vĐồng tin tức tài chính 365

'Tội ác thế kỷ' của nhóm cướp 2,7 triệu USD

2024-02-09 04:26

Lúc 19h ngày 17/1/1950, các nhân viên tại Công ty an ninh Brink's Inc. ở thành phố Boston bắt đầu đóng cửa, kết thúc ngày làm việc. Nhưng khi mang theo các bao tải tiền mặt chưa được giao và đi kiểm tra két sắt trên tầng hai, họ bất ngờ đụng độ 9 người đàn ông đeo mặt nạ.

Một tên cướp đeo mặt nạ Captain Marvel để che giấu danh tính, những tên khác đội mũ tài xế taxi. Tất cả đều đeo găng tay và giày cao su êm ái để giúp che đậy dấu vết.

Nhóm cướp trói các nhân viên bằng dây thừng và băng dính, lấy trộm hơn 1,2 triệu USD tiền mặt và 1,5 triệu USD chi phiếu từ kho tiền trên tầng hai.

Các nhân viên chỉ có thể đứng nhìn chúng thực hiện vụ cướp lớn nhất lịch sử nước Mỹ vào thời điểm đó. Khi xếp những chồng tiền mặt vào túi ở cạnh cửa, nhóm cướp suýt bị bắt gặp khi một nhân viên gara định đi vào tòa nhà. Hai tên cướp nhanh chóng tiến về phía cửa, dường như có ý bắt giữ người đàn ông. Nhưng sau đó anh ta bỏ đi, có vẻ không hay biết chuyện gì đang diễn ra bên trong.

Nhóm cướp chỉ mất khoảng 20 phút để gom tiền, lập tức lên xe đào tẩu. Đến 19h37, một trong những nhân viên của Brink's tự giải thoát được và báo động.

Cảnh sát huy động lực lượng lớn truy đuổi nhóm cướp. 13 người đã bị giam trong vài giờ sau vụ cướp, trong đó có hai nhân viên cũ của Brink's. Công ty Brink's Inc. treo thưởng 100.000 USD cho người cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ và kết án những kẻ liên quan vụ cướp.

FBI truy lùng những kẻ có khả năng là tội phạm ở khắp khu vực New England: kẻ buôn lậu rượu, thành viên băng đảng, tay cờ bạc chuyên nghiệp, kẻ lừa đảo và côn đồ khét tiếng. Hầu hết các cuộc thẩm vấn nghi phạm đều chẳng đi đến đâu. "Nếu tôi biết ai đã làm việc đó, tôi sẽ không ngồi đây nói chuyện với anh như này mà đang cố tìm cách để chiếm được một phần chiến lợi phẩm", một nghi phạm nói với điều tra viên.

Vật chứng duy nhất còn sót lại tại hiện trường là chiếc mũ tài xế taxi và dây thừng dùng để trói các nhân viên. Hầu hết số tiền mặt bị đánh cắp đều có mệnh giá từ 1 USD đến 20 USD, khiến việc truy tìm các tờ tiền thông qua số sê-ri gần như là không thể.

Một cảnh sát ở thành phố Somerville, Massachusetts, tìm thấy một khẩu súng lục ổ quay được sử dụng trong vụ cướp, bị vứt dọc bờ sông. Các điều tra viên cũng xác định một chiếc xe tải Ford màu xanh lá cây đời 1949 mui bạt có thể đã được sử dụng để tẩu thoát.

Gần hai tháng sau vụ cướp, nhà chức trách tìm thấy những mảnh vỡ của chiếc xe tải tại một bãi rác ở Stoughton, Massachusetts, đã bị đốt cháy và cắt thành nhiều mảnh.

Phát hiện đó dẫn các điều tra viên tìm ra hai nghi phạm ở khu vực Stoughton. Đầu tiên, họ xác định Anthony Pino, người nhập cư được giới tội phạm địa phương biết đến như một "kẻ thám thính" đáng tin cậy, và Joseph McGinnis, chủ cửa hàng rượu, đi cùng Pino vào đêm xảy ra vụ cướp.

Thông qua họ, các điều tra viên tiếp tục lần ra Joseph O'Keefe và Stanley Gusciora. Nơi tiêu hủy chiếc xe tải ở gần nhà O'Keefe.

Tháng 6/1950, O'Keefe và Gusciora bị bắt ở Pennsylvania vì tội trộm cắp. O'Keefe bị kết án ba năm tù, Gusciora bị phạt từ 5 đến 20 năm tù. Cảnh sát nhận được tin báo rằng O'Keefe và Gusciora viết thư đòi tiền từ Pino và McGinnis để bảo lãnh tại ngoại, thuê luật sư chống án.

Đặc vụ FBI liên tục đến gặp O'Keefe trong tù với hy vọng rằng một sự rạn nứt trên diện rộng có thể phát triển giữa hai tên tội phạm đang ngồi tù ở Pennsylvania và các thành viên băng đảng đang tận hưởng cuộc sống xa hoa tự do ở Massachusetts. Tuy nhiên, O'Keefe tuyên bố vô tội và khẳng định không biết gì về vụ cướp Brink's.

Không có đủ bằng chứng để buộc tội, điều tra viên tiếp tục gây áp lực lên các nghi phạm. Trong quá trình điều tra, Adolph Maffie bị bắt và kết án 9 tháng tù vì trốn thuế.

Sau khi được trả tự do vào đầu 1954, O'Keefe lại bị đưa ra xét xử vì một vụ trộm khác nhưng được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 17.000 USD.

