Trong khi đó, lì xì Tết với phong bao tươi thắm thể hiện lời chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc.
"Lì xì gì mà có 50.000 đồng"
Anh Hữu Lâm (25 tuổi, quê Đồng Nai) nhớ lại cảm giác sượng trân khi nhớ về lần đến chơi nhà bạn Tết năm ngoái. Sau một hồi ngồi uống trà ăn bánh mứt, anh và bạn ghé nhà người bạn khác rủ đi uống cà phê.
Anh kể lại: "Thấy nhà bạn có hai cháu bé đang chạy chơi ngoài sân, tôi lấy hai phong bao đã chuẩn bị sẵn để lì xì. Ai ngờ một bé nhận xong mở phong bao và la lên: "Lì xì gì mà có 50.000 đồng".
Cho rằng trẻ con vô tư nên anh không bận lòng, chỉ hơi quê và bất ngờ. Điều đáng nói là mẹ bé đứng kế bên chứng kiến không nói năng gì mà có thái độ "kỳ kỳ" với anh.
Theo anh, do trong xóm mọi người hay lì xì Tết trẻ con chừng 50.000 - 100.000 đồng nên anh nghĩ qua xóm khác chắc cũng vậy.
Anh chia sẻ: "Con cháu trong nhà thì tôi lì xì nhiều hơn, còn đây là đi tới nhà bạn nên tôi bỏ sẵn mấy phong bao để lì xì khi gặp trẻ con. Với lại tôi ra trường công việc chưa ổn định, Tết cũng không dư dả gì...".
Tương tự, chị Thanh Huệ (28 tuổi, lao động tự do) cho biết chuyện lì xì Tết tưởng đơn giản nhưng nhiều lúc khiến chị khó xử. Tết đến đâu có tiền thưởng như những người làm việc cố định, chị phải dè sẻn chi tiêu và quan niệm lì xì lấy lộc.
Vậy nên khi thăm hỏi bà con họ hàng hoặc những người bạn khá giả, chị hơi ngại. Nhiều bé và ba mẹ vui vẻ nhận phong bao. Một số trường hợp khiến chị chạnh lòng thoáng qua vì Tết không nên lăn tăn chuyện này.
Thậm chí, có lần người cô trong họ phàn nàn những trường hợp lì xì "keo kiệt", chị ngồi nghe mà cười gượng.
Lộc đầu năm, bao nhiêu cũng vui
Khía cạnh ngược lại, nhiều người cảm thấy vui khi nhận lì xì Tết dù ít hay nhiều. Gia đình bà Nguyễn Sơn (ngụ quận 12, TP.HCM) nhiều năm nay luôn giữ truyền thống con cháu chúc Tết ông bà, người lớn tuổi lì xì người nhỏ hơn. Vì vậy, cả nhà ai cũng được nhận lì xì năm mới.
Bà nói: "Tôi không còn đi làm nên cứ bỏ bao lì xì cho con và mười mấy đứa cháu mỗi bao 100.000 đồng nhưng đứa nào cũng háo hức. Đứa lớn lì xì cho đứa nhỏ hơn, đứa 50 tuổi con cái đề huề vẫn được nhận lì xì. Ngày mùng một cả nhà nhộn nhịp lắm".
Trong nhà bà, người làm ăn khấm khá thường sẽ lì xì tiền triệu, người khó khăn hơn thì tiền chục, tiền trăm theo ý thích. Về chuyện phân biệt tiền lì xì ít hay nhiều, bà nói gia đình bà không hề có chuyện này vì có là vui rồi.
Bà luôn nhắc nhở các cháu về ý nghĩa phong tục. Bà dặn mỗi khi nhận phong bao luôn khoanh tay cảm ơn và chúc Tết, đồng thời không mở xem ngay để giữ phép lịch sự.
Đặc biệt, khi ai đó đến nhà không lì xì hoặc đã qua ba ngày Tết, trẻ con không được hỏi lì xì làm người khách lúng túng.
Trên các trang mạng, mỗi dịp Tết đến thường hay bàn luận về tiền lì xì. Nên lì xì bao nhiêu, bao nhiêu tuổi thì còn nhận phong bao? Nhiều người đau đầu khi dạy trẻ ứng xử với tiền lì xì. Nhưng phần lớn đều đồng ý nên hướng cho trẻ trân trọng những phong bao may mắn đầu năm, trân trọng tấm lòng người trao.
Có thể thấy chuyện lì xì ẩn chứa bao nhiêu nỗi niềm. Năm mới, nhận lì xì là nhận lộc dù ít hay nhiều, không có lì xì cũng vui vì đã có lòng đến thăm nhau dịp xuân sang.
Người xưa có câu ‘đầu xuôi đuôi lọt’, đầu năm xuất hành đúng hướng thì cả năm vạn sự hanh thông, khai bút đúng chữ sẽ vẹn toàn như ý.