Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) thông báo họ ghi nhận lượng mưa “đáng kinh ngạc” tại thành phố Los Angeles (bang California) từ ngày 4 đến 5-2. Nước mưa dâng cao đến 0,3m chỉ trong vòng 24 tiếng và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ngoài ra người dân sinh sống tại đó cùng một số khu vực lân cận còn phải chống chọi với mưa lớn, sạt lở và gió giật mạnh liên tiếp, dự kiến kéo dài trong nhiều tuần tiếp theo.
Đến sáng 6-2, chính quyền địa phương xác nhận đã có ít nhất 3 người thiệt mạng.
Đây là hậu quả của một hiện tượng thời tiết mang tên “sông khí quyển” hay còn gọi là sông trên trời.
Chúng là những chùm khí ẩm dài trên 2.000km, rộng dưới 1.000km (thường là khoảng 400-600km) và chứa lượng hơi nước khổng lồ, gấp nhiều lần so với sông Amazon.
Sông khí quyển xuất hiện lần đầu tiên tại bang California vào năm 2017 và quay lại ngày càng thường xuyên. Theo ước tính của viện hải dương học Scripps, có đến 46 sông khí quyển đổ bộ bờ Tây Mỹ trong năm 2023.
Tuy nhiên, cơn bão mới nhất không phải do sông khí quyển thường thấy gây ra.
Nó là sông “Pineapple Express” thứ 2 chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, đây là biệt danh của sông khí quyển siêu mạnh có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Thái Bình Dương.
Ông Ariel Cohen, nhà khí tượng học tại NWS, cho biết đây là sông khí quyển lớn thứ 3 trong lịch sử kể từ năm 1870.
Chính quyền địa phương phải huy động lực lượng cứu hỏa tham gia giải cứu nhiều người dân bị mắc kẹt trong xe do lũ ngập, đồng thời sơ tán cư dân sống ở nơi có nguy cơ bị sạt lở đặc biệt cao.
Họ cho biết khoảng 20 triệu cư dân ở 8 quận trong khu vực đang đối mặt với nguy hiểm.
Nhà Trắng thông báo rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận với thống đốc bang California (Gavin Newsom) và thị trưởng thành phố Los Angeles (Karen Bass), ông cam kết cung cấp viện trợ cho các khu vực chịu ảnh hưởng.
Kỳ nghỉ cuối tuần của người dân Mỹ bỗng chốc trở thành một mùa đông khủng khiếp và lạnh thấu xương do bão tuyết, ảnh hưởng của bão Bắc Cực.