vĐồng tin tức tài chính 365

5 xu thế tác động đến đầu tư 2024

2024-02-09 05:47

Ông nhận định thế nào về khả năng dịch chuyển, cơ cấu lại dòng tiền lớn giữa các kênh đầu tư trong năm 2024?

Xu hướng chuyển dịch chính sách lãi suất ở các ngân hàng trung ương lớn như Fed hay ECB sẽ dần rõ ràng hơn trong quý I/2024 và khả năng cao sẽ nghiêng về xu hướng nới lỏng dần sau khi lãi suất tăng mạnh và duy trì ở vùng đỉnh trong một thời gian. Rất có thể, Fed sẽ hạ lãi suất trong kỳ họp vào tháng 3 tới, khi lạm phát ở nền kinh tế số 1 thế giới đã hạ nhiệt đáng kể.

Đây là một tín hiệu quan trọng đối với xu hướng lãi suất trong nước và sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để hạ lãi suất điều hành, khi chênh lệch lãi suất giữa VND và USD thu hẹp dần. Trên cơ sở chỉ số DXY hiện tại cũng đang hạ nhiệt, áp lực tỷ giá USD/VND trong năm 2024 không quá lớn sẽ tạo thêm cơ hội để Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn chính sách tiền tệ.

Ông Nguyễn Duy Linh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Ông Nguyễn Duy Linh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục, nên lãi suất giảm thêm có thể khiến dòng vốn chảy sang các kênh đầu tư khác và sự dịch chuyển rõ ràng nhất là sang các thị trường tài sản như chứng khoán, vàng, tiền số.

Nhìn một cách tổng quan, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong năm 2024, với nền định giá hợp lý và tăng trưởng lợi nhuận của các ngành kỳ vọng phục hồi tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế. Trong đó, cú huých cho thị trường chứng khoán có thể đến từ hai yếu tố lớn: Thứ nhất, chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng; thứ hai, Việt Nam tích cực chuẩn bị các điều kiện để được nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.

Trong quá khứ, khi một trong hai yếu tố này xuất hiện thường sẽ tạo ra một con sóng tăng mạnh đối với các chỉ số chứng khoán.

Mặc dù lãi suất giảm và đang ở mức thấp kỷ lục, nhưng dòng tiền lớn vẫn khá e dè. Làm thế nào để kích thích dòng vốn lớn đổ vào thị trường chứng khoán trong nước, theo ông?

Kỳ vọng nền kinh tế quay lại mức tăng trưởng 6% và doanh nghiệp niêm yết sớm hồi phục kết quả kinh doanh, kích thích động thái giải ngân của khối ngoại.

Dòng tiền dần trở lại thị trường chứng khoán trong năm vừa qua, dù thanh khoản chưa bằng giai đoạn 2021 - 2022. Điều quan trọng là niềm tin của nhà đầu tư cần ổn định trở lại sau những khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023. Yếu tố kích thích dòng vốn trở lại trong năm 2024 ngoài hai yếu tố đã nói ở trên thì còn đến từ kỳ vọng dòng vốn quốc tế trở lại thị trường mới nổi khi lãi suất của Fed đảo chiều.

Về chính sách tiền tệ, xu hướng nới lỏng tiếp tục diễn ra với động thái hạ dần lãi suất huy động và cho vay, đồng thời với việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% và giao toàn bộ room tín dụng ngay từ đầu năm mang thông điệp đối với các ngân hàng là vốn đưa vào nền kinh tế phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.

Về lộ trình nâng hạng, chúng tôi hy vọng, trong năm 2024, cơ quan quản lý sẽ đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường pháp lý, minh bạch thông tin, kể cả việc tự do hóa thị trường ngoại hối, nới room - những yếu tố cản trở quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Lúc đó, dòng vốn ngoại kỳ vọng sẽ giải ngân nhiều hơn vào thị trường chứng khoán còn nhiều tiềm năng như Việt Nam.

Chúng ta cũng kỳ vọng nền kinh tế quay lại mức tăng trưởng 6% và doanh nghiệp niêm yết sớm hồi phục kết quả kinh doanh, kích thích động thái giải ngân của khối ngoại.

Dù vậy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh, thị trường chứng khoán là môi trường biến động nhanh và liên tục, luôn đặt ra các thử thách cho mọi người chơi.

Nhà đầu tư cần đa dạng hóa danh mục để hạn chế rủi ro, đồng thời chú trọng hơn vào góc nhìn đầu tư trung, dài hạn

Nhà đầu tư cần đa dạng hóa danh mục để hạn chế rủi ro, đồng thời chú trọng hơn vào góc nhìn đầu tư trung, dài hạn

Với VPBankS, Công ty có gặp thách thức trong việc cân bằng giữa kiểm soát rủi ro hoạt động và mang lại giá trị lớn cho cổ đông?

