khiến các loại nấm mốc không kịp hòa tan trong nước.
Mộc nhĩ nên ngâm bằng nước lạnh vì trong nhiệt độ thấp thực phẩm này sẽ nở dần ra, các loại nấm mốc, bụi bẩn sẽ tan trong nước và dễ cọ rửa.
Để an toàn cho sức khỏe, mọi người chỉ nên ăn mộc nhĩ khô được ngâm trong nước lạnh từ 15-20 phút, rửa sạch, cắt chân trước khi chế biến.
Nhiều người có thói quen ngâm mộc nhĩ trong nước nóng vì nghĩ rằng nước ở nhiệt độ cao có thể loại bỏ hết vi khuẩn. Thế nhưng, đây là quan điểm sai lầm.