Bé P.H.P, 6 tuổi, ngụ ở Q. Bình Thạnh (TP.HCM) là một ví dụ. Năm nào cũng vậy, vào những ngày Tết khi cả nhà đi chúc Tết hoặc đón khách tại nhà, bé P. chủ yếu ăn các loại bánh kẹo ngọt, uống nhiều đồ uống có đường như nước ngọt, nước yến có đường, nước tăng lực...
Trẻ chỉ thích uống các loại đồ uống có đường
Chị P.T.H, 36 tuổi mẹ của bé kể không chỉ trong những ngày Tết, ngày thường con gái chị ăn cơm ít. Bé uống cả lít sữa có đường mỗi ngày và thường xuyên uống các loại nước ngọt. Ngày Tết theo ba mẹ đi chúc Tết, đến nhà nào cũng được mời uống các loại nước ngọt nên con gái chị càng uống nhiều hơn. Có ngày uống đến 4 lon nước ngọt, chưa kể các loại bánh kẹo.
Không chỉ trẻ em, chị H. kể chị và ông xã chị cũng thích uống các loại nước ngọt. Mỗi khi ăn cơm, vợ chồng chị mỗi người uống thêm 1-2 lon nước ngọt có ga thì cảm thấy ngon miệng hơn. Theo chị H., hiện nay mọi người ít ăn bánh, kẹo hơn ngày trước nhưng lại thích uống nhiều loại đồ uống có đường.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ nước giải khát có đường bình quân đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh qua các năm. Cụ thể, trong năm 2013 là 35,31 lít/người, đến năm 2016 đã tăng lên 46,59 lít và lên tới 50,09 lít vào năm 2020).
Tỉ lệ học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) đã tăng nhanh, từ 30,17% (2013) lên 33,96% (2019).
Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo có lợi cho sức khỏe là dưới 25g/người/ngày của WHO.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Việt Nam đang tăng rất nhanh, tỷ lệ thuận với mức tiêu thụ đồ uống có đường. Cụ thể, tỷ lệ béo phì đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Tỷ lệ thừa cân béo phì đang rất cao ở khu vực thành thị với 26,8%, tiếp đến là nông thôn 18,3% và miền núi 6,9%. Tỉ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh đặc biệt ở các thành phố lớn.
Năm 2014-2015, ở TP.HCM tỷ lệ này đã trên 50%, tại Hà Nội khoảng 41%. Với người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng 30% trong 6 năm, từ 15,6% năm 2015 lên 19,5% năm 2021.
Nạp quá nhiều đường gây ra nhiều gánh nặng về sức khỏe
TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm, phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho rằng đường tự nhiên có trong thực phẩm như trong trái cây, rau, sữa và sản phẩm từ sữa, ngũ cốc. Còn đường thêm vào là đường tự do.
Uống nhiều đồ uống có đường thêm vào sẽ gây ra gánh nặng về sức khỏe, tăng nguy cơ bị thừa cân béo phì, nguy cơ sâu răng, đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim, đột quỵ và các rối loạn chuyển hóa khác....
Một nghiên cứu trên 40.000 nam giới trong 2 thập kỷ cho thấy những người uống trung bình 1 lon đồ uống có đường có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn 20% so với những người hiếm khi uống đồ uống có đường.
Trước tình trạng người dân có xu hướng thích uống những loại đồ uống có đường như hiện nay, WHO khuyến cáo cần giảm lượng đường tự do tiêu thụ mỗi ngày với cả người lớn và trẻ em xuống mức dưới 10% tổng năng lượng nạp vào và giảm xuống dưới 5%, tương đương 25gram hoặc 5-6 muỗng cà phê để có lợi hơn cho sức khỏe.
Riêng với trẻ em từ 2-18 tuổi, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 5 muỗng cà phê (25 gam) mỗi ngày tức dưới 5% tổng năng lượng nạp vào. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
Cũng theo WHO, Việt Nam cần khẩn trương ban hành các chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường gồm đánh thuế đối với đồ uống có đường, bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm đồ uống có đường, kiểm soát quảng cáo, khuyến mại và tài trợ các sản phẩm đồ uống có đường đặc biệt là đối với trẻ em…
Trong đó, chính sách thuế đồ uống có đường được chứng minh là chính sách hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí bởi nó sẽ giảm tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh và khuyến khích sử dụng thực phẩm lành mạnh.
Theo WHO, tất cả các loại đồ uống có đường tự do bao gồm đồ uống có ga hoặc không có ga, nước ép, nước pha từ trái cây, rau, chất cô đọng có hương vị, nước uống tăng lực và tăng cường thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền, sữa có hương vị...
Chính vì ý thích muốn con 'tròn trịa' cho dễ thương nên ít phụ huynh nhận ra con mình bị thừa cân, béo phì. Chỉ khi trẻ bị béo phì nặng, các bậc phụ huynh mới đưa trẻ đi khám.