
Tôm lụi thường được làm từ tôm sú hoặc tôm thẻ tươi sống, có kích cỡ lớn để đảm bảo có độ ngọt, dai - Ảnh: THANH HUYỀN
Tôm để lụi thường là tôm thẻ hoặc tôm sú tự nhiên còn tươi sống. Sau khi rửa sạch, lột vỏ, tôm được giữ lại phần vỏ của đuôi cho bắt mắt. Tôm lột xong sẽ được người làm ướp gia vị và dùng các cọng sống dừa vót nhỏ để lụi tôm, mỗi xâu từ 10 đến 20 con tôm.
Tôm được xỏ lụi ngang phần đầu và khoảng giữa thân. Sau đó, dùng dao hoặc chày đập nhẹ tôm cho dẹp ra để mau khô hơn.

Tôm lụi được bóc sạch vỏ, chừa lại phần vỏ đuôi tôm cho đẹp mắt - Ảnh: THANH HUYỀN
Các xâu tôm sẽ treo lên cây cho tôm bắt được nắng, mau khô. Tôm phơi khoảng một ngày thì khô và đóng gói để trữ tủ lạnh dùng dần. Trung bình 3 ký tôm tươi sẽ cho ra được 1 ký tôm lụi khô.
Ngày nay, ngoài một số hộ dân làm truyền thống để dành ăn những ngày Tết thì có nhiều cơ sở sản xuất tôm lụi để bán ra thị trường. Sản xuất theo quy mô nhà xưởng thì tôm sẽ được phơi khô trong nhà kính để đảm bảo không có ruồi và bụi bẩn.

Nhiều người dân đầu tư hẳn nhà kính để phơi tôm lụi đảm bảo vệ sinh - Ảnh: THANH HUYỀN
Do quy trình chế biến tốn nhiều công sức nên tôm lụi có giá khá cao từ 1 triệu đến 1,4 triệu đồng/kg tuỳ kích cỡ tôm hoặc độ khô của tôm. Với hương vị thơm ngon đặc biệt, sẽ là thiếu sót lớn nếu không thử thưởng thức món tôm lụi khi có dịp đến Cà Mau.

Tôm sẽ được cho vào các khay và hút chân không. Mỗi ký bán ra thị trường với giá hơn một triệu đồng - Ảnh: THANH HUYỀN
Theo kinh nghiệm của nhiều người làm tôm lụi, chỉ cần nhìn màu sắc tôm là biết được tôm có ngon hay không. Tôm lụi tự nhiên không sử dụng phẩm màu nhưng sau khi phơi xong sẽ có màu đỏ cam của gạch tôm, tôm có mùi thơm tự nhiên không bị tanh nồng.
Tôm phơi đủ nắng gắt sẽ nhanh khô và không bị bủn, độ khô của tôm vừa phải thì sẽ giữ được vị ngọt.

Tôm được phơi dưới nắng gắt và có nhiều gió, sau một ngày là có thể dùng được - Ảnh: THANH HUYỀN
Những ngày Tết, ngồi quây quần với bạn bè, người thân thưởng thức tôm lụi với thớ thịt dai ngọt dịu cùng mùi thơm đặc trưng của con tôm xứ Đất Mũi thì còn gì bằng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa nghề làm tôm khô và Lễ hội vía Bà Thủy Long tại tỉnh Cà Mau vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.