Chứng khoán vốn là thị trường biến động, nhưng trong thách thức bao giờ cũng có cơ hội, trong khó khăn sẽ có sự sáng tạo. Điều quan trọng nhất đối với triển vọng của doanh nghiệp là sự đúng đắn của mô hình kinh doanh, triết lý kinh doanh, chiến lược kinh doanh và sự khát vọng của đội ngũ thực thi.

VPBankS thừa hưởng sức mạnh và triết lý kinh doanh “Lấy khách hàng làm trọng tâm” từ ngân hàng mẹ, nên việc xây dựng, phát triển các chính sách, sản phẩm, dịch vụ đều hướng tới đáp ứng ứng nhu cầu của mọi phân khúc khách hàng, trở thành điểm đến của mọi nhà đầu tư.

Mục tiêu lớn dựa trên nguồn lực lớn, VPBankS được kế thừa và phát huy rất nhiều giá trị từ ngân hàng mẹ, không chỉ dừng lại ở nguồn lực về tài chính. Chúng tôi không bất chấp rủi ro để tạo ra lợi nhuận ngắn hạn, mà mọi bước đi đều hướng theo chiến lược phát triển dài hạn đã được hoạch định và hướng vào mục tiêu khách hàng.

Còn với nhà đầu tư, theo ông, họ nên chọn hướng tiếp cận theo chủ đề đầu tư nào trong năm 2024?

Năm 2024, bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn rất nhiều biến động khó lường và có khả năng tiếp tục tác động tới kinh tế Việt Nam. Tôi đánh giá, có 5 xu thế lớn có thể tác động đáng kể tới chủ đề đầu tư năm 2024.

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại trong năm 2024. Trong đó, với những tín hiệu cuối năm 2023 thì kinh tế Mỹ hiện vẫn trụ vững trước nền lãi suất cao, tuy nhiên Trung Quốc và khu vực châu Âu thì tốc độ tăng trưởng đang hạn chế và thể hiện rõ sự ảnh hưởng bởi bối cảnh chung.

Thứ hai, lạm phát toàn cầu giảm tốc có thể tạo nền tảng để các ngân hàng trung ương đảo ngược xu hướng chính sách tiền tệ trong năm 2024, dù tính thời điểm vẫn còn chưa chắc chắn.

Thứ ba, thị trường trái phiếu và cổ phiếu có thể được hưởng lợi từ những yếu tố trên và nhận được góc nhìn tích cực hơn từ giới đầu tư trong cả năm 2024. Trong đó, thị trường chứng khoán Mỹ và Nhật Bản được cho là sẽ đại diện cho xu thế tích cực, trong khi thị trường chứng khoán khu vực châu Âu và Trung Quốc còn nhiều quan ngại, tạo nên sự chưa chắc chắn về kỳ vọng, đồng thời có khả năng sẽ phân hóa mạnh mẽ.

Thứ tư, phân hóa mạnh mẽ giữa biến động các lĩnh vực ,ngành nghề cùng với sự biến động khó lường của giá cả hàng hóa cơ bản, ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, dẫn tới một năm 2024 mà yếu tố rủi ro được chú trọng nhiều hơn trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

Thứ năm, đồng USD có khả năng tiếp tục giữ giá trong một khoảng biến động nhất định, mặc dù đang ở vùng đỉnh trong nhiều năm, kèm với kỳ vọng Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất trong năm 2024. Tuy nhiên, với biến động từ nguy cơ suy thoái phía châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc duy trì chính sách nới lỏng thì chênh lệch lãi suất giữa các nền kinh tế lớn sẽ khó rút ngắn và USD vẫn có sức hấp dẫn.

Với bối cảnh thế giới như vậy, tôi cho rằng, Việt Nam có thể vẫn phải dựa vào các động lực nội tại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, chính sách tiền tệ, tài khóa nhiều khả năng sẽ duy trì linh hoạt theo hướng nới lỏng và hỗ trợ thúc đẩy cầu tiêu dùng trong nước, cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.

Với nhà đầu tư, bên cạnh việc đa dạng hóa kênh đầu tư và trong kênh đầu tư trái phiếu, chứng khoán cũng cần đa dạng hóa danh mục đầu tư để hạn chế rủi ro. Đồng thời, chú trọng hơn vào góc nhìn đầu tư trung và dài hạn, với kỳ vọng dài hạn về triển vọng tăng trưởng quy mô, triển vọng phục hồi lợi nhuận, hoặc định giá đang ở mức hấp dẫn trong góc nhìn trung - dài hạn. Hãy tìm đến những động lực cơ bản tương đối chắc chắn làm căn cứ xây dựng danh mục đầu tư và thực hiện giải ngân khi mức định giá hấp dẫn!

Xem thêm: lmth.920933tsop-4202-ut-uad-ned-gnod-cat-eht-ux-5/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“5 xu thế tác động đến đầu tư 2024”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools