Tại trung tâm thành phố Thạch Gia Trang phía bắc Trung Quốc, tấm băng rôn in khẩu hiệu “Hạnh phúc mỗi ngày” nằm lệch lạc trước khu chung cư xây dở. Đây là lời nhắc nhở sâu sắc nhất về sự sụp đổ của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, sau khi khủng hoảng bất động sản càn quét toàn đại lục.
Dự án này, có tên Central Plaza của Evergrande, vốn đã đình trệ từ năm 2021. Một nhà phát triển mới đang được tìm kiếm để nhanh chóng tiếp quản. Giới chức Trung Quốc khẳng định việc hoàn thiện những ngôi nhà dang dở là ưu tiên hàng đầu bởi niềm tin người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện tại, những người dân đặt cọc mua nhà từ nhiều năm trước vẫn đang mắc kẹt. Một cư dân 38 tuổi mua 2 căn hộ chưa hoàn thiện với giá hơn 350.000 USD vào năm 2017 cho biết: “Chúng tôi chẳng có cách nào giải quyết vấn đề này. Tôi mất niềm tin vào cơ quan quản lý nhà ở cũng như bất động sản”, người mua nhà của Evergrande nói với Reuters.
Ngân hàng đầu tư Nomura ước tính vào tháng 11 rằng có khoảng 20 triệu căn nhà chưa hoàn thiện trên khắp Trung Quốc. Ước tính tổng kinh phí thiếu hụt để hoàn thành các dự án này rơi vào khoảng 446 tỷ USD.
Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu tập trung vào Trung Quốc, ước tính tính đến năm ngoái, khoản thanh toán đặt cọc trước mà Evergrande đã nhận từ người mua nhà tương đương khoảng 600.000 đơn vị nhà ở. Hiện chính quyền địa phương đang cố gắng tiếp quản một số dự án bị đình trệ theo chính sách “bảo đảm giao nhà”.
Tờ Reuters không thể xác minh chính xác tổng số dự án Evergrande còn dang dở ở Thạch Gia Trang. Tháng trước, chính quyền địa phương tuyên bố đã hoàn thành 40 trên tổng số 44 dự án nhà ở mà họ đã tiếp quản trong năm 2021. Không có dự án nào thuộc về Evergrande.
Trung Quốc chưa tiết lộ số tiền đã chi ra để hoàn thành các dự án phát triển bị mắc kẹt. Bộ nhà ở Trung Quốc cho biết trong tháng 8, hơn 1,65 triệu căn hộ đã được bàn giao theo chương trình này.
Bất chấp việc giới chức Trung Quốc nỗ lực cứu nguy lĩnh vực bất động sản, một cư dân Thạch Gia Trang vẫn cho rằng việc mua căn hộ mới bây giờ là quá rủi ro. Anh hối hận vì đã không dồn tiền mua nhà ở Tokyo hoặc Osaka.
“Tôi sẽ không bao giờ đầu tư vào nơi này nữa”, ông nói với Reuters.
Hiện tình trạng mất niềm tin sâu sắc đang ngày càng gia tăng đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, nhất là sau khi ‘gã khổng lồ’ một thời Evergrande bị yêu cầu ngừng hoạt động và thanh lý tài sản. Đợt suy thoái, vốn kéo dài nhất trong lịch sử, không hề có dấu hiệu giảm nhiệt.
Năm 2023, doanh số bán nhà ở của Trung Quốc giảm 6,5%. Theo Dongxing Securities, một ngân hàng đầu tư Trung Quốc, chỉ riêng trong tháng 12, doanh số bán hàng đã giảm 17,1% so với một năm trước đó. Hoạt động đầu tư cho các dự án mới cũng chậm lại.
“Thị trường vẫn chưa chạm đáy. Vẫn còn một chặng đường dài để đi”, Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói.
Đối mặt với khó khăn tài chính, các chủ đầu tư chung cư vội tìm cách bán tháo để lấy tiền mặt. “Giá căn hộ rộng 110 m2 ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên hiện đã giảm 22% xuống còn 620.000 nhân dân tệ (2,1 tỷ VND). Chúng tôi có thể giảm giá sâu hơn nếu bạn muốn”, một nhân viên bán hàng tại Country Garden Holdings cho biết.
Theo cách tính của Data Watch, mức tồn kho dư thừa – được tính bằng cách lấy tổng diện tích nhà được xây dựng trừ đi tất cả diện tích sàn nhà được bán - là gần 5 tỷ m2 cuối năm 2023. Giả sử, mỗi ngôi nhà hay căn hộ có diện tích sàn là 100 m2 và gồm 3 thành viên, Trung Quốc hiện dư thừa khoảng 50 triệu ngôi nhà, căn hộ - tương đương không gian sống cho 150 triệu người.
Tình trạng dư thừa nhà ở của Trung Quốc đang gây áp lực giảm giá với nhiều loại hàng hóa quốc tế. Giá của các vật liệu nhà ở quan trọng như thanh thép, đồng trên thị trường tương lai đều có xu hướng giảm.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, gần 80% trong số 45 nhà sản xuất thép niêm yết của Trung Quốc rơi vào tình trạng báo động đỏ vì lợi nhuận ròng sụt giảm.
Theo: Reuters, The New York Times