Là một blogger du lịch, do bản chất công việc nên tôi thường phải đi xa. Dù có rất nhiều chuyến đi, dịch chuyển đến nhiều vùng đất khác nhau, nhưng những ngày giáp Tết, tôi thường chọn quay về Sài Gòn sum vầy cùng người thân.
Cũng bởi, tôi biết Tết đến xuân về, gia đình là trên hết. Dẫu có bận rộn với công việc hay mải mê thực hiện đam mê ở một nơi nào thì cũng nên tạm gác lại, quay trở về nhà đón tết cùng gia đình, nơi có bố mẹ đang mong chờ.
"Tết mà con lại không có ở nhà..."
Ngày 28 Tết, tôi lặng lẽ ngồi giữa sân bay Changi (Singapore) ồn ã, chứng kiến cảnh mọi người tất bật với những chuyến bay để nhanh về sum họp với gia đình. Có cảm tưởng dù thế giới phẳng đến đâu thì tận sâu trong trái tim của mỗi người, nhà vẫn là nơi mong muốn được quay về nhất.
Với những chuyến bay ngày cuối năm, người khoan thai nhất cũng trở nên vội vã, kẻ ít mang hành lý nhất cũng tranh thủ gói ghém thêm quà tặng về cho gia đình. Ai cũng mong quay trở về cho kịp giờ đoàn viên, sum vầy cùng cả nhà.
Khi lên máy bay, tôi ngồi cạnh một cô gái còn khá trẻ, mải mê với laptop và vô số bài luận bằng tiếng Anh. Như nhìn thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, em mỉm cười giải thích: "Em đang tranh thủ làm bài tiểu luận để nộp cho giáo sư.
Do cuối năm, em cố gắng đi làm thêm để có tiền mua vé máy bay về quê ăn Tết nên hơi bê trễ việc học. Đôi lúc, công việc làm thêm và việc học khiến em mệt mỏi nhưng chỉ cần nghĩ đến cảnh được cùng bố mẹ, người thân đón giao thừa, bản thân lại được tiếp thêm nhiều động lực".
Thấy tôi gật đầu ra chiều đồng cảm, cô gái xúc động kể thêm, những năm trước, để hình dung không khí Tết Việt, vào những ngày này, em và các bạn người Việt đang học và làm tại Singapore thường nghe nhạc xuân.
Nếu có thời gian nhiều hơn, các bạn du học sinh cũng đi tìm mua bánh chưng, nấu những món ăn Việt, cắt giấy làm hoa đào, hoa mai để trang trí. Dù thế, cảm giác vẫn man mác buồn. Mọi người dù ngoài mặt vẫn cố gắng hân hoan dành cho nhau những lời chúc mừng nhưng niềm mong nhớ gia đình vẫn ngập tràn trong tim.
Mấy lời tâm sự giản đơn nhưng thấm thía khiến lòng tôi nao nao, sực nhớ đến thời điểm năm 2018, khi mải mê chu du, không chịu về nhà ăn tết như mọi năm. Khi đó, tôi đang trong hành trình rong ruổi nhiều tháng từ Tây Á sang Trung Đông, Nam Mỹ và Bắc Mỹ nên đành "lỗi hẹn" về quê ăn Tết cùng gia đình.
Cứ ngỡ bản thân chu du nhiều, tâm lý vững vàng sẽ không nhớ nhà nhưng sự thật không phải thế. Giao thừa năm ấy, khi đi bộ từ ga tàu điện ngầm ở Mỹ về khách sạn, nhìn tuyết rơi đầy trời, thấy lòng mình giá lạnh không kể xiết. Tôi cứ ngần ngại, chẳng dám gọi điện thoại về cho ba mẹ.
Mãi cho đến khi nhận được tin nhắn từ mẹ: "Con ở Mỹ nhớ mặc thêm áo ấm. Bố mẹ ở nhà nhớ con lắm. Tết mà con lại không có ở nhà". Nước mắt tôi cứ thế mà tuôn rơi. Cũng từ thời điểm đó, bản thân tự nhủ dù bận rộn công việc đến đâu, vẫn sẽ dành thời gian để quay trở về nhà.
Bình yên Tết Sài Gòn
Mặc dù chỉ một năm sau đó, bố mẹ tôi bất ngờ qua đời vì tai nạn giao thông, chỉ còn lại mình tôi bơ vơ giữa đời, nhưng tôi vẫn luôn giữ thói quen quay trở về Sài Gòn. Hơn bất kỳ ai, tôi biết dù bố mẹ đã đi xa nhưng họ vẫn mong tôi sẽ có những khoảnh khắc mùa xuân thật hạnh phúc.
Những ngày Tết bình yên của tôi ở thành phố này bắt đầu từ việc ngồi lặng lẽ ngắm nhìn thành phố vào những ngày đầu xuân khi nắng đã dần ấm lên và mấy luống hoa ngoài vườn đã bắt đầu bừng nở.
Vào một buổi sáng tinh mơ, tôi khẽ khàng thức dậy từ rất sớm, loay hoay đôi chút rồi bắt đầu bước ra phố. Trên đường đi, cái ý nghĩ tìm cho mình một bức ảnh thú vị giữa phố mùa xuân khiến tôi háo hức suốt quãng đường đến đó.
