Giữa tháng 1.2024, sản phụ Đoàn Hồng Nhiên (34 tuổi, ngụ Bình Dương) sau khi sinh con bằng phương pháp mổ đã nhiều 2 ngưng tim, ngưng thở và đã được y bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cứu thành công. Hành trình vượt cạn sinh - tử nhiều lần đã khiến gia đình sản phụ và y bác sĩ vỡ òa hạnh phúc.
Ngày cận tết, khi chuẩn bị xuất viện, sản phụ cùng chồng đã chia sẻ niềm vui này với PV Thanh Niên.
Không thể nghĩ đến cảnh tượng chỉ còn chồng và 3 con thơ
Trung tuần tháng 1.2024, sản phụ Đoàn Hồng Nhiên (34 tuổi) mang thai gần 40 tuần, do thai nhi nặng 4,3 kg nên chị nhập viện ở Bình Dương để sinh con theo phương pháp mổ. Khi vừa sinh con xong, sản phụ đột ngột ngưng tim, ngưng hô hấp. Các bác sĩ tại bệnh viện đã hồi sức, đồng thời nhận định có nguy cơ cao sản phụ bị thuyên tắc ối, nguy kịch nên đã chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM).
Cả quá trình từ lúc lên bàn mổ và đến lúc được chuyển từ Bình Dương lên TP.HCM để cấp cứu thì sản phụ vẫn luôn trong tình trạng hôn mê. Chị Nhiên không thể cảm nhận được cơn đau, không thể biết được bản thân đang đứng giữa "ranh giới sinh - tử". Nhưng rất đặc biệt, cùng với nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ giỏi, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, sản phụ hồi tỉnh sau 12 giờ.
Thuật lại câu chuyện với chúng tôi, những giọt nước mắt chị vẫn không ngừng rơi khi nghĩ về những chuyện mình đã trải qua và khi nói về con, về gia đình.
"Gần 10 ngày nằm viện, tôi chỉ được nhìn con qua điện thoại, vẫn chưa được bồng con trên tay. Bố mẹ bên ngoại đều đã mất, mẹ chồng hiện tại đang ở quê mang nhiều bệnh, nếu tôi không vượt qua được không biết chồng và các con sẽ ra sao nữa. Tôi không thể nghĩ đến cảnh chỉ còn chồng và 3 con nhỏ mà không có mình bên cạnh chăm lo", chị Nhiên nghẹn ngào.
"Khi con vừa lọt lòng, tôi chỉ kịp nhìn con chưa đến vài phút thì được thông báo phải chuyển vợ lên TP.HCM cấp cứu gấp. Tôi chỉ kịp gói vài bộ quần áo và vội leo lên xe cấp cứu cùng vợ chuyển viện. Nhớ lại những giây phút ấy, bây giờ tôi vẫn còn cảm giác lo lắng. Khoảnh khắc chuyển viện và chờ đợi bên ngoài phòng cấp cứu sẽ không thể nào quên được. Lúc đó, đôi tay tôi đan chặt vào nhau, trống ngực đập liên hồi, chân bủn rủn không đứng vững. Đối với tôi việc vợ vượt qua cửa tử còn vui sướng hơn cả trúng số. May mắn này cả đời này tôi không thể nào quên được", anh Thanh (chồng sản phụ Nhiên) hạnh phúc nói.
Lấy tên bà ngoại đặt tên cho con
Gác lại những chuyện đã qua, anh Thanh hào hứng chia sẻ về chuyện tên cho con.
Ban đầu, vợ chồng anh chị dự định đặt tên cho con một cái tên nào đó. Tuy nhiên sau khi trải qua những hoạn nạn, anh chị quyết đặt tên cho con Kim Nhã. Kim Nhã cũng là tên của mẹ chị Nhiên, bà ngoại quá cố em bé.
Nói về việc lấy tên bà ngoại đặt tên cho cháu bé, anh Thanh chia sẻ, ngày mà vợ đang trong cơn thập tử nhất sinh, bên ngoài phòng cấp cứu, xen tiếng máy móc lẫn tiếng bước chân dồn dập của bác sĩ là những lời cầu mong của anh. Anh cầu nguyện: "Mẹ ơi, mẹ phù hộ cho vợ con tai qua nạn khỏi lần này với mẹ".
