ỨNG VIÊN TRIỂN VỌNG CHO NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN
Thưa ông, năm 2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, với điểm nhấn về hợp tác bán dẫn. Cùng với đó, hàng loạt doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong khi một số khác khai trương nhà máy sản xuất chip. Ông đánh giá thế nào về cơ hội của Việt Nam khi tham gia lĩnh vực cung ứng chip toàn cầu?
Tôi cho rằng, Việt Nam chắc chắn sẽ tham gia ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Nhiều quốc gia khác cũng đã và đang tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất chip bán dẫn. Một điểm đáng lưu ý là, ngành bán dẫn là chuỗi cung rất lớn và các quốc gia đều có thể lựa chọn tham gia vào từng bước.
Ngành công nghệ bán dẫn được chia làm 2 mảng, gồm thiết kế chip và sản xuất chip. Trước đây, hai công đoạn này được thực hiện bởi một công ty, như Intel hay Samsung, nhưng hiện giờ, hai hoạt động này được thực hiện bởi các công ty khác nhau. Vậy nên, thiết kế chip sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn, vì sản xuất chip đang đình trệ. Nếu tập trung được vào thiết kế chip sẽ là một lợi thế không nhỏ cho Việt Nam.
Các bạn có thể tập trung vào thiết kế, vì Việt Nam có nhiều trường đại học với nhiều quan hệ hợp tác quốc tế để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này. Cần biết rằng, cần chi phí khoảng 10 tỷ USD để thiết lập một cơ sở chế tạo bán dẫn điển hình. Những nhà máy này cần cập nhật công nghệ mới sau mỗi 2 năm, đòi hỏi phải nâng cấp trang thiết bị với cùng tần suất và đi kèm là số lượng lớn nhân viên kỹ thuật lành nghề.
Hiện nay, hầu hết việc sản xuất bán dẫn diễn ra tại Đài Loan (Trung Quốc), tiếp theo là Hoa Kỳ. Nhiều người cho rằng, việc sản xuất không nên dừng lại ở các nền kinh tế nêu trên, mà cần được phân bổ sang các quốc gia khác có thể đáp ứng các tiêu chí.
Bên cạnh khâu thiết kế, Việt Nam cũng có thể tham gia khâu lắp ráp và đóng gói. Một số công nghệ đóng gói chip tiên tiến của Intel đã được thực hiện tại Việt Nam trước đây. Với nguồn cung cấp năng lượng, lao động dồi dào, trình độ cao và năng lực thu hút đầu tư mạnh mẽ, Việt Nam sẽ là một ứng viên triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhưng trong cuộc cạnh tranh ở mảng thiết kế và đóng gói, Việt Nam là người đến sau. Việt Nam phải làm gì để có thể cạnh tranh được với các quốc gia đi trước, thưa ông?
Theo tôi, Việt Nam có thể bắt đầu tham gia quá trình đóng gói phần mềm, các ứng dụng trong hoạt động công nghệ sản xuất bán dẫn.
Việt Nam hiện có đội ngũ kỹ sư trẻ, tài năng, phát triển rất nhiều phần mềm, rất nhiều ứng dụng. Nhưng những ứng dụng này không phải chỉ dừng lại là ứng dụng để xem phim, nghe nhạc, mà rộng hơn, như phục vụ lĩnh vực y tế. Khi có tình huống khẩn cấp, số đông người dân cần cấp cứu, thì ứng dụng này có khả năng kích hoạt như gọi xe cứu thương phục vụ nhu cầu cứu chữa khẩn cấp. Đó là một ví dụ. Tôi cho rằng, kỹ sư trẻ Việt Nam có điều kiện đóng góp rất lớn cho quá trình này.
Đồng thời, cần tập trung vào việc sản xuất những vật liệu phục vụ các mô hình máy tính lớn, máy lượng tử. Việc phát triển bán dẫn sau này phụ thuộc vào các mô hình máy tính lớn và những vật liệu mới, vật liệu đáp ứng được nhu cầu cho ngành bán dẫn là một điều kiện tiên quyết.
Tiếp nữa là sản xuất bán dẫn sinh học, hay bán dẫn hữu cơ. Vì chúng ta đều hướng tới yếu tố bền vững và để có thể tạo ra những sản phẩm liên quan đến bán dẫn, đến công nghệ phát triển tương lai, đảm bảo cho một tương lai bền vững, thì chắc chắn, chúng ta phải sử dụng các vật liệu, các mô hình chế tạo dựa trên yếu tố sinh học và hữu cơ.
Trong cuộc cạnh tranh đó, Việt Nam có ưu thế gì hơn các nước trong khu vực?
Tôi cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế nổi trội. Việt Nam rộng lớn hơn, có nhiều nước, nguồn nhân lực dồi dào, sở hữu khả năng để bước chân vào công nghiệp này.
Đặc biệt, điều Việt Nam có thể bắt đầu nghĩ đến là tái chế, cụ thể là sử dụng lại một vài nguyên liệu hiện tại.
VIỆT NAM CẦN CHUẨN BỊ NGUỒN NHÂN LỰC
Nói về nguồn nhân lực, nhiều ý kiến cho rằng, khi tham gia công nghiệp bán dẫn, Việt Nam phải đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực. Theo ông, bài toán này sẽ được giải như thế nào?
Nguồn nhân lực hiện tại của Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được tiêu chuẩn của ngành. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn. Các cường quốc như Hoa Kỳ, Anh Quốc cũng thiếu.
