Cơ chế đã “mở” hơn
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc R&D Công ty DKRA Group đánh giá, 3 dự án sửa đổi luật gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua mới đây có nhiều điểm mới, tạo điều kiện nhiều hơn cho Việt kiều (người có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài) và người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam được tiếp cận nhà ở một cách thuận tiện.
Theo ông Thắng, những điều chỉnh đều theo hướng tiến bộ, bám sát thực tiễn và giúp bảo vệ quyền lợi của người mua. Đơn cử, quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi yêu cầu thanh toán qua ngân hàng hay chủ đầu tư chỉ được thu tiền không quá 5% đối với dự án hình thành trong tương lai khi đủ điều kiện bán hàng.
Song song đó, Luật Nhà ở sửa đổi xác định rõ hơn người sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, cùng với quy định cụ thể, chi tiết mở rộng quyền và nghĩa vụ sử dụng đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai đối với 2 đối tượng này.
Còn Điều 41 và Điều 46 của Luật Đất đai sửa đổi quy định, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê. Điều này kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sang nhượng thứ cấp, tạo cơ chế linh hoạt hơn cho thị trường địa ốc.
“Theo tôi, việc cụ thể hóa các quy định đối với người nước ngoài và người Việt tại nước ngoài sẽ giúp gia tăng tính minh bạch của thị trường, củng cố thêm niềm tin, từ đó khơi thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, là tiền đề vững chắc cho những bước phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong tương lai”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo pháp luật hiện hành, Việt kiều được phép mua nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, cái khó là các thủ tục, giấy tờ để chứng minh nguồn gốc Việt Nam rất phức tạp khiến họ nản lòng. Vì vậy, nhiều trường hợp lựa chọn giải pháp nhờ người thân đứng tên khi mua bất động sản trong nước. Song, điều này dễ dẫn đến tranh chấp, kiện tụng khi trong gia đình có biến cố xảy ra. Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư cũng bối rối khi không biết dự án của mình có được phép bán cho Việt kiều hay không, bởi việc này cần được các cơ quan quản lý phê duyệt.
“Hành lang pháp lý mới sẽ tạo điều kiện để Việt kiều đầu tư bất động sản, mua nhà ở trong nước trở nên thuận lợi hơn. Trong đó, Luật Đất đai sửa đổi sẽ là tiền đề để Chính phủ hướng dẫn các cơ quan tư pháp tạo điều kiện để người dân chứng minh nguồn gốc Việt đơn giản hơn”, ông Hậu đánh giá.
Về việc sở hữu nhà của người nước ngoài, ông Trịnh Hoài Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần RealPlus nhìn nhận, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi sẽ giúp gia tăng nhu cầu người nước ngoài mua bất động sản nhà ở tại Việt Nam.
Cụ thể, khi các quy trình giao dịch mua bán bất động sản của người nước ngoài được hướng dẫn cụ thể, các dự án, các khu vực có dự án được phép bán bất động sản nhà ở cho người nước ngoài được công bố rõ ràng, minh bạch, các chủ đầu tư phát triển dự án có thể chủ động lập kế hoạch để tạo ra các sản phẩm phù hợp và khai thác tối đa nhu cầu mua và đầu tư bất động sản của nguồn khách nước ngoài. Ngoài ra, việc quy định rõ thời hạn sở hữu nhà ở và cho phép gia hạn tối đa 50 năm giúp người nước ngoài yên tâm hơn khi mua bất động sản tại Việt Nam.
Các chuyên gia nước ngoài khi đến Việt Nam cũng cần xây dựng một cuộc sống ổn định và tốt đẹp. Ảnh: Lê Toàn |
Khởi đầu cho làn sóng đầu tư mới
Theo ông Trịnh Hoài Đức, đối với bất động sản nhà ở, các phân khúc trung cấp và cao cấp tại khu vực trung tâm các đô thị lớn luôn thu hút sự quan tâm từ khách hàng nước ngoài kể từ thời điểm Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản ban hành vào năm 2014, chủ yếu ở loại hình căn hộ chung cư.
Điển hình là các dự án căn hộ cao cấp ở khu vực Thủ Thiêm, Thảo Điền… luôn có tỷ lệ 20-30% số lượng sản phẩm được bán cho người nước ngoài, trong đó nhiều trường hợp giá bán căn hộ cho đối tượng này cao hơn 5-10% so với giá bán cho người Việt Nam.
Ông Đức cho biết, các giao dịch mua bán và chuyển nhượng căn hộ giữa người nước ngoài với nhau diễn ra khá sôi động, cho dù các quy định, hướng dẫn về thủ tục mua bán, cấp sổ hồng cho người nước ngoài còn nhiều vướng mắc, thậm chí đôi lúc còn tiềm ẩn rủi ro cho các giao dịch này.
Do đó, quy định mới không chỉ giúp người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam thuận tiện, mà nhìn rộng hơn, thị trường kỳ vọng thu hút được dòng tiền từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án bất động sản nhà ở trong nước, từ đó đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm cũng như tạo ra các loại hình bất động sản mang tính quốc tế hóa nhiều hơn.
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cũng nhìn nhận, với quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn tại Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi, thị trường bất động sản sẽ được điều chỉnh một cách hệ thống, bài bản hơn, nhất là tạo sự công bằng giữa nhà phát triển dự án trong nước và nước ngoài.
“Qua trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, đa số đều có niềm tin vào sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam. Do đó, khi có các văn bản hướng dẫn thi hành luật cụ thể và rõ ràng, các nhà đầu tư này sẽ không bỏ qua cơ hội”, bà Trang nói, đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý bất động sản là nền tảng chắc chắn và đặc biệt cần thiết cho việc phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản trong chu kỳ tiếp theo.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có kế hoạch thu hút một lượng lớn nhân sự có trình độ cao, trong đó lực lượng kiều bào và người nước ngoài đến từ các tập đoàn đa quốc gia là mục tiêu hướng đến và để hiện thực hóa điều này, các chuyên gia nước ngoài khi đến đất nước ta cũng cần xây dựng một cuộc sống ổn định và tốt đẹp, tức là họ phải được mua nhà ở và có quyền sở hữu dài hạn, cũng như các quyền giao dịch hợp pháp khác trên tài sản của họ.
“Tôi cho rằng, các chính sách mới khi có hiệu lực cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, sẽ giúp thị trường bất động sản thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam”, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhìn nhận.