Cứ sau các đêm lễ hội, lượng rác thải ra tại các điểm vui chơi ở TP.HCM lại tăng vọt. Để sáng hôm sau đường sá sạch đẹp là hình bóng lặng lẽ làm việc xuyên đêm của các công nhân môi trường. Họ chỉ mong người dân ý thức hơn khi tham gia lễ hội để công việc nhẹ nhàng đôi chút.
Tuổi Trẻ Online ghi lại tâm tư nguyện vọng của nhưng người trong ngành môi trường và cả người dân TP.HCM trước thêm năm mới.
* Anh Châu Thanh Ngọc, quận 1: Giữ vệ sinh đường phố như nhà mình
Chỉ cần mỗi người tự biết giữ gìn, rác nhỏ thì để trong túi quần túi áo, rác lớn thì để trong giỏ xách để đem ra thùng rác hoặc đem về nhà thì đường phố luôn sạch đẹp quanh năm chứ không chỉ là trong đêm giao thừa.
Ở Nhật Bản bạn sẽ hiếm thấy thùng rác trên đường phố hay trong công viên nhưng đường phố lúc nào cũng sạch sẽ, không có mẩu rác nào. Đó là do họ được giáo dục từ nhỏ, luôn ý thức việc xả rác ra đường là xấu, và bị phạt nặng. Có nhu cầu bỏ rác họ sẽ giữ trong giỏ rồi đem về nhà xử lý.
Bắt đầu ngay từ bây giờ, giao thừa năm Giáp Thìn, cho đến năm sau, rồi cả sau này, mỗi người nên tự ý thức về việc giữ lại rác, không bừa đâu vứt đó. Được như vậy thì không những ngoài đường mà trong nhà chúng ta lúc nào cũng sạch và đẹp.
* Chị Liên Anh, quận 6: Đừng nghĩ "mình bỏ một chút không sao"
Vào các dịp lễ hội, trung tâm TP hay những nơi diễn ra các sự kiện như sân khấu nhạc ngoài trời, điểm bắn pháo hoa đón mừng năm mới… đều chất đầy rác.
Dù vẫn có những người "đi chơi văn minh", họ chủ động mang rác ra thùng rác hoặc tìm cách để bỏ rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên lại có rất nhiều người không làm như vậy, họ tiện tay xả rác tại chỗ vì nghĩ "đâu chỉ riêng mình" hay "bỏ lại một chút rác có sao đâu, đằng nào cũng sẽ có người dọn cho mình". Vì vậy năm nào cũng như… năm nào.
Cũng phải kể đến, nhiều sự kiện thu hút đông đảo người dân tham gia nhưng số lượng thùng rác được bố trí khá ít và bé, không chứa được hết khối lượng rác "khổng lồ" do biển người để lại. Việc chen chúc, di chuyển khó khăn tại các khu vực này cũng là lý do khiến người dân vứt rác bừa bãi thay vì cố gắng đi tìm thùng rác.
Trong khi công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức cho người dân chưa đạt hiệu quả rõ nét. Tiền lệ xử phạt đối với hành vi này lại chưa phổ biến khiến việc xả bậy rác thải nơi công cộng vẫn còn tồn đọng suốt nhiều năm.
Theo tôi, việc này nên được quan tâm và quản lý thực hiện từ góc độ của các cơ quan chức năng. Phải xử phạt nặng để răn đe vì người dân nhắc nhở nhau "phải bỏ rác đúng nơi quy định" khó ai chịu nghe ai.
* Một nhân viên Công ty TNHH MTV Công ích quận 1: Mong được về sớm hơn đoàn viên cùng gia đình
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ có tất cả là 200 thùng rác loại từ 95 - 240 lít và 30 xe đẩy tay 660 lít để nhưng người dân bỏ rác nhưng rác vẫn tràn lan.
Nhiều người ăn uống xong sẽ vứt liền dù có thùng rác kế bên. Công nhân đi tới đi lui liên tục mà vẫn có rác. Đặc biệt tối nay (đêm 30 Tết) thường xảy ra cảnh người dân xem bắn pháo hoa xong khi về lại một bãi chiến trường rác. Một đêm lễ hội chúng tôi thường thu gom trên dưới 30 tấn rác tại trung tâm TP.
Đợi người dân tan về chúng tôi bắt đầu dọn từ rạng sáng tới 5-6h mới xong. Khoảng 150 công nhân môi trường cùng làm ở phố đi bộ mới xuể. Chúng tôi phải cố gắng dọn dẹp trả lại mỹ quan đô thị cho TP, để mọi người vui xuân đón Tết.
Chúng tôi cũng linh động phát bao đựng rác và nói người dân ăn uống xong thì bỏ vào để tiện cho công nhân môi trường nhưng họ lại lấy lót ngồi xong bỏ lại. Tôi và anh chị em mong sao người dân thương chúng tôi mà ý thức hơn. Chúng tôi rất mong được về sớm đoàn viên cùng gia đình dịp này.
* Ông Cao Văn Tuấn - trưởng Phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM: Hãy thương người công nhân môi trường cả năm vất vả
Người công nhân môi trường, đặc biệt là các anh chị làm nhiệm vụ quét rác, thu gom, vận chuyển, xử lý rác trong đợt cao điểm lễ Tết rất vất vả. Trong một năm các "chiến binh thầm lặng" làm việc gần như 365 ngày.
Đêm giao thừa chúng ta ngồi bên mâm cơm gia đình cuối năm thì hàng ngàn công nhân vệ sinh môi trường đang phục vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác tại đường phố, nhà máy, công trường. Họ cũng muốn về nhà sớm hơn, đoàn viên sum họp tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới.
Anh em hy vọng công việc kết thúc sớm. Nhưng đặc thù công việc để xong nhiệm vụ thường tới 2h-3h sáng mới được về. Nếu bà con ý thức hơn, không xả rác bừa bãi xuống đường thì công nhân sẽ kết thúc việc sớm hơn.
Bà con hãy bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi đặc biệt ở những điểm bắn pháo hoa. Hành động nhỏ sẽ giúp anh em công nhân môi trường bớt vất vả phần nào.
Công nhân môi trường đảm bảo đường phố luôn sạch đẹp
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã chủ trì phối hợp với các sở ngành thực hiện công tác đấu thầu quét dọn vệ sinh đường phố, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và quản lý điểm hẹn, trạm trung chuyển trên địa bàn.
Chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh môi trường, đảm bảo đường phố luôn sạch đẹp.
Chỉ 15 phút sau khi bắn pháo hoa, hàng ngàn người trở về nhà, để lại các “núi” rác trên phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM).