Xuân này mời mọi người cùng ghé quê tôi chơi nhé.
Cách thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 100km và cũng chỉ cách phố cổ Thành Nam tầm vài chục phút chạy xe, Giao Thủy là một miền quê giao thoa giữa văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của vùng đồng bằng Sông Hồng. Xen lẫn, hòa quyện vào đó là những kiến trúc Gothic của nhà nhà thờ Công giáo với cộng đồng giáo dân sống thiện hòa cùng nhau.
Một điều đặc biệt là có thể nhiều người đã từng nghe đến các địa danh như bãi tắm Quất Lâm, Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Đó chính là những thắng cảnh của mảnh đất Giao Thủy này.
"Lạc Quần" về với Giao Thủy
Để về đến Giao Thủy, các bạn sẽ đi qua cây cầu Lạc Quần bắc qua dòng sông Ninh Cơ. Cái tên Lạc Quần nghe qua thì có thể thấy khá là hài hước, tuy nhiên lại mang một ý nghĩa sâu xa, đầy trắc dụ.
Lạc thể hiện sự an lạc, bình yên; còn Quần thể hiện ước muốn quần hội, quây quần của người dân xa xứ mỗi lần về quê được tụ họp, đông vui bên gia đình, người thân và hàng xóm láng giềng.
Có lẽ, chính bởi vậy mà các xã tại Giao Thủy như Giao Thiện, Giao An, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Hương là những cái tên thân thương và khát vọng mỗi dịp "Tết đến Xuân về" sẽ luôn được thiện lành.
Văn hóa, lịch sử văn hiến
Giao Thủy gắn liền với văn hóa quai đê lấn biển tự bao đời. Hàng trăm năm về trước, mảnh đất này chỉ là bãi bồi phù sa hạ nguồn sông Hồng, khi mà dòng nước vẫn còn mạnh và chưa có đê sông chắc chắn.
Chính người dân, bằng sự đồng lòng, chung sức và đoàn kết đã cùng nhau trị thủy, vun đắp lên những triền đê vững chãi và đào thêm những con kênh, con mương xuyên suốt, dọc dài mảnh đất này.
Bởi vậy mà, ai đến Giao Thủy cũng bất ngờ vì mảnh đất này thật nhiều sông nước.
Cũng chính văn hóa tốt đẹp đó, mà miền quê Giao Thủy được mệnh danh là mảnh đất Lục Hoành" với những địa danh thật kỳ vĩ như Hoành Nha, Hoành Nhị, Hoành Lộ, Hoành Sơn. Thị trấn Ngô Đồng hiện nay được đặt theo giai thoại xưa cũ người dân đã tận dụng cây ngô đồng để ngăn dòng nước lũ ập đến, bảo vệ xóm làng.
Ngoài cảm giác khoan khoái khi đi dọc các dòng sông xanh mát hay những triền đê, du khách khi đến Giao Thủy còn được ghé thăm các chợ truyền thống hàng trăm năm tuổi, nơi bày bán thuỷ hải sản tươi rói, mơn mởn, mới được chuyển từ các bến cá Giao Hải, Giao Long về.
Đó là các chợ nơi các bà, các cô, các chị sớm hôm tảo tần, buôn gánh bán bưng để lo cho con cháu ăn học.
Có thể kể đến như chợ Bể (Giao Nhân), chợ Hoành Nha (Giao Tiến), chợ Bến (Giao Yến), chợ Bến (Giao Phong). Mỗi chợ lại có những sản vật riêng và những nét cổ kính riêng.
Không chỉ vậy, những món bánh trái của Giao Thủy cũng nức tiếng gần xa từ lâu khi được thưởng thức tại chính những chợ quê này, như nem nắm Giao Thủy, bánh gai, bánh thuẫn, cơm nếp mật... thì hương vị lại càng đậm đà, chân chất hơn nữa.
Tết đến, các hội làng tại Giao Thủy như hội làng Hoành Nha (vào ngày 14, 15 tháng Giêng) tổ chức các hoạt động văn hóa sôi nổi như rước kiệu, đua thuyền, kéo co... mà bất cứ ai cũng có thể tham dự, chung vui.
Ngoài ra, dịp này cũng là thời điểm lý tưởng để mọi người chiêm bái, trải nghiệm Bảo tàng Đồng quê, nơi lưu giữ những cổ vật đặc trưng Bắc Bộ và các gian nhà lưu niệm ấm cúng.
Cùng với đó, du khách không nên bỏ lỡ du xuân tới Vườn quốc gia Xuân Thủy - "ga chim quốc tế". Mùa này có rất nhiều loài chim quý hiếm về đây, và cũng là thời điểm thích hợp thưởng thức thuỷ hải sản đậm đà nhờ dòng phù sa của sông Hồng.
Nếu có thêm thời gian, việc thong dong qua những ngôi chùa và các nhà thờ kiến trúc Gothic Âu Châu tại Giao Thủy như nhà thờ Sa Châu, nhà thờ Lạc Nội, nhà thờ Đại Đồng Hồng Thuận... cũng là một cách để cho lòng được an yên, an hòa.
Một năm mới Giáp Thìn đang đến, là một người yêu quê hương da diết, tôi mong muốn quê hương Giao Thủy của mình sẽ tựa như cái tên của mảnh đất nông trường Bạch Long, sẽ trở thành "Rồng Trắng" vươn mình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và là một điểm du lịch sinh thái, văn hoá tốt đẹp, được nhiều người biết đến và mến mộ.
Mong cho sự lạc quần, an lạc, vui tươi, hạnh phúc đến với mọi người dân trên mảnh đất này và đất nước Việt Nam của chúng ta.
Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Ao ước ngày còn bé của tôi chỉ đơn thuần là được rời khỏi dãy núi xa. Nhưng khi giấc mơ thành sự thật, tôi lại chẳng cảm thấy hạnh phúc bằng những năm tháng được ở cạnh bố mẹ ở vùng cao nguyên gió lộng, bát ngát mây trời.