Tỉ giá chịu áp lực, tiền Việt Nam vẫn ổn định so với khu vực
Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD áp dụng từ ngày 9-2 ở mức 23.956 đồng, tăng 108 đồng so với đầu năm, tương ứng 0,4%.
Giá USD tham khảo tại Cục quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước vẫn giữ ở mức 23.400-25.103 đồng (mua vào - bán ra).
Cả nước vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Giá USD tại các ngân hàng ngày vẫn ổn định so với trước Tết. Giá USD mua vào - bán ra niêm yết trên Vietcombank 24.200-24.570 đồng, còn Techcombank 24.228-24.594 đồng…
Trên thị trường tự do, giá USD sáng 12-2 được giao dịch ở mức 24.840-24.930 đồng (mua vào, bán ra). Nhiều thời điểm, giá bán ra USD vượt mốc 24.950 đồng.
Với mức giá nêu trên, có thể thấy, giá USD "chợ đen" phần nào hạ nhiệt so với thời điểm cận Tết (có lúc vượt 25.000 đồng) nhưng vẫn cao và khoảng cách chênh lệch với thị trường chính thức vẫn vài trăm đồng mỗi USD.
Theo một số chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến giá USD tự do nới rộng khoảng cách. Một phần xuất phát từ yếu tố thời vụ khi nhu cầu USD dịp Tết thường cao hơn và do giá vàng trong trong nước và thế giới chênh lệch lớn, kích thích tỉ giá chợ đen cao hơn.
Vậy tỉ giá sắp tới ra sao? Trong báo cáo mới công bố, WiResearch cho rằng, sự chưa rõ ràng trong chính sách tiền tệ của Fed và bối cảnh thị trường vàng trong nước đã gây lên những áp lực nhất định đến tỉ giá USD trong những tuần đầu năm.
Tuy nhiên nguồn ngoại tệ dồi dào từ FDI, kiều hối và thặng dư thương mại được kỳ vọng sẽ giúp tỉ giá biến động trong vùng mục tiêu của NHNN.
Còn theo dữ liệu từ VNDirect, so với đầu năm 2024, hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều mất giá so với USD, bao gồm đồng Việt Nam (-0,6%), Nhân dân tệ Trung Quốc (-0,9%), Peso Philippines (-1,8%), Rupiah Indonesia (-2,5%), Ringgit Malaysia (-3%) và Thai Bath (- 3,8%).
"Giá vàng trong nước tăng mạnh và duy trì mức chênh lệch giá cao so với giá vàng quốc tế cũng gây áp lực lên tỉ giá VND. Tuy nhiên, VND vẫn nằm trong số những đồng tiền ổn định nhất khu vực", VNDirect nhận định.
Giá vàng liệu có tăng sau nghỉ Tết?
Tại PNJ, giá vàng SJC áp dụng từ ngày 7 đến trưa 12-2 là 76,7-78,9 triệu đồng/lượng.
Còn tại SJC, giá vàng miếng được niêm yết vẫn là 76,7-78,90 triệu đồng… Chênh lệch mua và bán ở mức phổ biến 2,2 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng trưa 12-2 (theo giờ Việt Nam) được giao dịch ở mức 2.023,68 USD/ounce, giảm 0,05% so với cuối tuần trước. Dù giá vàng thế giới quay đầu giảm, giá vàng trong nước ra sao vẫn là một câu hỏi.
Sau kỳ nghỉ Tết, thị trường vàng lại rục rịch bước vào ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng). Nhiều năm, giá vàng thường tăng giá vào ngày này.
Ngoài ra, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước vẫn cao. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng gần 60 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC hơn 18 triệu đồng/lượng.
Theo chuyên gia WiResearch, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới phản ánh nhu cầu cao từ hoạt động tích trữ vàng của người dân. Cùng với đó là nguồn cung hạn hẹp theo chính sách "chống vàng hóa" của Chính phủ trong khi nhu cầu tăng cao.
Dữ liệu cho thấy, giá vàng bán ra trong nước có độ chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới ở mức 18-20 triệu đồng/lượng, duy trì trong một thời gian dài. Điều này khiến WiResearch lo ngại tiềm ẩn đầu cơ và nhập lậu vàng trên thị trường.
Người Việt mua hơn 55 tấn vàng năm 2023
Theo báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam giảm nhẹ, từ 59,1 tấn trong năm 2022 xuống còn 55,5 tấn trong năm 2023.
Trong đó, vàng miếng và vàng xu đã có mức giảm nhẹ 2% trong năm 2023 so với cùng kỳ, ở mức 40 tấn.
Ông Shaokai Fan - giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm giám đốc ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, cho biết, trong quý 4, Việt Nam đã có đợt tăng đầu tư vàng do điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, theo vị này, nhu cầu tăng và các sự lựa chọn đầu tư vàng bị hạn chế đã dẫn đến mức chênh lệch đáng kể đối với các thỏi vàng SJC chính thức, đạt khoảng 600-700 USD/ounce. Giá trị đồng nội tệ giảm liên tục trong suốt năm 2023 đã tiếp tục thúc đẩy nhu cầu, đặc biệt là trong bối cảnh mong manh của nền kinh tế.
Trong khi giá vàng đi xuống, tỉ giá trên thị trường tự do vẫn chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt, vượt mốc 25.000 đồng/USD.