Ukraine cải tổ quân đội
Sau nhiều ngày úp mở, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thông báo cách chức ông Valery Zaluzhny, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, trong cuộc cải tổ quân đội lớn nhất từ khi xảy ra xung đột với Nga.
"Hôm nay chúng tôi đã có một cuộc thảo luận thẳng thắn về những gì cần thay đổi trong quân đội. Những thay đổi khẩn cấp. Tôi đã đề nghị Tướng Zaluzhny tiếp tục tham gia vào đội ngũ của nhà nước Ukraine. Tôi sẽ biết ơn nếu ông ấy đồng ý", Hãng tin AFP ngày dẫn lời ông Zelensky nói ngày 8-1, giờ địa phương.
Tổng thống Ukraine cũng tuyên bố rằng Tư lệnh lục quân Oleksandr Syrsky, người chỉ huy cuộc phản công chớp nhoáng ở khu vực đông bắc Kharkov mùa thu năm 2022, sẽ thay thế ông Zaluzhny.
Với sự thay đổi này, ông Zelensky kêu gọi quân đội điều chỉnh kế hoạch chiến đấu cho năm nay. "Một kế hoạch hành động chi tiết, thực tế cho lực lượng vũ trang Ukraine năm 2024 cần được đưa ra bàn thảo, tính đến tình hình thực tế trên chiến trường hiện nay và các triển vọng", ông nói.
Tướng Zaluzhny lãnh đạo quân đội Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đội với Nga. Ông nổi tiếng khi đẩy lùi một lực lượng hùng mạnh hơn rất nhiều trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột. Tuy nhiên, thất bại của cuộc phản công vào mùa hè năm ngoái và sự bất đồng giữa ông Zaluzhny và ông Zelensky đã làm dấy lên tin đồn Ukraine sắp cải tổ quân đội.
Viết trên mạng Telegram, Tướng Zaluzhny cũng xác nhận ông đã có cuộc nói chuyện với ông Zelensky và "quyết định rằng cần thay đổi cách tiếp cận và chiến lược". "Nhiệm vụ của quân đội Ukraine năm 2022 khác xa so với nhiệm vụ năm 2024. Vì vậy, cần thay đổi và thích ứng với thực tế mới", ông viết.
*Lầu Năm Góc cam kết hợp tác với tân Tổng tư lệnh Ukraine. Bà Celeste Wallander, trợ lý bộ trưởng quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế tại Lầu Năm Góc, cho biết Tổng thống Ukraine có quyền lựa chọn người lãnh đạo quân đội Ukraine và Mỹ sẽ hợp tác hiệu quả với tư lệnh quân đội mới của ông. Bà Wallander gọi tân Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrsky là "một chỉ huy thành công và giàu kinh nghiệm".
*Thượng viện Mỹ ủng hộ gói viện trợ cho Ukraine. Cùng lúc với đợt cải tổ quân sự của Ukraine, gói viện trợ nước ngoài bao gồm 60 tỉ USD cho Ukraine đã vượt qua ải đầu tiên ở Thượng viện Mỹ. Theo Hãng tin Reuters, đã có 67/100 Thượng nghị sĩ Mỹ ủng hộ gói viện trợ, đánh dấu sự thay đổi bất ngờ của nhiều thành viên đảng Cộng hòa.
Khoản tiền sẽ giúp Ukraine bổ sung nguồn cung cấp đạn dược, vũ khí đã cạn kiệt và các nhu cầu thiết yếu khác khi nước này bước vào năm thứ 3 của cuộc chiến. Gói viện trợ với tổng trị giá 95 tỉ USD cũng bao gồm 14 tỉ USD cho cuộc chiến của Israel chống lại phiến quân Hamas và 4,83 tỉ USD cho các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như Đài Loan, và đối phó với Trung Quốc.
Ông Biden nhầm lẫn tài liệu
Tuổi tác vốn là điểm yếu của Tổng thống Mỹ Joe Biden và một báo cáo gần đây của công tố viên đặc biệt điều tra việc ông Biden giữ tài liệu mật cho rằng vị tổng thống 81 tuổi đã nhầm lẫn tài liệu.
Theo hãng tin AFP, công tố viên đặc biệt Robert Hur cho rằng ông Biden không bị buộc tội việc giữ tài liệu mật, nhưng nhận xét của của ông về "trí nhớ có giới hạn" của tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của ông Biden. "Ông ấy đã trình diện trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, như một người đàn ông lớn tuổi có thiện chí, có trí nhớ kém... Trí nhớ của ông Biden bị hạn chế đáng kể", ông Hur viết trong báo cáo, trong đó cho rằng Tổng thống Mỹ thậm chí không nhớ con trai mình qua đời khi nào.
Phản ứng sau đó, Nhà Trắng đã phản đối những lời chỉ trích "không chính xác, vô cớ và sai lầm" về trí nhớ của ông Biden. "Báo cáo sử dụng ngôn ngữ mang tính định kiến cao để mô tả một điều thường xảy ra ở các nhân chứng: khó nhớ lại các sự kiện đã xảy ra trong nhiều năm trước", Nhà Trắng cho biết.
*Israel đẩy mạnh tấn công thành phố Rafah phía nam Gaza. Ngày 8-2, giờ địa phương, lực lượng Israel đã ném bom các khu vực ở thành phố biên giới phía nam Rafah, nơi hơn một nửa dân số Gaza đang trú ẩn.
Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cảnh báo một chiến dịch của Israel ở Rafah mà không có sự cân nhắc về hoàn cảnh khó khăn của dân thường sẽ là "một thảm họa", tuyên bố rằng Washington "sẽ không ủng hộ điều đó".
Trong khi đó, các nhà ngoại giao tìm cách cứu vãn các cuộc đàm phán ngừng bắn sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ chối đề xuất của Hamas. Theo Reuters, một phái đoàn Hamas đã đến Cairo ngày 802 để đàm phán ngừng bắn với các bên trung gian là Ai Cập và Qatar.
*Triều Tiên thề quét sạch kẻ thù. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 9-1 đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định nước này sẽ không ngần ngại sử dụng toàn bộ sức mạnh quân sự của mình để tiêu diệt kẻ thù.
"Nếu kẻ thù cố gắng sử dụng vũ lực chống lại đất nước chúng ta, chúng ta sẽ đưa ra quyết định táo bạo để thay đổi lịch sử và không ngần ngại dùng tất cả sức mạnh siêu phàm của chúng ta để quét sạch chúng", KCNA dẫn lời ông Kim nói trong chuyến thăm Bộ Quốc phòng Triều tiên nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội.
Ông Kim cũng nhắc lại sẽ không bao giờ tổ chức đối thoại hay đàm phán với "kẻ thù số 1" Hàn Quốc, cho rằng chính sách sẵn sàng quân sự là cách duy nhất để đảm bảo hòa bình và an ninh cho Triều Tiên.
Thủ tướng Israel bác đề xuất ngừng bắn của Hamas, nhưng Mỹ tin vẫn có cơ hội cho thỏa thuận ngừng bắn; Quốc hội Triều Tiên bỏ phiếu hủy mọi hợp tác kinh tế với Hàn Quốc... là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 8-2.