Trong một hội nhóm trên Facebook ở Việt Nam, chủ xe mang ô tô đi bảo dưỡng cho biết mình đã gặp phải khó khăn khi thanh toán. Theo đó, nếu muốn dùng thẻ thì phải trả thêm phí quẹt thẻ 1,8%. Vì tiếc số tiền này, chủ xe quyết định chuyển khoản thì được nhân viên đưa cho mã QR tài khoản cá nhân, thay vì của công ty.
Thấy bất hợp lý, người này đã đăng đàn hỏi cộng đồng mạng, liệu các hình thức thanh toán như vậy có hợp pháp?
Vấn đề này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, có tới hơn 1.000 bình luận.
Một số người cho biết thu phí quẹt thẻ là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam.
- Nhiều đại lý cũng làm như vậy.
- Quyết định của công ty nhân viên cứ thế áp dụng. Công ty muốn khách hàng chịu phần phí của ngân hàng thôi. Trên phố cổ (Hà Nội), nhà hàng khách sạn toàn thu 3% không phân biệt loại thẻ.
- Tiền dưới dạng nào thì khách cũng là người bị cắt thôi. Thay vì bán 100.000 thu 3.000 đồng phí thì sẽ đổi thành bán 103.000 đồng không thu phí cà thẻ.
Nhưng cũng có người chỉ ra mình chưa từng bị thu phí quẹt thẻ khi làm dịch vụ ở đại lý ô tô. Có những người thẳng thắn chỉ là thu phí như vậy là không đúng luật.
- Tôi cũng đi phố cổ nhiều mà có bị tính phí cà thẻ đâu.
- Dịch vụ kém. Lần sau đi đại lý khác mà làm. Tôi toàn đi bảo dưỡng quẹt thẻ đây, không bao giờ phải trả phí cà.
- Thanh toán thẻ là để kích thích tiêu dùng không tiền mặt mà các cơ sở kinh doanh đang làm ngược lại.
- Các anh cứ treo giá 103.000 đồng để nhường đất cho người đặt giá 100.000 đồng mà không thu phí cà thẻ.
- Tôi mở cửa hàng ở phố cổ đây. Ai nói cứ phố cổ là tính phí 3%. Làm ăn không đầu không đuôi mới thế thôi.
Phí quẹt hiểu đơn giản là ngân hàng thu phí dịch vụ. Nhưng dịch vụ quẹt thẻ là anh là người sử dụng sử dụng dịch vụ đó để thu tiền thì anh phải trả.
Còn khách đến ăn nhà hàng là khách của anh chứ có phải khách của ngân hàng đâu mà bắt người ta trả.
- Nếu cảm thấy lãi ít thì cửa hàng đó không cung cấp dịch vụ quẹt thẻ ngay từ đầu. Chứ đã có rồi thu phí cảm thấy rất bực mình.
Về vấn đề chuyển khoản qua tài khoản cá nhân, một số cho rằng đây cũng là chuyện thường thấy. Chỉ cần có biên lai thu tiền sẽ không có gì đáng ngại.
Tuy nhiên, cũng có người bày tỏ quan ngại liệu đây có phải hình thức trốn thuế. "Tiền sửa xe bảo dưỡng thay dầu, thay thế... trong một vòng đời khoảng 10 năm cũng chiếm cỡ 50% giá trị xe ban đầu đấy. Nó rất lớn nên khả năng né thuế khá cao", một người dùng viết.
Thông tư 19/2016/TT-NHNN có nêu rõ:
- Chỉ tổ chức phát hành thẻ được thu phí của chủ thẻ. Tổ chức phát hành thẻ thu phí theo Biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức mình và không được thu thêm bất kỳ loại phí nào ngoài Biểu phí đã công bố. (Điều 5)
- Cấm thực hiện giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ). (Khoản 2 Điều 8)
- Cấm đơn vị chấp nhận thẻ thu phụ phí hoặc phân biệt giá khi chủ thẻ thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ. (Khoản 3 Điều 8)
TTO - Dịch COVID-19 đã giúp giao dịch thanh toán không tiền mặt bùng nổ, nhất là những khoản thanh toán nhỏ như mua ly nước, bó rau, ký thịt... Thay vì mua và trả bằng tiền mặt như trước kia, nhiều người tiêu dùng chọn hình thức cà thẻ.