Mạng xã hội Facebook có rất nhiều hội nhóm trao đổi, mua bán sản phẩm đã qua sử dụng. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường thuận lợi để nhiều kẻ gian thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo tìm hiểu của báo Lao Động, thời gian vừa qua, trên mạng xã hội hiện có rất nhiều các hội nhóm thanh lý TV, tủ lạnh và đồ điện tử đã qua sử dụng. Tại những hội nhóm này, các mặt hàng được rao bán với giả rẻ chỉ bằng 1/2, 1/3 giá bán của các nhãn hàng.
Một nhóm chuyên thanh lý đồ cũ giá rẻ tại Hà Nội hiện có gần 400.000 thành viên với hàng chục bài đăng bán sản phẩm mỗi ngày. Một nhóm khác chuyên thanh lý TV cũ giá rẻ cũng có tới hơn 60.000 thành viên với hơn 10 bài viết mới mỗi ngày.
Việc tìm mua các sản phẩm cũ, hàng thanh lý là nhu cầu chính đáng của nhiều người dân. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lợi dụng các chợ thanh lý đồ cũ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người mua.
Dân Trí đưa tin, cách đây không lâu, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bắc Kạn) đã xử lý thành công chuyên án đấu tranh với đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân.
Theo đó, đối tượng Lê Thanh Tuấn (SN 1989, Hoài Đức, Hà Nội) bị bắt giữ vì hành vi lập tài khoản ảo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn lập các tài khoản Facebook giả mạo rồi dùng “kịch bản” thanh lý đồ điện tử giá rẻ, đối tượng đã lừa tiền của nhiều người dùng mạng xã hội.
Những tài khoản này được đối tượng sử dụng để đăng tải bài viết có nội dung thanh lý các món đồ điện gia dụng như tủ lạnh, tủ đông, tủ hải sản,... tại các hội nhóm trên mạng xã hội.
Đối tượng thường tự giới thiệu là người ở huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), hiện làm nghề mua bán hải sản, cần thanh lý đồ đạc trong cửa hàng để chuyển đổi mục đích kinh doanh. Để thu hút người mua, đối tượng này chào bán đồ điện tử với mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Bằng thủ đoạn trên, nhiều người đã tin tưởng mua hàng, đồng thời chuyển tiền đặt cọc trước vào tài khoản ngân hàng do Tuấn cung cấp. Sau khi nhận tiền, Tuấn lập tức chặn tương tác với nạn nhân. Để tránh bị phát hiện, đối tượng này liên tục thay đổi tên và hình đại diện các tài khoản Facebook giả mạo, thậm chí đổi cả số điện thoại liên hệ.
Trước tình trạng người dân liên tục bị lừa đảo bằng hình thức bán hàng giá rẻ, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đưa ra khuyến cáo người dân nên lựa chọn những địa chỉ uy tín và chính thống để tránh sập bẫy lừa đảo.
"Người dân không nên mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như giá rẻ hơn nhiều lần so với thị trường để tránh mua phải những mặt hàng kém chất lượng hoặc bị chiếm đoạt tài sản", Cục An toàn thông tin cho biết.
Vấn nạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên môi trường số diễn ra ngày càng phức tạp. Kẻ gian có thể thực hiện nhiều chiêu trò khác nhau như lừa bán vé máy bay giá rẻ, giả mạo nhân viên ngân hàng hay mạo danh cơ quan chức năng.
Do đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo trước khi thực hiện giao dịch trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, người dân cũng không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai.
Minh Hoa (t/h)