Tuy nhiên, thách thức hiện tại là Việt Nam không đủ giáo sư, các nhà khoa học có đủ khả năng giảng dạy đầy đủ các phân ngành trong lĩnh vực bán dẫn. Vì thế, tôi nghĩ, những sự kiện như Giải thưởng VinFuture là một ví dụ rất tích cực, quy tụ được đội ngũ các nhà khoa học giỏi nhất trên thế giới.
Nhân sự kiện như thế, họ tới và có thể mời họ tham gia giảng dạy trực tuyến. Các trường đại học có thể lắng nghe, học hỏi. Khá nhiều giáo sư giảng nhiều phân ngành, từ vật liệu cho đến các mô-đun kết nối… Các bạn nên tập hợp những bài giảng đó lại và sắp xếp thành chương trình giảng dạy.
Ngành bán dẫn rất rộng, không ai có thể dạy tất cả. Để thành lập được một mô hình đào tạo, thì chương trình giảng dạy ban đầu rất khó khăn. Nhưng nếu không có bước đầu tiên để đào tạo con người, thì nguồn nhân lực sẽ không có bước đi tiếp theo.
Việt Nam nên bắt đầu có các chương trình, khóa đào tạo bậc đại học, đầu tư vào những khóa học trao đổi sinh viên với những trường mạnh trong lĩnh vực này...
Bên cạnh nguồn nhân lực, yếu tố nào khác giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thưa ông?
Tôi nghĩ, yếu tố đầu tiên là nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn và đi kèm với đó là việc ban hành các chính sách phát triển ngành này. Đó là yếu tố quan trọng và Chính phủ luôn cần phải đi tiên phong.
Tương tự, những hội nghị, hội thảo trao đổi chuyên môn sâu trong lĩnh vực này cũng là cơ hội để chuyên gia nước ngoài có thể nắm bắt được những vấn đề bên trong của Việt Nam và đội ngũ nhà khoa học Việt Nam, ngành công nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được sự phát triển của lĩnh vực này trên thế giới. Điều đó giúp ích rất nhiều cho lộ trình phát triển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách về thuế và các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Từ đó, sẽ thu hút các công ty đến Việt Nam để sản xuất linh phụ kiện hay thiết bị của ngành bán dẫn.
Và yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực, vì thiếu nhân lực, thì mọi yếu tố khác có cũng trở nên vô nghĩa.
CƠ HỘI LỚN CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Trong ngành bán dẫn, cơ hội nào dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Lĩnh vực bán dẫn đã có tuổi đời 60 năm, nên không thể ngay lập tức đòi hỏi một vị trí như những doanh nghiệp đã đi trước tại các nước phát triển.
Các doanh nghiệp nên bắt đầu với các chương trình không cần nhiều vốn đầu tư, hợp tác chiến lược với các công ty, trường đại học, chính phủ các nước mạnh trong ngành bán dẫn. Quan trọng nhất là phải bắt đầu ngay lập tức.
Tôi cũng không biết cụ thể công ty nào trong nước tham gia lộ trình này. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, cần có một lộ trình tổng thể cấp quốc gia. Điều này rất quan trọng. Khi có một lộ trình, các bên quan tâm sẽ biết được Việt Nam dự kiến làm gì. Và trên cơ sở lộ trình quốc gia chung đó, các công ty trong nước cũng sẽ tham gia. Khi nắm bắt được lộ trình, họ sẽ đi theo định hướng chung của đất nước.
Chúng ta thấy, Singapore đã có giai đoạn đầu phát triển như thế. Họ cũng tìm cách hợp tác với các quốc gia như Mỹ và nhiều nước khác.
Với Việt Nam, tôi nghĩ, trong một cách tiếp cận tương tự, có thể tìm kiếm việc liên kết hợp tác với các quốc gia khác. Singapore cũng rất mong muốn có cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Hay như Anh quốc cũng muốn tham gia ngành bán dẫn, nên Việt Nam có thể hợp tác với nước này. Việt Nam cần hợp tác với nhiều công ty của nhiều quốc gia trên thế giới, chứ không chỉ dừng lại ở một công ty hay một quốc gia nào đó.
Việt Nam đang xây dựng Chiến lược Phát triển công nghệ bán dẫn. Ông có khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam?
Rất tiếc, tôi chưa tìm hiểu sâu về kế hoạch, lộ trình Việt Nam đang xây dựng, nên chưa thể đưa ra nhận định gì.
Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh, về mặt trí tuệ, sự thông minh, người Việt không thua kém gì các quốc gia khác. Chỉ có điều, Việt Nam đi chậm hơn so với các quốc gia khác trong lĩnh vực này, chứ không phải là sự thua kém.
Nhưng tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần gia tăng hợp tác với các tập đoàn hàng đầu, như Intel, Samsung, để qua đó, tăng giá trị của mình trong chuỗi.
Các doanh nghiệp nước ngoài cần được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư, về vốn đầu tư. Chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích các trường đại học mở các khóa học đào tạo về lĩnh vực này để cung ứng nguồn nhân lực bán dẫn.
Đồng thời, cử nhân lực có trình độ khoa học - kỹ thuật cao đào tạo tại các nước phát triển về lĩnh vực này. Muốn có một nền tảng bán dẫn tốt, cần phải xây dựng từ móng.
Lần đầu tiên đến Việt Nam, ông đánh giá thế nào về khả năng đổi mới sáng tạo cũng như môi trường đào tạo của Việt Nam?
Thực lòng, tôi không nghĩ Việt Nam phát triển thế này. Nhiều người bạn của tôi cũng không nghĩ Việt Nam đạt đến mức có thể phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Tôi cũng rất bất ngờ với cơ sở vật chất của các trường đại học và văn hóa cởi mở của các bạn.