#KiaBoys - thử thách tai hại
Thử thách #KiaBoys nhắm vào những mẫu xe Hyundai và Kia sử dụng chìa khóa cơ, đa phần sản xuất từ 2011 đến 2021 và chưa nâng cấp chìa khóa điện cũng như hệ thống chống trộm. Điểm chung của các mẫu xe này là thiếu hệ thống Immobilizer, cho phép nổ máy mà không cần tín hiệu xác nhận từ chíp mã hóa lắp trong chìa khóa xe.
Bằng cách tháo cột vô lăng và dùng đầu USB vặn khóa, kẻ trộm nhanh chóng vượt qua hệ thống đánh lửa và khởi động xe mà không cần chìa. Sau đó, chúng đã quay video lái chiếc xe vừa ăn cắp và đăng lên TikTok với hashtag #KiaBoys. Chỉ sau một thời gian hoành hành, #KiaBoys đã thu hút hơn 33 triệu lượt xem.
Trào lưu này bắt đầu vào tháng 10 năm 2022 và đã nhanh chóng lan rộng khắp Hoa Kỳ. Theo Cục An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA), thử thách #KiaBoys là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 14 vụ tai nạn và 8 trường hợp tử vong đã được báo cáo.
Tại Los Angeles, xu hướng trộm cắp xe Hyundai và Kia đã tăng 85% trong năm 2022 so với năm 2021. Ở Chicago, số vụ trộm 2 mẫu xe Hàn Quốc tăng hơn 9 lần, và tại Florida, hơn 30% tổng số vụ trộm xe kể từ giữa tháng 7 đều liên quan đến thử thách TikTok này, chứng tỏ mức độ ảnh hưởng đáng quan ngại.
Thử thách đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cả chủ xe và an toàn công cộng. Một số thậm chí còn phải tận mắt chứng kiến chiếc xe của mình bị lái đi với tốc độ cao, đe dọa đến tính mạng của những người xung quanh.
Sau khi đánh cắp xe một cách dễ dàng, bọn trộm thường phóng nhanh vượt ẩu, không tuân thủ đèn giao thông và đánh võng trên đường. Thậm chí, một số còn sử dụng xe ăn cắp để phạm tội khác, chẳng hạn như cướp và nổ súng. Nhiều kẻ trộm còn chưa đủ tuổi, không có bằng lái và gây ra tai nạn chết người. Vào ngày 23/10/2022, 6 thiếu niên từ 14 đến 19 tuổi sau khi ăn cắp xe Kia Sportage ở Buffalo, New York đã đâm trực diện vào cây bên đường, khiến hai người thiệt mạng và những người còn lại bị thương.
Hậu quả nặng về
Hyundai và Kia nhanh chóng thừa nhận lỗi và đã thực hiện các bước để nâng cấp an ninh nhằm giải quyết triệt để vấn nạn trên. Đến tháng 2 năm 2023, hai hãng xe Hàn Quốc thông báo rằng họ sẽ cung cấp các bản cập nhật phần mềm miễn phí cho chủ sở hữu của những mẫu xe bị ảnh hưởng, bổ sung hệ thống Immobilizer và ngăn mánh khóe mở máy bằng đầu USB.
Hai hãng xe cũng khuyên chủ xe nên đỗ xe ở nơi an ninh hơn, kèm theo sử dụng khóa vô lăng hoặc các thiết bị chống trộm khác. Ngoài ra, Hyundai và Kia cũng tiến hành làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật và các nền tảng mạng xã hội để chấm dứt sự lan tỏa của thử thách.
Chỉ trong vòng vài tháng, "thử thách TikTok" này đã gây thiệt hại đáng kể cho cả Hyundai và Kia, không chỉ về tài chính mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng hãng xe.
Vào tháng 4 năm 2023, chi nhánh của hãng ô tô Hyundai và Kia tại Mỹ đã phải ký thỏa thuận bồi thường vụ kiện tập thể của những khách hàng bị ảnh hưởng, giá trị gần 200 triệu USD.
Giá cổ phiếu của hai hãng xe cũng giảm lần lượt 7,3% và 6,8% trong quý cuối năm 2022. Theo vốn hóa thị trường của Hyundai và Kia vào cuối năm 2022, tổng giá trị bị "thối bay" lần lượt là 2,02 tỷ USD và 1,27 tỷ USD chỉ trong 3 tháng cuối cùng của năm.
Hình ảnh thương hiệu cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi khách hàng mất niềm tin vào tính bảo mật và chất lượng của hai hãng xe Hàn Quốc. Hyundai & Kia đã phải thu hồi và cập nhật phần mềm cho hàng triệu phương tiện để kích hoạt hệ thống chống trộm và ngăn nguy cơ bẻ khóa bằng đầu USB. Theo AP News, đã có hơn 3,4 triệu xe được triệu hồi chỉ tính riêng ở Mỹ. Theo Autoblog, Hyundai và Kia còn phải nộp phạt 137 triệu USD cho chính phủ Mỹ vì quá trình triệu hồi gặp nhiều gián đoạn.
Theo nghiên cứu của AlixPartners, tổng chi phí thu hồi và nâng cấp xe sẽ vào khoảng 1,81 tỷ USD. Cộng thêm giá trị cổ phiếu giảm sút và chi phí bồi thường 200 triệu USD, tổng thiệt hại của Hyundai và Kia ước tính vào khoảng 5,24 tỷ USD, một con số kỷ lục chỉ từ một thử thách trên TikTok.