Theo hồ sơ vụ án, O'Keefe nói chưa bao giờ nhìn thấy phần chiến lợi phẩm thuộc về mình sau khi đưa cho Maffie bảo quản. Cần tiền gấp, anh ta bắt cóc Vincent Costa và đòi tiền chuộc là phần chiến lợi phẩm của mình.

Pino trả một khoản tiền chuộc nhỏ nhưng sau đó quyết định giết O'Keefe. Ngày 5/6/1954, một chiếc ôtô lao tới xe của O'Keefe và nổ súng. Anh ta cúi xuống ghế trước, tránh đạn và sống sót sau cuộc tấn công. Hơn một tuần sau, O'Keefe đấu súng với đồng bọn cũ tên Henry Baker nhưng không ai hề hấn gì.

Sau vài lần thử không thành công, Pino thuê sát thủ thế giới ngầm giết O'Keefe. Sát thủ tới Boston và bắn O'Keefe hơn 30 phát, khiến anh ta bị thương nặng ở ngực và cổ tay nhưng vẫn sống sót.

O'Keefe biến mất khỏi khu vực Boston vào ngày 16/6/1954, chỉ xuất hiện trở lại vào tháng 8 khi bị bắt bên ngoài thành phố vì mang theo vũ khí.

Năm 1955, O'Keefe cân nhắc kỹ việc bản thân phải trải qua những ngày còn lại sau song sắt trong khi các đồng phạm sẽ có nhiều năm tận hưởng cuộc sống xa hoa. Sau gần nửa năm ngồi tù, ngày 6/1/1956, O'Keefe cuối cùng đồng ý thú nhận tội ác và nói với đặc vụ FBI những điều họ cần biết về các đồng phạm.

Ngày 12/1/1956, chỉ năm ngày trước khi hết thời hiệu, FBI lần lượt bắt 8 thành viên nhóm cướp theo chỉ điểm của O'Keefe.

Hàng trên (từ trái qua phải): Michael Geagan, 47 tuổi; Vincent Costa, 41 tuổi; Henry Baker, 49 tuổi. Hàng dưới:  Anthony Pino, 48 tuổi; Joseph F. McGinnis, 52 tuổi; Adolph Maffie, 44 tuổi. Ảnh: Bettmann

Hàng trên (từ trái qua phải): Michael Geagan, 47 tuổi; Vincent Costa, 41 tuổi; Henry Baker, 49 tuổi.
Hàng dưới: Anthony Pino, 48 tuổi; Joseph F. McGinnis, 52 tuổi; Adolph Maffie, 44 tuổi. Ảnh: Bettmann

O'Keefe khai có tổng cộng 11 người đàn ông tham gia vụ cướp, hai người ở bên ngoài khi vụ việc xảy ra - một người giúp tẩu thoát và một người giúp phát tín hiệu cho nhóm từ sân thượng gần đó.

Vụ cướp được lên kế hoạch lần đầu vào năm 1947. Đến 1948, sau nhiều tháng ủ mưu, cả nhóm hay tin Brink's đã chuyển đến địa điểm mới. Vụ trộm ban đầu không phải là một vụ cướp có vũ trang, nhưng họ không thể tìm ra cách nào vượt qua chuông báo trộm của tòa nhà. Sau khi quan sát nhân viên bảo vệ, họ quyết định thực hiện ngay sau 19h vì lúc đó kho tiền ở tầng hai sẽ được mở và có ít bảo vệ túc trực hơn.

Trong vài tháng, nhóm cướp tháo từng ổ khóa của tòa nhà và đánh chìa khóa phụ trước khi trả lại ổ khóa. Họ đánh cắp một chiếc xe tải để chở chiến lợi phẩm từ vụ cướp và chiếc ôtô dùng để ngăn chặn truy đuổi. Costa phụ trách quan sát và dùng đèn pin ra hiệu từ sân thượng gần đó khi nhìn thấy kho tiền được mở.

Ngày 17/1/1950, sau khi nhận được tín hiệu "tiến lên" từ Costa, nhóm cướp đột nhập tòa nhà vào khoảng 19h10, gây ra vụ cướp lớn nhất thời đó.

Hơn sáu năm sau vụ việc, 8 trong số 11 tên cướp bị kết án tù, mức án tối đa là tù chung thân, Gusciora chết trước khi phiên tòa bắt đầu vào ngày 6/8/1956. Tất cả đều được ân xá vào năm 1971, ngoại trừ McGinnis đã chết trong tù. O'Keefe nhận bốn năm tù và được trả tự do vào năm 1960.

Dù 11 người liên quan âm mưu này đã được xác định danh tính, song chỉ 58.000 USD trong hơn 2,7 triệu USD được chính quyền thu hồi.

Túi vải đựng tiền được tìm thấy trong một bãi rác ở Boston. Ảnh: FBI

Túi vải đựng tiền được tìm thấy trong một bãi rác ở Boston. Ảnh: FBI

O'Keefe hợp tác với nhà văn Bob Considine viết sách The Men Who Robbed Brink's, xuất bản năm 1961, kể lại chi tiết vụ việc và những hậu quả của nó. Vụ cướp ngày 17/1/1950 còn là đề tài cho các bộ phim như Six Bridges to Cross (1955), Blueprint for Robbery (1961), Brinks: The Great Robbery (1976) và The Brink's Job (1978).

Tuệ Anh (Theo People, Boston Globe)

Xem thêm: lmth.2959074-dsu-ueirt-7-2-pouc-mohn-auc-yk-eht-ca-iot/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Tội ác thế kỷ' của nhóm cướp 2,7 triệu USD”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools