Tôi trở lại Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào những ngày cận Tết. Gọi là trở lại bởi vì tôi đã đặt chân đến đây không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Nhưng mỗi lần đặt chân lên xã đảo, vẫn thấy nơi đây có những điều mới mẻ để mình phải mải mê khám phá…
Vào Nhà Lớn Long Sơn xin câu đối Tết
Điểm đến đầu tiên của tôi trong chuyến đi lần này chính là Nhà Lớn, ngôi nhà chung của bà con xã đảo Long Sơn.
Hơn một trăm năm qua, dẫu vật đổi sao dời, Long Sơn không còn là một hòn đảo "ba không": không điện, không nước sạch và không đường nhựa như trước. Cầu Bà Nanh, Gò Găng cùng với Chà Và được xây dựng đã nối thông suốt hòn đảo với đất liền, khiến cho bộ mặt Long Sơn mỗi ngày mỗi đổi.
Nhưng những phong tục ở nơi đây vẫn còn nguyên giá trị và luôn được bà con xã đảo ra sức gìn giữ. Từ nếp sinh hoạt hằng ngày với áo bà ba đen, tóc búi củ hành, cách nói chuyện hay dùng những từ ngữ ngày xưa; đến tục dùng chung bao quan được đặt tại nhà Sơn Long Hội.
Nhà Lớn Long Sơn trong những ngày này không khí nhộn nhịp hơn hẳn bình thường. Người dân tứ xứ đổ về nơi đây làm công quả. Người quét dọn sân vườn, người sửa sang cảnh trí, người lo bếp núc.
Ngay trong sân Nhà Lớn, các chị, các bà đang ngồi gói bánh. Mỗi năm, Nhà Lớn đều gói cả ngàn đòn bánh tét để dành tặng cho bà con trên xã đảo, cũng như công nhân đang làm việc ở Long Sơn không về quê ăn Tết.
Nhà Lớn khi xưa và bây giờ vẫn luôn như vậy. Kẻ lỡ bước, lầm than, hay người nhỡ bữa, đói lòng, chẳng cần gõ cửa cầu xin, đều có thể xem mình là khách. Đến với Nhà Lớn, họ đều được tiếp đón ân cần và tất nhiên là hoàn toàn miễn phí. Người dân Long Sơn đều xem công việc của Nhà Lớn chính là công việc của mình để tận tâm, tận sức.
Không riêng gì người dân xã đảo, bà con ở các tỉnh miền Tây sau mỗi vụ thu hoạch đều gởi về Nhà Lớn cả nghìn giạ lúa, như một cách trả nghĩa ông Trần từng mở kho đưa lúa về cứu trợ Gò Công và các vùng lân cận trong trận lụt lịch sử năm Giáp Thìn (1904). Tất cả đều thể hiện rất rõ tinh thần tương thân, tương ái mà ông Trần đã truyền dạy, con cháu noi theo.
Nhưng điểm thu hút khách thập phương đến Nhà Lớn trong những ngày Tết đó là xin chữ đầu năm. Ngay từ giữa tháng chạp đã thấy trên chiếc phản gỗ bóng theo thời gian trong Nhà Lớn là những cụ ông râu dài, tóc búi tó, áo đen ngồi viết liễn.
Nhìn những nét chữ Nôm đen nhánh trên giấy hồng điều, tôi có cảm tưởng như đang quay ngược trở về gần trăm năm trước như thuở Vũ Đình Liên sáng tác "Ông đồ". Những câu đối ở Nhà Lớn đều là những lời hay, ý đẹp, có nội dung giáo dục, phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên.
Ghé làng bè thưởng thức hàu tươi
Rời Nhà Lớn, tôi ghé đến làng bè khi trời đã ngả về chiều. Cái nóng oi bức ngay lập tức được thay thế bằng những ngọn gió mát lành mang vị mặn mòi của biển.
Sau hơn 10 phút lênh đênh trên ghe, tôi cập bến làng bè. Làng bè nằm giữa không gian sông nước mênh mông, là tập hợp của nhiều nhà bè được làm bằng gỗ, mái lợp lá dừa nước, móng là những thùng phuy dập dềnh trên sóng.
Bao quanh nhà bè là những lồng cá, tôm, cua, và dây hàu. Từ đây, phóng tầm mắt ra sông Rạng rộng lớn, những chiếc ghe cặp theo lối đi tạo thành bức tranh sông nước bình dị, đơn sơ như thể mình đang ở giữa miền Tây. Hay thuê ghe đi ra cửa biển sẽ thấy Vũng Tàu trong chiều đông đúc.
Nhưng đã đến làng bè, dù không phải là tín đồ ẩm thực thì chắc chắn tôi cũng không thể bỏ qua hải sản ở nơi này, đặc biệt là những món được chế biến từ hàu. Cháo hàu Long Sơn có vị ngọt béo của hàu tươi, quyện với mùi thơm của gạo, hành khô phi, vị cay của tiêu, gừng hòa cùng vị ngọt của nấm rơm khiến người ăn nhớ mãi.
Ở Long Sơn còn rất nhiều điểm đến khác cho những ai say mê khám phá, trải nghiệm như: thử làm ngư dân ở làng bè, thăm cánh đồng muối, leo núi Bà Trao hay câu cá trên ghe ở Hồ Mang Cá.
Tết này, nếu ai muốn tìm một nơi yên bình lại không quá xa thành phố; vừa có núi, có sông, có món ăn ngon, phong tục độc đáo và đặc biệt gặp gỡ những người "dân miền Tây đang sống giữa miền Đông" hào sảng, nghĩa tình, bạn hãy thử một lần đến xã đảo Long Sơn.
Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Xuân này, tôi lại lên Đà Lạt. Tôi không nhớ mình đã đến thành phố mù sương bao lần. Chỉ biết rằng với tôi, Đà Lạt là vùng đất một nhớ hai thương, ba chẳng muốn rời.