Đó là những gì phía Saudi Arabia đã nói với Mỹ, theo như thông báo của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 7-2. Saudi Arabia và Israel vốn không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Niềm hy vọng về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên sáng lên trong vài năm qua, trước khi Israel khai chiến với tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine.
Hành động của Israel được xem là lời đáp trả đối với việc Hamas tấn công lãnh thổ Israel ngày 7-10-2023, làm chết hơn 1.000 người.
Trong chiến dịch quyết "xóa sổ Hamas" tại Dải Gaza, Israel gặp phản ứng mạnh từ các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông cũng như nhiều nước khác vì tình hình nhân đạo của người dân thường Palestine.
Theo lời những nguồn thạo tin nói với Reuters từ tháng 10-2023, Saudi Arabia đã tạm dừng nỗ lực hòa giải với Israel khi căng thẳng Israel - Hamas leo thang.
Dù phản ứng tương đối chừng mực tính tới nay, Saudi Arabia vẫn đứng về phía người Hồi giáo Palestine.
Trong phần nội dung trao đổi với phía Mỹ nêu trên, phía Saudi nói rõ điều kiện hòa giải và lập quan hệ ngoại giao với Israel là phải bao gồm chuyện công nhận một nhà nước Palestine độc lập.
Trước đó, trong hôm 6-2, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận phản hồi tích cực từ Saudi Arabia và Israel, rằng hai nước này sẵn sàng tiếp tục các thảo luận bình thường hóa quan hệ.
Dù vậy, phía Saudi Arabia đã tiết lộ thêm chi tiết về các "phản hồi tích cực" mà ông Kirby nhắc tới, bằng cách nhấn mạnh lập trường lâu nay của Riyadh.
Ngày 4-2, Hamas tiếp tục tấn công lực lượng Israel tại hai thành phố chính của Dải Gaza, vài tuần sau khi bị quân đội và xe tăng Israel bao vây.