Nancy và Tonya có hai cuộc đời trái ngược. Nancy Kerrigan sinh ra trong gia đình lao động giản dị, truyền thống và nhiều yêu thương. Cha mẹ và các anh chị, cô chú trong nhà luôn đồng hành đến cổ vũ cô trình diễn, thi đấu từ khi chập chững trên sân băng từ năm 9 tuổi.
Được trời phú cho đôi chân dài, thon thả và vẻ thanh lịch tự nhiên, giành được vị trí thứ 13 trong "Top 50 người đẹp nhất thế giới" của tạp chí PEOPLE năm 1993. Trong khi những người nổi tiếng tranh thủ chạy show, dự sự kiện, đóng quảng cáo kiếm tiền, Nancy sống an phận. "Điều quan trọng nhất là được hạnh phúc và khỏe mạnh", cô nói.
Ngược lại, tuổi thơ sóng gió, bầm dập đã tôi luyện lên một Tonya Harding cá tính, can đảm, mạnh mẽ và đề cao ý thức sinh tồn, cạnh tranh.
Vì chuyển nhà 8 lần trong 18 năm đầu đời, Tony không có bạn mà và chỉ có cha là bạn thân duy nhất, người tặng cô một khẩu súng và dạy săn bắn, câu cá và sửa ôtô từ năm 5 tuổi. Tony học trượt băng nghệ thuật rất sớm, khi 3 tuổi, nhưng gia đình khó khăn, mẹ cô luôn phải tự tay may trang phục trượt băng cho con gái để tiết kiệm tiền.
Năm 1990, khi Tonya 19 tuổi, cô kết hôn và ly hôn sau 15 tháng vì bị chồng bạo hành. Những năm tiếp theo, hôn nhân bấp bênh theo vòng lặp chia tay, làm lành rồi lại chia tay, vẫn với người chồng cũ.
Bánh xe số phận đã đưa hai người phụ nữ gặp nhau trong một hoàn cảnh không mấy hòa bình.
Trong môn trượt băng nghệ thuật, có 7 cú nhảy được tính điểm trong thi đấu, được sắp xếp theo độ khó tăng dần là Euler, Toe Loop, Salchow, Loop, Flip, Lutz và Axel.
Năm 1991, giành giải vô địch trượt băng nghệ thuật nước Mỹ, Tonya trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên và là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử đáp thành công cú xoay ba Axel - cú nhảy khó nhất, trong một cuộc thi quốc tế. Tháng 3 cùng năm, tại Giải vô địch thế giới, cô lại hoàn thành cú triple Axel và về nhì, điều này khiến cô trở thành lựa chọn hàng đầu trước Thế vận hội Olympic 1992. Người về thứ ba, chính là Nancy.
Nhưng vị trí hai người đã đảo ngược ngay năm sau, tại Thế vận hội 1992 ở Albertville, Pháp, trong khi Nancy được trao huy chương đồng, Tony hụt mất danh hiệu khi chỉ về thứ tư, xếp ngay sau Nancy.
Sau Thế vận hội, Nancy nhận được danh hiệu America's Sweetheart - Cục cưng nước Mỹ, nhận được các hợp đồng tài trợ và sự khen ngợi của công chúng. Trong khi đó, Tonya, người vừa năm trước còn đứng trong hào quang của những kỳ lục, cảm thấy như bị "ra rìa".
Thế vận hội mùa đông 1994 tại Lillehammer (Na Uy) đến gần. Hai cô gái 24 và 23 tuổi lại đối đầu trong giải vô địch Quốc gia: người về nhất và nhì, sẽ giành được 2 suất thi đấu tại Na Uy vào tháng 2.
Ngày 6/1/1994, bảy tuần trước Olympic, Nancy kết thúc buổi tập luyện trên sân ở Detroit, Michigan, dừng lại trả lời phỏng vấn truyền hình trước khi ra về. Bất ngờ, một người đàn ông cầm dùi cui dài nửa mét, lao tới quật mạnh vào đầu gối chân phải Nancy.
Gã côn đồ nhanh chóng bỏ đi, trốn thoát khỏi sân băng bằng cách đập vỡ một cánh cửa kính bị khóa, leo lên chiếc xe đợi sẵn bên ngoài tẩu thoát.
