Hơn nửa tiếng trước giờ bóng lăn, dễ dàng bắt gặp hình ảnh một nhóm người mang vác máy móc kệ nệ, kéo loa lên khán đài, vội vã lắp đặt máy móc. Đến khi trận đấu bước đầu, từ chiếc loa phát ra âm thanh rôm rả của các bình luận viên với ngữ điệu lên xuống theo từng pha bóng.
Họ chính là những người làm nghề “livestream bóng đá”.
Bóng đá phủi không thể thiếu livestream
Không những có thể nuôi sống bản thân, những người livestream bóng đá cũng đã thổi hồn vào những trận đấu bóng đá phong trào.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhiều ông bầu, và các đơn vị tổ chức giải đấu ở TP.HCM thừa nhận, livestream đã trở thành một phần của đời sống bóng đá phủi. Hiện các giải bóng đá phong trào từ sân 5, sân 7 đến sân 11 đều rất chất lượng. Từ đó nhu cầu thưởng thức các trận đấu cũng tăng lên. Nhưng do không phải ai cũng có điều kiện trực tiếp theo dõi nên họ tìm kiếm và theo dõi các trận đấu thông qua sóng livestream.
Sóng livestream trở thành môi trường thuận lợi để quảng bá giải đấu, trả quyền lợi cho nhà tài trợ. Các đội bóng cũng muốn được lên sóng livestream để xây dựng hình ảnh, thương hiệu và tìm kiếm các nhà tài trợ.
Bên cạnh vấn đề về thương hiệu, các đội bóng phong trào cũng muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc của trận đấu để làm kỷ niệm, phân tích rút kinh nghiệm nhằm tiến bộ hơn về mặt chuyên môn. Ngay các cầu thủ bóng đá phong trào cũng rất muốn được livestream để có thể thỏa mãn giấc mơ chơi bóng như một cầu thủ chuyên nghiệp.
Những người làm nghề livestream đã có tác động mạnh mẽ đến bóng đá phong trào. Trước khi lên sóng livestream, những đội bóng luôn chuẩn bị chỉnh chu hơn về hình ảnh của mình từ áo thi đấu, poster, cờ lưu niệm đến các “phụ kiện” khác.
Sự xuất hiện của sóng livestream giúp các trận đấu trở nên bớt cảnh bạo lực bởi không phải đội bóng nào cũng muốn bị ghi lại những khoảnh khắc “xấu xí”. Có thể nói, livestream bóng đá thúc đẩy sự phát triển của sân chơi phong trào ngày càng chuyên nghiệp và văn minh hơn.
Đa dạng nguồn cung
Nhắc đến nghề livestream, không thể không nhắc Live Bóng đá - một trong những đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực này.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, BLV Lê Quân, người sáng lập Live Bóng đá, kể lại: “Năm 2015, thời điểm bóng đá sân 5 ở TP.HCM phát triển cực thịnh, tôi cùng hai đồng nghiệp vác loa đi bình luận các trận đấu. Sau này, khi nhu cầu tăng cao, Facebook có chức năng livestream, chúng tôi thử nghiệm livestream và bình luận các trận đấu bằng điện thoại".
“Đó là những viên gạch đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của Live Bóng đá (trang fanpage có gần 100.000 người theo dõi). Sau đó một thời gian, chúng tôi mới livestream bằng máy quay chuyên nghiệp” - Lê Quân nói tiếp.
Cho đến thời điểm này, Live Bóng đá đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật livestream khó nhất. Từ ba thành viên ban đầu, giờ đây Live Bóng đá có nhân sự lên đến 40 người, để đáp ứng nhu cầu live hàng trăm trận đấu/tháng.
Từ sự thành công của Live Bóng đá mà rất nhiều đơn vị khác ra đời. Có thể kể ra như Dấu Ấn Sân Cỏ, Truyền Thông Rô Pi, Bóng đá Phủi Miền Tây, Bóng đá Underground...
Trong đó, phát triển mạnh bậc nhất chính là Dấu Ấn Sân Cỏ. Ra đời năm 2019, họ được xem là “sinh sau đẻ muộn” so với các đồng nghiệp. Tuy nhiên, lợi thế của việc ra đời sau chính tiếp cận với công nghệ hiện đại, và khắc phục được các vấn đề của những đơn vị khác.
Nhờ vậy, Dấu Ấn Sân Cỏ rất được ưa chuộng nhờ hình ảnh đẹp và bình luận viên có chuyên môn cao. Kể về quá trình phát triển của Dấu Ấn Sân Cỏ, anh Võ Minh Trí cho biết ban đầu nhóm chỉ có 3 người và đều là tay ngang. Tuy nhiên nhờ niềm đam mê với bóng đá, 3 anh em đã bỏ ra số tiền lớn để mua máy móc về bắt đầu bước vào nghiệp “livestream bóng đá”.
Minh Trí nói: “Chúng tôi tự làm, tự học hỏi từ các anh em đã làm chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng cố gắng xem bóng đá nhiều, học hỏi góc quay trên truyền hình để áp dụng theo. Dù không thể nào bằng được nhưng chất lượng hình ảnh cũng được nâng cao”.
Minh Trí kể tiếp: “Chúng tôi cũng chăm chút phần bình luận để trận đấu trở nên hấp dẫn hơn. Đồng thời cải thiện công nghệ quay, dựng để có khung hình đẹp nhất”.
Đặc biệt, Dấu Ấn Sân Cỏ cũng là một trong những đơn vị đầu tiên tại TP.HCM hỗ trợ công nghệ video xem lại để phục vụ trọng tài (còn gọi là VAR phủi). Tuy không thể so sánh với V-League hay thế giới nhưng VAR phủi cũng là phương tiện tham khảo quan trọng giúp các trọng tài đưa ra quyết định chính xác hơn. “VAR phủi” dần trở thành đặc sản của bóng đá phong trào TP.HCM.
Cơ hội cho các sinh viên làm thêm
Theo Minh Trí, do nhu cầu về chụp ảnh livestream ngày càng cao nên Dấu Ấn Sân Cỏ bắt buộc phải mở rộng số lượng, cộng tác với các sinh viên có niềm đam mê quay phim và chụp ảnh.
Các sinh viên cộng tác với nhóm sẽ được chi trả theo sản phẩm họ làm ra. Một tháng, Dấu Ấn Sân Cỏ livestream và chụp ảnh khoảng 130 trận đấu. Thu nhập của các sinh viên có thời điểm lên đến 5 - 6 triệu đồng tháng. Vừa có thêm thu nhập giúp gia đình nhẹ gánh cũng như có nơi để theo đuổi niềm đam mê.
Chàng trai có pha bắt bóng rồi vô lê ghi bàn khiến người xem trầm trồ vì quá đẹp.