Anh chắp tay cầu nguyện, cầu trời đất, cầu Phật, cầu cha mẹ phù hộ cho vợ. Và rồi những lời cầu nguyện của anh đã thành hiện thực, chị đã thành công vượt qua cơn sinh tử đầy gian khổ. Anh chị cảm nhận được có mẹ phù hộ nên gia đình mới có thêm bé nữa, do có mẹ phù hộ nên chị mới "tai qua nạn khỏi". Vì vậy anh chị lấy tên bà ngoại đặt cho bé.
Trở về nhà ngày cận tết, chợ chồng chị Nhiên chỉ sắm vài bộ đồ mới cho các con. 25 tết cũng là ngày đầy tháng của bé, cả nhà quây quần sau một năm đầy khó khăn và hy vọng một năm mới thật bình an và hạnh phúc.
Chuyện như một giấc mơ
TS-BS Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhớ lại: Một buổi chiều êm ả thì Phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện nhận được cuộc gọi qua điện thoại từ ngoại viện: có một ca (sản phụ Nhiên - PV) ngưng tim trên bàn mổ khi đang mổ lấy thai, bệnh nhân đang trên xe cấp cứu, còn cách bệnh viện 5 km nữa. Không khí cả ngoài trời và trong bệnh viện bắt đầu tăng nhiệt. Nhân viên bệnh viện nghe điện thoại muốn "té ghế" nhưng vẫn bình tĩnh truyền thông tin lại, thế là các ê kíp bắt đầu được kích hoạt sẵn sàng tại khoa cấp cứu.
"Xe vừa đến cổng thì sản phụ ngưng tim lần nữa. Mọi người tập trung hồi sức và cho chụp CT-Scanner ngay tại cấp cứu. Kết quả thấy thất phải to và không có bất thường trên động mạch phổi nên nghĩ ngay đây là ca thuyên tắc ối, nên được chuyển ngay lên hồi sức tim mạch để đặt ECMO ngay vì đang choáng tim", TS-BS Bùi Chí Thương chia sẻ.
Lúc này ở trên truyền máu khẩn cấp nhưng ở dưới thì máu tuôn xối xả ra âm đạo vì băng huyết sau sanh do hậu quả của thuyên tắc ối gây đông máu nội mạch lan tỏa. Các bác sĩ sản khoa cùng lúc đặt bóng chèn vào lòng tử cung để cầm máu. Tiên lượng nếu không ổn là sẽ can thiệp nội mạch để tắc động mạch tử cung hay phải cắt tử cung cấp cứu.
Vừa tạm ổn ECMO và đặt bóng chèn lòng tử cung thì lúc này sản phụ lại trào bọt hồng qua mũi vì phù phổi cấp. Vì ê kíp hồi sức tim mạch đã dự trù trước nên chủ động kéo máy lọc máu liên tục (CRRT) cho bệnh nhân ngay. Sản phụ được truyền 3.500 ml hồng cầu lắng và 2.200 ml huyết tương tươi, 500 ml tủa lạnh và 3 khối hồng cầu.
"Có lẽ do cảm nhận được sự vất vả và hồi hộp lo lắng của nhân viên y tế bệnh viện suốt đêm hay sao mà chỉ sau 12 giờ, mọi chỉ số sinh tồn tạm ổn từ tim, phổi và giữ được tử cung. Sản phụ đã được rút ống thở (nội khí quản) và giơ tay chào bác sĩ và hỏi: con em đâu? Sau 3 ngày tạm ổn, rút ECMO và chuẩn bị xuất viện. Chuyện như một giấc mơ không bao giờ ngờ tới. Cám ơn các đồng nghiệp đã phối hợp các chuyên khoa nhịp nhàng, không quản gian lao để tạo nên bức tranh xúc động này", TS-BS Bùi Chí Thương nói.
TS-BS Bùi Chí Thương cho biết thêm, tuyên tắc ối là nỗi ám ảnh của bác sĩ sản khoa, 24 năm trong nghề, ông đối diện với 4 ca, phần lớn tử vong ngay trước mặt mình mà không làm gì được. Thuyên tắc ối không thể dự phòng trước được, chỉ có thể nhận diện sớm, phối hợp đa chuyên khoa thì mới có thể cứu được sản phụ.