Tại hiện trường, Nancy khi này hét lên đầy đau đớn, ngã quỵ xuống sàn. Nhóm quay phim bắt đầu ghi hình lại ngay sau vụ tấn công và ghi lại cảnh Nancy ngồi trên sàn khóc được bao quanh bởi các nhân viên nhà thi đấu.
Nữ vận động viên khóc và thốt lên: "Tại sao? Tại sao? Tại sao?". Vụ tấn công chấn động làng thể thao, được mệnh danh "cú đánh được cả thế giới nghe thấy".
Đầu gối và gân cơ tứ đầu của Nancy bị bầm tím nghiêm trọng và buộc phải rút lui khỏi Giải vô địch nước Mỹ, đồng nghĩa vắng mặt tại Olympic.
Khi Nancy phải ngồi ngoài sân, Tonya và một nữ vận động viên khác, Michelle Kwan đã lần lượt về nhất và nhì tại giải vô địch Quốc gia, đồng thời giành được suất trong đội tuyển Olympic.
Nancy nhanh chóng bình phục chấn thương và không ngừng tập luyện chuyên sâu. Danh tiếng và sự yêu mến mà cô có được sau cuộc tấn công càng tăng. Đồng nghiệp cũng đồng ý rằng cô xứng đáng có một trong hai suất trong đội Olympic.
Trong một động thái chưa từng có, các quan chức của Cơ quan quản lý quốc gia về trượt băng nghệ thuật USFSA cho rằng vết thương của Nancy là kết quả của một vụ tấn công hình sự chứ không phải do tai nạn trượt băng nên cô vẫn sẽ được phép thi đấu tại Thế vận hội.
Họ đã chọn ghi tên cô vào đội Olympic thi đấu cùng cô nàng "oan gia ngõ hẹp", Tonya. Nữ vận động viên còn lại, Michelle Kwan, được cử đi trong đội hình dự bị, phòng trường hợp Tonya bị bắt.
Tonya đã dàn dựng một kịch bản rất tỉ mỉ. Nay sau vụ tấn công Nancy, truyền thông đã ngấm ngầm đưa ra những đồn đoán về việc, "ai muốn một vận động viên trượt băng gãy chân ngay trước giải đấu?", ngoài đối thủ của cô ấy.
Tonya nhanh chóng lên tiếng trước, khẳng định đã nhận được điện thoại dọa giết hai tháng trước. Cô dẫn chứng thời gian gần đây nhiều người nổi tiếng bị những fan hâm mộ loạn trí làm phiền, gửi thư căm thù, đe dọa
Khi được hỏi về vụ tấn công Nancy, cô nói: "Điều đó làm tôi sợ hãi bất an vì ai ở đây cũng có thể xông vào đánh tôi như đánh cô bạn tôi". Tonya khẳng định sau khi bị dọa giết, cô đã thuê một vệ sĩ. Nhưng màn kịch này không diễn được lâu.
Một tuần sau, FBI đã nhanh chóng vào cuộc và tóm được Shane Stant, gã côn đồ cầm dùi cui nhắm vào đầu gối Nancy. Lời khai của hắn khuấy đảo giới truyền thông, nhưng cũng không khiến họ bất ngờ.
Stant đã tự thú rằng chính vợ chồng Tonya và vệ sĩ của cô ta đã thuê hắn đánh Nancy, với mục đích khiến Nancy không thể cạnh tranh suất dự Olympic với Tonya. Để câu chuyện thêm đáng tin, Stant khai, Tonya đã nói dối có người dọa giết mình, để đánh lạc hướng dư luận.
Người đợi hắn trong ôtô là chú ruột, đã bị bắt cùng ngày. Chồng Tonya và vệ sĩ của cô ta, bị bắt sau đó vài hôm. Chồng Tonya thừa nhận khi bàn kế hoạch này, cô vợ đã nói "ý tưởng hay".
