Theo ghi nhận của PLO tối 30 Tết, chưa tới 21 giờ, tại chợ hoa Tết trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Pleiku, Gia Lai) đã vắng người mua lẫn người bán, còn chưa đến 10 quầy "treo" hàng, chờ bán tháo để lấy lại một phần chi phí. So với các năm trước, sau 0 giờ thì chợ hoa mới tàn.
Nhìn chung, năm nay các mặt hàng hoa truyền thống tại đây như hoa cúc vàng, mai, quất… khá ế ẩm. Trong khi nhiều loại hoa đào có xuất từ phía Bắc lại đắt hàng, hết sớm.
Nhìn chợ hoa đêm 30 Tết khá vắng lặng, ông Mai Thế Vũ (ngụ phường Yên Thế, TP Pleiku) thở dài buồn bã. Trong khi chờ khách, ông cùng người nhà ngồi nhâm nhi li rượu, ăn mì tôm sống.
Ông Vũ giọng trầm buồn: “Năm nay tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng, đưa ra chợ 120 chậu mai. Ban đầu bán giá từ 1,5 triệu đến 5 triệu đồng/chậu, sau giảm xuống vẫn vắng người mua. Tôi chỉ mới bán được 30 chậu, như vậy năm nay lỗ nặng. Số mai này đành mang về chăm cho năm sau”.
Cùng rơi cảnh ế ấm, anh Hà Văn Hảo (ngụ phường Trà Đa, TP Pleiku), cho biết năm nay gia đình anh bán 250 chậu quất, giá mỗi chậu từ 1,2 đến 3 triệu đồng. Khi bán được khoảng 50%, thấy tình hình không khả quan nên quyết định bán xả hàng, mong thu lại một phần chi phí.
“Tới đêm 30 Tết, giá hạ xuống còn 300.000 đồng coi như bán để lấy lại tiền mua chậu. Đến giờ này, nhiều người bán hoa đã về để đón giao thừa, tôi vẫn cố trụ lại mong bán được chừng nào hay chừng đó. Mặc dù đã bán xả hàng nhưng nhiều người vẫn kỳ kèo, không muốn chốt”, anh Hảo nói.
Cùng bán cây quất Tết, anh Nguyễn Huy Hoàng (ngụ phường Hoa Lư), cảm thán: “Năm nay bán không khả quan, tôi đầu tư khoảng 200 chậu, may mắn được hòa vốn. So với các năm, nay người bán hoa phần lớn lỗ nặng, kinh tế khó khăn nên dân mua không mạnh tay”.
Theo ghi nhận của PV, năm nay kinh doanh hoa Tết có sự cạnh tranh rất lớn. Người dân có xu hướng chơi đào nhập từ phía Bắc và một số cây, quả độc lạ nhiều hơn nên một số loại hoa truyền thống bán ra không nhiều.
Ế ẩm chưa từng có, người bán hoa lo mất Tết
(PLO)- Dù 29 Tết, thị trường hoa vẫn vắng người mua, ế ẩm chưa từng có, người bán hoa lo mất Tết.