Báo cáo tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương sáng 6/2, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mipecorp Nguyễn Như Chiến cho biết doanh nghiệp này nhập đủ xăng dầu theo kế hoạch được phân giao nên đảm bảo nguồn cung dịp Tết và cả năm 2024. Năm nay, Mipecorp được giao hạn ngạch tăng 30% so với kế hoạch năm 2023, tăng 18% so với thực hiện của năm 2023.
Tương tự, ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn ngay từ cuối năm 2023 với kế hoạch nhập khẩu dài hạn đáp ứng khoảng 70% lượng hàng dự kiến bán ra.
Riêng trong tháng 1, Petrolimex nhập khẩu trên 1 triệu m3 xăng dầu các loại, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Con số này cũng tăng khoảng 10% so với tổng nguồn được phân giao bình quân một tháng. Tập đoàn cũng lên các kịch bản để ứng phó với những tình huống khác nhau.
Ở phía Nam, theo ông Võ Văn Tân, Chủ tịch Công ty xăng dầu Khu vực II, tổng nguồn xăng dầu từ ngày 5/2 đến ngày 20/2 tại Tổng kho Nhà Bè là 650.000 m3, đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết với số ngày lưu thông 31 ngày (ở mức cao điểm). Trong đó, xăng đủ lưu thông 38 ngày, dầu diesel 27 ngày.
Cũng theo ông Võ Văn Tân, hiện Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè đã xây dựng các phương án, bố trí lao động trực, xuất xăng dầu tất cả ngày trong dịp Lễ (trừ mùng 1 Tết). Tại Chi nhánh Xăng dầu Sài Gòn, 100% các cửa hàng phục vụ xuyên Tết, trong đó các cửa hàng nội thành 24/24, ngoại thành từ 5h-20h.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cung ứng xăng dầu năm 2024 dự báo tiếp tục khó khăn do địa chính trị thế giới phức tạp. Những yếu tố có thể gây đứt gãy nguồn cung được kể tới như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột tại Ukraine, dải Gaza có thể còn kéo dài, nguy cơ xung đột tại khu vực Biển Đỏ...
Cùng đó, OPEC dự kiến tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ, kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm, triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung và giá cả xăng dầu thế giới.
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp như Petrolimex, Mipecorp phải phát triển mạng lưới, chủ động xây dựng các phương án dự phòng, đảm bảo đủ xăng, dầu cho nền kinh tế.
Ông đề nghị doanh nghiệp bám sát diễn biến thị trường, bố trí nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường trong và sau dịp Tết.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 gần 28,42 triệu m3/tấn các loại (tăng 2,4 triệu tấn/m3 so với năm 2023). Để lo đủ xăng dầu cho thị trường, kịch bản điều hành được Bộ Công thương đề xuất là thực hiện theo từng tháng và hàng quý. Trong tình huống bất thường, doanh nghiệp chủ động phản ánh đề xuất cơ chế chính sách hoặc các giải pháp tình thế với cơ quan quản lý nhà nước.
Phương Dung