Vệ sĩ của họ, người chịu trách nhiệm thuê hai gã côn đồ, đưa ra gợi ý có thể dàn xếp tai nạn ôtô hoặc gây án mạng, nhưng chồng Tonya nói chỉ cần đánh gãy chân phải - chân thuận tiếp đất là được. Còn Tonya đã gọi điện đến sân tập để nắm lịch tập luyện của đối thủ, rồi báo cho hai gã côn đồ biết để rình sẵn. Họ đã chi 6.500 USD cho kế hoạch.
Khi cáo buộc hình sự đang rùm beng tại quê nhà, cả hai nàng thiên nga Nancy và Tonya đều đang ở Na Uy, sẵn sàng cho Thế vận hội.
Họ tập cùng phòng, ăn cùng bàn, sinh hoạt cùng khu. Tonya tuy chưa bị FBI còng tay, nhưng được lệnh phải xuất hiện trước ủy ban Olympic quốc gia để điều trần về những sai phạm đạo đức. Nhưng cuối cùng, sau cuộc họp kéo dài 9 giờ, Ủy ban quyết định không kỷ luật Tonya vì vụ án vẫn trong giai đoạn truy tố và nếu kỷ luật cô, Ủy ban sẽ đối mặt nguy cơ bị kiện đòi bồi thường 20 triệu USD.
Tonya vẫn được thay mặt nước Mỹ thi đấu tại Thế vận hội, nhưng chỉ xếp thứ 8. Trong khi cái kết có hậu đã đến với cục cưng nước Mỹ, Nancy Kerrigan.
Bất chấp chấn thương và những bê bối bủa vây mình và đồng đội, cô đã trình diễn xuất sắc và về sau nhà vô địch với tỷ số cách biệt gần nhất trong lịch sử trượt băng nghệ thuật Olympic.
Nancy về nhà với huy chương bạc, còn Tonya về để đối mặt với cáo buộc âm mưu hành hung Nancy.
Ngày 16/3/1994, Tonya Harding đã ký thỏa thuận nhận tội, nộp phạt 110.000 USD, đóng góp 50.000 USD cho Thế vận hội Đặc biệt (Speacial Olympics) và thực hiện 500 giờ phục vụ cộng đồng tại một bếp ăn từ thiện.
Đổi lại, cô không bị truy tố hình sự nhưng hình phạt nặng nhất với cô, được đưa ra bởi Hiệp hội Trượt băng nghệ thuật Mỹ USFSA: Tonya bị cấm tham gia các sự kiện USFSA suốt đời.
Tonya không bị buộc tội hình sự và luôn khẳng định mình vô can. Sau này, Tonya vẫn hy vọng được thi đấu ở các giải khác, nhưng hầu hết các vận động viên trượt băng đều từ chối làm đồng đội, tập luyện hoặc thi đấu giải có cô.
Bốn người đàn ông bao gồm chồng Tonya, vệ sĩ của cô và chú cháu gã côn đồ, bị phạt mỗi người 2 năm tù.
Nancy Kerrigan tiếp tục trượt băng chuyên nghiệp và dành được sự yêu mến của cộng đồng. Cô được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Trượt băng Nghệ thuật vào năm 2004 và làm phóng viên đặc biệt trong một số Thế vận hội, làm từ thiện, và chăm sóc gia đình.
Đối với nàng "thiên nga đen" Tonya Harding, cuộc sống hậu bê bối tỏ ra khó khăn, bị bắt hai lần vì say rượu lái xe. Cô tái hôn năm 2010 và có con trai.
Vụ bê bối và xung đột giữa hai thiên nga làng trượt băng nước Mỹ, đã được mô phỏng trong bộ phim năm 2017 "I, Tonya", với Margot Robbie vào vai Tonya.
Cựu vận động viên đã khiến người hâm mộ và chính Margot Robbie ngạc nhiên, khi cô tới tham dự buổi ra mắt bộ phim I, Tonya ở Los Angeles. Bà lén lau nước mắt khi tạo dáng cùng nữ diễn viên Margot Robbie trên thảm đỏ.
Hải Thư (Theo Time, The Sun, People, Biography. Mass Moments)
Xem thêm: lmth.1609074-ioh-nav-eht-ud-maht-uht-iod-iah-gnab-tourt-gnal-ned-agn-neiht-na-uv/ten.sserpxenv