Tôi bắt đầu ngày dạo chơi đẹp trời của mình bằng việc gọi món sữa tươi hương vani và vài lát bánh mì thịt nguội ăn kèm phô mai béo ngậy trong quán Ân Nam, quán cà phê yêu thích của tôi. Tháng 1, mùa xuân ở TP.HCM, cuối cùng cũng đến với những sợi nắng vàng óng ánh giữa tiết trời se se lạnh.
Người ta có thể đến Sài Gòn để thăm thú Nhà thờ Đức Bà, một trong những biểu tượng của thành phố này, ngắm bến Nhà Rồng giữa mênh mông sông nước, hay trầm trồ nhìn ngắm khu Landmark phía bên kia thành phố…
Nhưng vào những ngày đầu xuân này, điều duy nhất bản thân tôi thích làm vẫn cứ là đi loanh quanh thành phố, ngắm nhìn từng góc phố quen thuộc đến khi kỳ chán mới thôi.
Tôi đi dạo vòng vèo khắp trung tâm thương mại, được trang trí cầu kỳ với vô vàn hoa tươi, các tiểu cảnh nhỏ xinh và dễ thương. Takashimaya vốn chẳng xa lạ gì với tôi. Nhưng giữa mùa xuân, khi khuôn viên mua sắm ngày thường được trang hoàng rực rỡ, càng khiến bản thân nôn nao đến lạ kỳ.
Trên đường về, tôi hẹn người bạn thân ghé thăm Lăng Ông Bà Chiểu, thấy từng giọt nắng rớt trên vai mình, long lanh như những hạt sương. Trên mái đền cổ kính, từng đàn chim sẻ ríu rít như muốn hoà ca bản hoan ca khi xuân về.
Đâu đó, trong hành trình mùa xuân, tôi đổi hướng sang Phú Mỹ Hưng (quận 7), đi miên man dưới bóng một chiếc dù trong suốt, ăn vội một cây kem trà xanh, trong lúc ngắm nhìn lòng hồ Bán Nguyệt bình thản xuyên qua bến vận hà tấp nập thuyền hoa xuôi ngược quanh khu dân cư hiện đại, trong trẻo hệt như bầu trời trên cao.
Trong không gian thanh bình mộc mạc đó, lạ thay dễ khiến người ta ngẩn ngơ hơn bất cứ khi nào ở thành phố tấp nập ngược xuôi này.
Và đâu đó, giữa cuộc dạo chơi ấy, tôi chợt nghĩ đến cảm giác sống dậy mạnh mẽ của công tước Andrey Bolkonski trong Chiến tranh và hòa bình của Les Tolstoy vào thời khắc đi ngang qua cây sồi già mục rỗng suốt một mùa đông dài.
Mùa xuân dường như luôn tồn tại, chẳng đi đâu xa, chỉ chờ một dịp nào đó lại quay trở về đầy mạnh mẽ và tinh khiết. Gấp lại những trang nhật ký mùa xuân, cố nhắm mắt tưởng tượng ra những ngày đầu xuân sắp tới, khi sương đã ngớt và hoa mới nở, bản thân sẽ lại lang thang trên những cung đường nào.
Sự yên bình ở Sài Gòn trôi qua theo từng bước chân mùa xuân của tôi trên những con đường nhỏ xinh, dọc theo những cụm hoa tươi tắn đến ngọt ngào, quấn quýt quanh các bà các cô tíu tít áo dài khăn đóng chụp hình du xuân.
Nhìn không khí vui tươi, ngập tràn niềm hân hoan mùa xuân trước mắt, tôi chợt nhớ đến khoảng thời gian lúc còn thơ, được theo chân bố mẹ ra đường hoa, vui vẻ chạy nhảy giữa muôn ngàn sắc hoa mùa xuân. Khoảnh khắc tươi đẹp ấy, đáng tiếc thay, chỉ còn lại trong ký ức của tôi.
Trưa nay, đứng giữa Sài Gòn, dưới chân cầu Mống lộng gió, ngắm nhìn một góc phố xá, thốt nhiên tôi nhớ đến lời của một người bạn: "Ngay cả những cánh bồ công anh đang nương theo cơn gió cũng có hành trình của riêng chúng. Mỗi người trong chúng ta đều có số phận của riêng mình".
Vốn dĩ, số phận là một sợi chỉ đỏ mỏng manh nhưng xuyên suốt cuộc đời mỗi chúng ta. Số phận đặt chúng ta lên những hành trình khác nhau, nhưng kỳ thực đi đến đâu, làm được việc gì là vấn đề của mỗi người. Khi gió bắt đầu thổi, xin bạn đừng ngại ngần từ chối. Hãy nương theo vận mệnh của chính mình mà tiến lên phía trước...
Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Nơi hạ nguồn sông Hồng có một mảnh đất mà chỉ cần nghe đến cái tên thôi thì bất cứ ai cũng hình dung ra được nơi đây giao hòa của những con nước, của sông, của biển. Đó chính là là Giao Thủy quê hương tôi đó!